Dành thời gian cho con

Nhà báo Thu Hà (Mẹ Xu Sim): "Tôi dành thời gian 24/7 cho con"

Thanh Sơn,
Chia sẻ

"Cách của tôi là tranh thủ mọi lúc ở bên cạnh con, làm cùng với con, đi đâu cũng đưa con theo" - Đó là lời chia sẻ của nhà báo Thu Hà (Mẹ Xu Sim) trong cuộc trò chuyện gần đây nhất cùng We Are Family xoay quanh chủ đề dành thời gian chất lượng cho con.

Là những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội với lượng theo dõi cao lại luôn bận rộn với công việc của mình, vậy những bà mẹ nổi tiếng dành thời gian cho con như thế nào? Trong buổi trò chuyện cùng We Are Family lần này, chị Thu Hà (Mẹ Xu - Sim) - tác giả cuốn sách nuôi dạy con khá nổi tiếng “Con nghĩ đi, mẹ không biết!” sẽ bật mí với chúng ta bí quyết của mình. 

waf03
Nhà báo Thu Hà - tác giả cuốn sách "Con nghĩ đi, mẹ không biết!".

Chào chị! Chị chia sẻ rằng 24/7 thời gian của mình được dành cho các con, liệu điều này có quá “lý tưởng” hay không? 

Khi một mình vào Tp.Hồ Chí Minh lập nghiệp, tôi phải tự quán xuyến mọi việc, và đến bây giờ trong vấn đề nuôi dạy hai con cũng như thế, bên cạnh không hề có ông bà hay họ hàng giúp đỡ hỗ trợ. Dĩ nhiên là khá vất vả khi đi đâu, làm gì, tôi cũng phải đưa con theo vì không thể gửi ai trông hộ. Nhưng đó cũng là một cái hay! Như nhờ đi cùng mẹ mà khi tôi gặp bạn bè, các con học được cách mẹ giao tiếp. Khi tôi đi dự họp báo, các con biết cách thức tổ chức một chương trình. Khi tôi đi học, các con cũng hiểu rằng ngay cả mẹ cũng cần liên tục trau dồi kiến thức.

Công việc của tôi lại tiệm cận với trẻ con nên hầu như lúc nào các con cũng nằm trong suy nghĩ của mình. 20 năm nay, 4 năm đầu tôi đi dạy học, 16 năm sau làm báo tuổi teen. Trong công việc, mọi quyết định, sắp xếp, hành xử của mình, tôi luôn nghĩ trên vị thế là mẹ của Xu - Sim. Tôi hay cân nhắc liệu mình làm việc đó có ảnh hưởng đến sinh hoạt của ba mẹ con không, hay có tốt cho các con không.

Còn khi có con ở bên cạnh, cách dành thời gian cho con của tôi là chia sẻ mọi thứ cùng con, trong tất cả mọi việc. 

Ví dụ như với những suy nghĩ của mình, tôi không “nhốt” nó trong đầu mà hay nói ra bằng lời cho con nghe rồi hỏi ý kiến của con. Như tại sao tôi lại mua món đồ này, hoặc hỏi con có nên mua cái kia không; bài báo tôi đang đọc nghe là không đáng tin, còn con có thấy vậy không; hoặc khi lướt Facebook thấy cô này đăng ảnh con đang tắm, tôi hỏi con ngay cô ấy làm như vậy là không được phải không con… 

Rồi khi mẹ làm bếp, làm việc nhà, lúc nào tôi cũng làm cùng con. Mẹ tráng trứng, con đập trứng. Mẹ nấu canh, con thái hành. Mẹ phân chia quần áo bỏ vào giặt, con bấm nút… Tôi tập cho các con phụ mình những công việc nhà, thậm chí làm nhuần nhuyễn từ nấu cơm, rửa chén, thái thịt, dọn dẹp... 

waf01
Mẹ Thu Hà luôn tạo cơ hội để hai con rèn luyện tính tự lập.

Chị cũng cho rằng mình may mắn khi đang làm công việc liên quan đến trẻ em. Vậy còn với những ông bố bà mẹ quá bận rộn với công việc, lại là những việc đặc thù không thể tìm được điểm chung để kết hợp dành thời gian cho con, thì theo chị đâu là giải pháp tốt nhất?

Thực ra tôi cũng thường chia sẻ rằng tôi đã từng dạy con sai rất nhiều, và đã rất khó khăn để giao tiếp với con khi bé Xu quá khó nuôi và quá bướng, thậm chí con còn phản ứng dữ dội với những gì tôi làm. Nhưng chính từ việc đó, tôi biết là mình dốt. Có người bẩm sinh biết cách nghe con nói và nói con nghe, tôi thì không. Thế là tôi tìm đọc khá nhiều sách về nuôi con, dạy con, tôi đi tham gia những khóa học về kỹ năng làm cha mẹ. Có những khóa đắt tiền, có những khóa phải đi rất xa, có khóa kéo dài từ sáng đến tối làm tôi phải đau đầu tìm chỗ gửi con, nhưng cũng may là có vô vàn những khóa học miễn phí. Quá trình này giúp tôi học được cách chấp nhận và yêu thương cả những trái khoáy của con, theo cách phù hợp nhất với con. 

