Nguyên nhân tiềm ẩn này khiến cả chị em trẻ tuổi cũng khó có thai

BS Hoa Hồng,
Chia sẻ

Rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân gây nên rất nhiều bệnh, kể cả các bệnh liên quan đến sinh sản. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều chị em khó có thai.

Chào bác sĩ, em 31 tuổi. Trong vòng 1 năm trở lại tóc em rụng nhiều, lông mi cũng hay rụng (trước đây rất hiếm khi), da trở nên khô, có nếp nhăn và nám. Em ăn nhiều rau và trái cây nên không nghĩ là do thiếu hụt vitamin do thực phẩm.  Hiện vợ chồng em vẫn chưa có em bé mặc dù đã kết hôn được 3 năm. Ngoài ra em bị tử cung mỏng mà em nghe nói tử cung rất khó có thai. Em không biết tình trạng của em hiện nay có phải do rối loạn nội tiết tố hay không và rối loạn nội tiết có gây cản trở việc khó có thai hay không.
 
Em muốn kiểm tra để biết có rối loạn nội tiết tố không thì nên khám ở đâu? Em mong bác sĩ tư vấn giúp em, em xin cảm ơn! (Duy Xuyên)

Trả lời:

An Duyên thân mến!

Ngày nay, rối loại nội tiết tố không chỉ gặp ở người già, mà thậm chí ở người trẻ ngoài 30 gặp những triệu chứng rối loạn nội tiết tố trong cơ thể. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe tâm sinh lý của chị em.

Một trong những dấu hiệu nhận ra việc rối loạn nội tiết tố là da bị khô, tóc bị rụng và xơ, gãy… Nếu bạn gặp các triệu chứng này thì chứng tỏ bạn đang bị mất cân bằng về nội tiết - những thay đổi này thường xuất phát từ tuyến giáp. Vì các nội tiết chịu trách nhiệm cho quá trình trao đổi chất nên khi sự cân bằng hormone bị mất đi, tuyến giáp cũng bị ảnh hưởng theo, dẫn tới suy giáp.

Rối loạn nội tiết tố cũng có tác động lên rối loạn kinh nguyệt ngay từ ở độ tuổi bắt đầu hành kinh cho đến mãn kinh, với cá biểu hiện như chu kỳ kinh không đều, lượng máu kinh nhiều ít bất thường, thường đau bụng trong hoặc sau kỳ hành kinh... Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khó có thai vì nó ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng.

rối loạn nội tiết khó có con
Chị em nên đi khám khi có dấu hiệu rối loạn nội tiết tố.

Còn tử cung mỏng cũng có rất nhiều nguyên nhân, bình thường tử cung có ba lớp: Từ ngoài vào là lớp màng bọc dính sát vào lớp cơ không thể bóc ra được (trừ phần màng ở mặt trước đoạn dưới khi có thai dãn dài ra có thể bóc được). Dưới lớp niêm mạc là lớp cơ (hay bắp thịt) của tử cung và trong cùng là lớp niêm mạc phủ toàn bộ mặt trong của tử cung, còn gọi là nội mạc tử cung. 

Việc xác định niêm mạc tử cung dày hay mỏng phải dựa trên phương pháp siêu âm tương ứng với chu kì kinh nguyệt. Nếu trong thời kì rụng trứng, niêm mạc tử cung đo được qua siêu âm có độ dày dưới 6mm thì được coi là niêm mạc tử cung mỏng, người phụ nữ có nguy cơ khó thụ thai và dễ sẩy thai sau này.

Có nhiều nguyên nhân làm cho niêm mạc tử cung mỏng, ví dụ như thiếu estrogen hoặc niêm mạc tử cung phản ứng bất thường với estrogen, tổn thương nội mạc tử cung, dính lòng tử cung. Tùy vào từng nguyên nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn hướng điều trị phù hợp.

Bởi vậy, bạn nên thăm khám và điều trị bệnh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Bạn nên tới các cơ sở y tế chuyên sản phụ khoa để được khám và điều trị thích hợp nhất.

Chúc bạn vui khỏe!

Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:suckhoe@afamily.vn.

Chia sẻ