Người trưởng thành bật khóc lớn giữa đêm: Sự suy sụp của bạn, bắt đầu từ việc bạn phớt lờ những cảm xúc tiêu cực

A Độ,
Chia sẻ

Người cao minh, không phải là người giỏi che dấu cảm xúc, mà là người không để hỉ nộ ái ố dắt mũi trái tim.

01

Vài ngày trước, trên mạng xuất hiện một đoạn tin tức với tiêu đề "Vừa lấy bằng lái xe ô tô, không tìm được đường về nhà, bật khóc lớn giữa đường."

Một phụ nữ tan làm trong giờ cao điểm không tìm được đường về nhà, bất lực đành dừng xe giữa đường lớn.

Khi cảnh sát giao thông tiến tới nhắc nhở, người phụ nữ đột nhiên khóc lớn, nói trong nức nở:

"Tôi phải làm sao đây! Định vị dẫn đường tôi không biết dùng, gọi điện cho chồng thì không bắt máy!"

"Tôi tăng ca 2 tuần liên tiếp rồi, khó lắm mới được ngày hôm nay tan làm đúng giờ! Vốn định về nhà sớm để nấu cơm, ai ngờ lại kẹt ở đây."

Thì ra, người phụ nữ này mới lấy bằng lái được 2 tuần, định vị dẫn đường và đường xá thực tế có sự chênh lệch, cộng thêm với việc đường về chỗ khu nhà ở đang thi công lại.

Vừa hoang mang vừa bất lực, không nhịn được đã khóc lớn.

Cuối cùng, dưới sự an ủi và hướng dẫn của cảnh sát giao thông, người phụ nữ đã an toàn về nhà.

Đoạn video được đăng lên mạng đã thu hút bình luận của nhiều người, rất nhiều người cười, cười rồi khựng lại và khóc.

"Cô ấy khóc không phải vì không tìm được đường, mà là vì cuộc sống."

"Cảm giác đó tôi rất hiểu, giống như một mình bất lực giữa hoang đảo vậy."

"Tôi hiểu được áp lực của cô ấy."

Cuộc sống của người trưởng thành, trước giờ không tồn tại hai chữ dễ dàng.

Có người nói, thứ đè bẹp con lạc đà không phải là bó rơm nó gánh trên lưng mà là mỗi nhánh rơm trong bó rơm ấy, và "lạc đường" chính là nhánh rơm cuối cùng khiến con lạc đà ấy khụy xuống.

Chúng ta không thể biết rằng, trước sự bùng phát của cảm xúc lần này, đã có bao nhiêu sự bất mãn và cả áp lực được tích lũy.

Một khi đã tới điểm phun trào, thì dù một chuyện nhỏ xíu như hạt cát thôi, cũng có thể trở thành ngòi nổ châm cho sự suy sụp của ai đó.

Có người nói, "người trưởng thành nên học cách buông bỏ cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc tiêu cực."

Tôi vô cùng phản đối quan điểm này.

Những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén từng ngày sẽ không bao giờ biến mất dù thời gian có trôi qua lâu tới đâu.

Mà nó sẽ dần dần, từ từ tấn công vào cả trái tim và cơ thể của bạn theo một cách mà bạn không ý thức được.

Nó thậm chí sẽ trở thành một loại hưng cảm khiến các dây thần kinh trở nên nhạy cảm hơn, rồi thậm chí là muốn phát tiết lên cả những người vô tội xung quanh.

Một nhà trị liệu tâm lý học từng nói: "Chúng ta từ nhỏ đã được dạy rằng không nên thể hiện những cảm xúc tiêu cực ra bên ngoài, đây là một sai lầm vô cùng lớn."

Bất luận là bi thương, phẫn nộ, hay phàn nàn, bạn bắt buộc phải thừa nhận rằng chúng là một phần của cuộc sống.

Sự suy sụp của người trưởng thành, bắt đầu từ việc bạn phớt lờ những cảm xúc tiêu cực.

Người trưởng thành bật khóc lớn giữa đêm: Sự suy sụp của bạn, bắt đầu từ việc bạn phớt lờ những cảm xúc tiêu cực - Ảnh 1.

02
Những cảm xúc tiêu cực của bạn, cần phải được nhìn thấy

Đầu năm, một thanh niên vì đi ngược chiều mà bị cảnh sát giao thông bắt lại. Sau khi gọi xong một cuộc điện thoại, bỗng nhiên ném điện thoại xuống đất, rồi quỳ rụp xuống đất suy sụp.