Đừng ai nói bận! Nếu muốn, chúng ta đều sẽ làm được. Chỉ cần muốn, lập tức ta sẽ tìm ra cách để thực hiện nó. Khi bạn xếp nó ở thứ hạng ưu tiên cao, bạn sẽ gạt được những điều khác ra để làm cho bằng được.

Tôi nghĩ dành thời gian cho con không có nghĩa là phải luôn túc trực ở bên cạnh con. Lúc ở chỗ làm hay khi tham dự các buổi tọa đàm về nuôi dạy con, hoặc khi tôi đi nghe những câu chuyện về giáo dục cũng là dành thời gian cho con đấy.

Tình yêu con chính là thời gian, thời gian bạn quan sát con, lắng nghe con, đi chơi cùng con, học cùng con, đồng hành cùng con, làm bạn và lớn lên cùng con. Điều con cái cần nhất vẫn là thời gian của ba mẹ. Hãy tặng cho con thời gian của mình!

mẹ xu sim
Mẹ Xu Sim trong một buổi tọa đàm về nuôi dạy con.

Vậy chị có thể chia sẻ những kinh nghiệm “nói con nghe và nghe con nói” mà mình đã được học và áp dụng với các con không? Vì trong thực tế, có nhiều phụ huynh chia sẻ là rất khó khăn để trò chuyện và kết nối được với con mình. 

Đến giờ thì Xu - Sim đã có thể chia sẻ với tôi rất nhiều chuyện, thậm chí cả những vấn đề tình cảm tâm lý tuổi mới lớn của hai đứa. Cách của tôi là lắng nghe nhiều hơn nói. Nghe là nghe bằng cả hai tai, ngồi xuống cho ngang bằng với con, nhìn sâu vào mắt con. Và lắng nghe trọn vẹn. Không phải nghe được nửa câu rồi “nhảy vào họng” con khuyên răn một bài đạo đức dài thòng. Thực ra lúc đó con cũng chỉ cần một người lắng nghe mình nên tất cả những gì có thể làm khi nghe con tâm sự chỉ đơn giản là chêm vào cuộc nói chuyện những từ “Vậy hả”, “Thế à”, “Ra vậy”…

Còn để con chịu khó chia sẻ với mình, không nên bắt đầu bằng những câu hỏi cho con mà hãy kể câu chuyện của mình trước! Tức là cho đi trước khi nhận lại! Và khi con kể chuyện xong thì không phán xét hay đánh giá gì cả. Chỉ khi con xin lời khuyên hay bối rối thực sự thì lúc đó mới cần sự tư vấn của chúng ta. 

Từ “hiểu” trong tiếng Anh là “understand”, nghĩa là phải đứng thấp hơn, phải hạ mình xuống. Rõ ràng, con cái phải là người bạn thân thiết nhất của chúng ta trong suốt cả cuộc đời, cho nên để nói chuyện được với con, dù khó, dù gian truân, dù phải “đứng thấp hơn”, nhưng sá gì mà chúng ta không thử?

Thỉnh thoảng, tôi còn làm “đồng minh” của con. Bình thường tôi ít khi cho Xu Sim mua bánh tráng trộn ngoài đường vì sợ món này không vệ sinh. Bữa nọ, các con về khoe ở trường có cây tắc, mấy đứa nhỏ thu hoạch được vài chục trái, còn rủ nhau mua bánh tráng và muối tôm để hôm sau lên lớp làm bánh tráng trộn. Thế là tôi gợi ý chở hai con đi siêu thị mua thêm rau răm, trứng cút, đậu phộng... để chuẩn bị cho món này. Hai đứa đã như reo lên “Ôi sao mẹ lại cho con làm việc mà lâu nay mẹ cấm?”. Tôi được cơ hội giải thích cho con ngay là “Không, mẹ chỉ không cho các con mua ngoài đường vì mất vệ sinh thôi chứ mình tự làm cùng nhau thì cũng hay mà”. Thế là con thích lắm! Hai chị em hí hửng tự rửa rau, luộc trứng, rang đậu. Con quá vui và thấy là mẹ đã cho mình một món quà cực kỳ to. Tôi nghĩ, quà tặng to nhất là do con thấy mẹ đã trở thành “đồng minh” của mình.

waf04

Xin cám ơn những chia sẻ thiết thực của chị!
Chia sẻ