Nhà... "một vú" giữa lòng TP.HCM

ĐẶNG TUYẾT,
Chia sẻ

Giữa lòng Sài Gòn, đoạn qua P. Linh Trung (TP.Thủ Đức) có căn nhà trọ đặc biệt do một bệnh nhân ung thư đứng ra thuê, nhằm đùm bọc nhiều bệnh nhân cùng hoàn cảnh khó khăn.

Căn nhà nhỏ có địa chỉ 7/47 Xa Lộ Hà Nội (TP Thủ Đức, TP.HCM) là nơi cư ngụ của hơn 20 người phụ nữ mắc bệnh ung thư vú có hoàn cảnh khó khăn trong suốt 1 năm qua. Căn nhà được cô Nguyễn Thị Phượng đứng ra thuê, cô cũng là một trong những bệnh nhân đang sống tại đây.

Trải qua 8 toa hóa chất, phẫu thuật, xạ trị 16 tia, bệnh cũng di căn đến nhiều bộ phận khác làm cho sức khỏe cô Phượng giảm đi nhiều nhưng cô vẫn luôn là chỗ dựa cho những người phụ nữ kém may mắn khác.

Nhà… “một vú” của những bệnh nhân ung thư, chị em nương tựa nhau sống tới già - Ảnh 1.

Căn nhà trọ đặc biệt của hơn 20 người phụ nữ mắc bệnh ung thư vú có hoàn cảnh khó khăn.

Cô Nguyễn Thị Phượng – Ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM kể lại: "Đi vô bệnh viện khám bệnh chung rồi cho mấy chị số điện thoại liên lạc để về đây, nhiều người không đủ tiền ăn, không đủ tiền trọ, khó khăn là cô không lấy tiền. Giờ cô cũng đau nhức trong người, tê tay, nhức chân tùm lum, giờ nó qua phổi, rồi vô thuốc nó qua tim, trị tim trước rồi tiếp tục mua thuốc. Cô Phượng đâu có chồng, con gì đâu, độc thân có một mình à…".

Đa số những người ở đây đều từ quê lên TP.HCM để trị bệnh và khi đến giai đoạn xạ trị phải mất hàng tháng nên không thể cứ đi rồi lại về sẽ tốn nhiều chi phí, vì lẽ đó mà cô Phượng đã thuê căn nhà này.

Nhà… “một vú” của những bệnh nhân ung thư, chị em nương tựa nhau sống tới già - Ảnh 2.

Đa số những người ở đây đều từ quê lên TP.HCM để trị bệnh

Mỗi ngày những thành viên trong nhà sẽ đóng 100.000 đồng để làm phí sinh hoạt, đối với những ai có hoàn cảnh khó khăn thì được cô Phượng giúp đỡ, không lấy tiền. Những phần hao hụt cô sẽ xin anh em, bạn bè của mình để đắp vào.

Đồng hành với cô Phượng có chị Võ Thị Mỹ Duyên hoàn cảnh cũng khó khăn nên trong thời gian trị bệnh chị phải sống ở hành lang của bệnh viện đến khi dịch bệnh bùng phát không được ở hành lang nữa chị đã về đây và làm đầu bếp chính đến giờ.

Nhà… “một vú” của những bệnh nhân ung thư, chị em nương tựa nhau sống tới già - Ảnh 3.

Chị Võ Thị Mỹ Duyên

"Sức khỏe cũng tạm ổn hơn mấy chị, ai mà mới điều trị thì mình động viên, mình nấu ăn cho mấy chị, chị em cùng nhau chia sẻ cùng chiến đấu với căn bệnh. Chị em đoàn kết rất thương nha, sống chung một nhà tuy khác tỉnh nhưng thương hơn chị em ruột. 

Vui nhiều, buồn nhiều, buồn vì những chị em cùng sống với mình mà ra đi thì cái đó là niềm đau nhất. còn vui thì chị em chiều cùng hát karaoke, vui cười với nhau, nhiều kỷ niệm lắm", chị Võ Thị Mỹ Duyên – ngụ tỉnh Tiền Giang tâm sự.

Nhà… “một vú” của những bệnh nhân ung thư, chị em nương tựa nhau sống tới già - Ảnh 4.

Tại căn nhà trọ đã chứng kiến rất nhiều cuộc ly tán, hạnh ngộ của những mảnh đời khó khăn chồng lên bất hạnh, có người vừa chớm xuân thì, có người bạc phơ mái đầu mới hay tin mình bệnh. Đối với họ lúc này hy vọng sống chỉ đơn giản là mỗi sáng thức dậy còn thấy mình được thở, được nhìn thế giới xung quanh và được tiếp tục nguyện cầu hạnh phúc.

Cô Huỳnh Thị Lệ  cùng quê với chị Duyên cũng cơ duyên gặp cô Phượng và chị em về chung nhà nương tựa nhau. Cô Lệ chia sẻ: "Gặp Phượng rồi nó thuê nhà để giúp đỡ chị em. Giờ cô ở đây bán vé số để mua thuốc. Ban đầu khóc, sợ lắm nhưng thấy chị em cũng vậy mình không lo nữa, hết sợ rồi tới đâu thì tới."

Nhà… “một vú” của những bệnh nhân ung thư, chị em nương tựa nhau sống tới già - Ảnh 6.

Còn chị Nguyễn Thị Như Lệ, quê ở Bình Thuận hào hứng kể: "Mình về đây ở thấy cũng vui, chị em chăm sóc an ủi nhau. Mình nghĩ tự nhiên giờ mình chết đi con còn nhỏ không ai lo, mà chồng cũng an ủi, ba mẹ cũng an ủi sống nuôi coi, người thân cũng an ủi, tại vì mình còn trẻ quá mà mình bị á."

"Nhà một vú" là cái tên mà mọi người đã đặt ra để an ủi nhau vì hầu hết khi điều trị ai cũng phải cắt bỏ một bên ngực. 

Nhà… “một vú” của những bệnh nhân ung thư, chị em nương tựa nhau sống tới già - Ảnh 7.

Căn nhà trọ đã chứng kiến rất nhiều cuộc ly tán, hạnh ngộ của những mảnh đời khó khăn

Dường như sau tất cả sức khỏe mới là tài sản quý giá nhất của mỗi con người, hy vọng những người như cô Phượng sẽ có đủ sức khỏe để cho giúp đời, giúp cho tất cả chị em trong căn nhà lạc quan, để một ngày mai rồi sẽ tốt đẹp hơn.

Chia sẻ