Nguy hiểm: Người đàn ông Đồng Nai sốc phản vệ nặng sau khi bị bọ xít hút máu lúc nằm ngủ

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Khi đưa đến phòng cấp cứu, bệnh nhân đã trong tình trạng khó thở, giảm phản xạ trên cơ, ngứa da vùng cổ gáy đầu mặt...

Đó là trường hợp của ông V.V.Đ (57 tuổi, ngụ tại phường Tân Mai, Biên Hòa, Đồng Nai) bị bọ xít hút máu lúc nằm ngủ.

Theo bệnh sử, trong lúc nằm võng ngủ ông Đ. thấy nhói lên sau gáy. Kiểm tra thì thấy một loại côn trùng hình dáng giống bọ xít nhưng dài hơn đốt vào người. Sau đó, người bệnh thấy khó thở, lơ mơ nên được người nhà cho nhập viện cấp cứu.

Tại bệnh viện, bệnh nhân trong tình trạng khó thở, giảm phản xạ trên cơ, ngứa da vùng cổ gáy đầu mặt, mạch 116 lần/phút.

Nguy hiểm: Người đàn ông Đồng Nai sốc phản vệ nặng sau khi bị bọ xít hút máu lúc nằm ngủ - Ảnh 1.

Con bọ đốt người đàn ông.

Bác sĩ Trần Văn Hiền, Phó khoa Khám Bệnh Cấp cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho biếtm sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán bị sốc phản vệ độ III, nghi ngờ do côn trùng đốt.

Ngay lập tức, bệnh nhân được bệnh viện cho điều trị theo phác đồ chống sốc của Bộ Y tế, thở oxy tại khoa Hồi sức và cấp cứu. Sau thời gian điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Dựa vào mô tả của người nhà, bác sĩ cho biết loại côn trùng cắn ông Đ. có khả năng là loại bọ xít hút máu người, tên khoa học là Triatoma rubrofasciata. Loài này là vector truyền bệnh Chagas lưu hành phổ biến ở Mexico, Trung và Nam Mỹ, có xu hướng đốt máu trên mặt người nên còn được gọi là "kissing bugs".

Nguy hiểm: Người đàn ông Đồng Nai sốc phản vệ nặng sau khi bị bọ xít hút máu lúc nằm ngủ - Ảnh 2.

Đặc điểm nhận dạng

Giai đoạn bọ xít trưởng thành, cơ thể có màu nâu tối phớt màu đỏ nhạt. Phần đầu hơi kéo dài. Râu đầu có 4 đốt, đốt thứ hai dài nhất, đốt 3 và đốt 4 vuốt nhỏ lại giống như lông cứng, đốt 4 màu trắng sáng. Phụ miệng kiểu chích hút gọi là vòi, có 3 đốt.

Biện pháp phòng chống

- Biện pháp thủ công: Thực hiện các biện pháp vệ sinh các kho chứa đồ trong nhà, đặc biệt ở những nơi có vật liệu gỗ, không nên để gỗ thành từng ụ trong khu vực sinh sống để hạn chế sự sinh sôi cũng như nơi trú ngụ của loài bọ xít hút máu này.

- Sử dụng hóa chất: Chúng ta có thể thực hiện biện pháp thủ công kết hợp với việc sử dụng hóa chất (Permethrin 50 EC, Alphacypermethrin 10SC…) để phòng chống bọ xít hút máu một cách hiệu quả tùy vào từng trường hợp.

Bác sĩ cảnh báo người dân ngay khi có biểu hiện bất thường về sức khỏe sau khi bị đốt, chích thì lập tức đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.

Chia sẻ