"Sao tôi khổ thế, tăng ca rồi giờ đang vội về nhà có việc, cầu xin các anh đấy!"

Nói xong ngay lập tức chạy ra phía cầu, ngồi rụp xuống đất khóc nức nở.

"Tôi áp lực lớn lắm, ngày nào cũng tăng ca tới 11,12h, bạn gái không đem chìa khóa gọi tôi mang về cho cô ấy, tôi thực sự không muốn làm vậy đâu!"

Đối mặt với phản ứng dữ dội như vậy, cảnh sát giao thông nhất thời không biết làm sao, chỉ biết đứng bên an ủi: "Không sao, cậu cứ khóc một lúc đi, chúng tôi ở đây với cậu."

Có người nói, đường đường đàn ông đàn ang, khóc lóc cái nỗi gì?

Nhưng, vì sao là đàn ông thì lại không được khóc?

Từ trước tới nay, xã hội luôn cho rằng đàn ông là phải mạnh mẽ, là đàn ông thì không được rơi lệ, cho rằng khóc lóc là biểu hiện của sự yếu hèn, nhu nhược, đàn bà.

Nhưng thực ra, là một người bình thường khỏe mạnh, ai chẳng có cảm xúc tiêu cực.

Dù là một người trông có vẻ rất "sáng lạn", "rất hoàn hảo", thì họ cũng có mặt yếu đuối của mình.

Thể hiện mặt mềm yếu không có gì là không đúng, cảm xúc tiêu cực của bạn, cần phải được nhìn thấy.

Rất nhiều người thành công cũng không ngại thể hiện mặt yếu đuối của mình, họ không cảm thấy xấu hổ khi trở nên như vậy.

Thay vì gồng lên để che đậy sự mỏng manh của mình, chi bằng thể hiện con người thật của bản thân, rồi tập trung mọi chí lực vào mục tiêu mà bạn mong muốn hoàn thành.

Giống như một nhà tâm lý học từng nói: "Chúng ta bắt buộc phải lắng nghe những cảm xúc tiêu cực của mình, bởi lẽ nó giúp chúng ta duy trì được sự hoàn chỉnh của tính cách."

Nếu đã không thể thoát khỏi sự tồn tại của cảm xúc, vậy sao không bình thản mà đi tiếp nhận nó, để mỗi một cảm xúc đều trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta?

Người trưởng thành bật khóc lớn giữa đêm: Sự suy sụp của bạn, bắt đầu từ việc bạn phớt lờ những cảm xúc tiêu cực - Ảnh 2.

03
Thể hiện cảm xúc tiêu cực, là một năng lực

Là một nhân vật có tiếng của dòng nhạc dân ca, T. từ khi ra mắt đã được mọi người yêu thích nhờ chính thực lực của mình. Những bài hát của anh rất chân thực gần gũi, thái độ với âm nhạc vô cùng nghiêm túc. Chính vì vậy mà ngày càng có nhiều khán giả yêu thích anh hơn.

Có một lần T. hát live trên một chương trình về âm nhạc. Điều kiện thiết bị phía bên đài truyền hình không được tốt, điều chỉnh nhiều lần rồi mà vẫn không đáp ứng được yêu cầu của T. Khi biểu diễn, T. không ít lần phải tháo tai nghe ra rồi lại đeo lại, anh tỏ ra vô cùng không vui.

Sau khi hát được một phần, mọi thứ vẫn không tiến triển hơn, T. lập tức ra hiệu dừng nhạc, khiến nhân viên hậu trường cảm thấy vô cùng bất ngờ và khó chịu.

Từ trước tới nay, T. luôn được nhận xét là người khiêm tốn, tính khí tuy có chút cổ quái, nhưng cũng được mọi người công nhận là khá ôn hòa. Lần khó chịu công khai này khiến nhiều người vô cùng ngạc nhiên. Nhưng một bộ phận người yêu nhạc lại cho rằng đó là điều bình thường, và họ hoàn toàn thông cảm.

Từ nhỏ tới lớn, chúng ta luôn bị nhồi nhét cho một quan niệm, rằng tức giận không chỉ phá hoại quan hệ, mà còn cho thấy mình chưa trưởng thành, EQ thấp.

Nhưng thực ra, cảm xúc tiêu cực khi được thể hiện ra trong một hoàn cảnh khẩn cấp thích hợp, thì nó là một cảm xúc đáng được trân trọng.

Cũng giống như trường hợp của T., nó khiến nhân viên nhận ra lỗi lầm của mình, và đồng thời cũng là để đem lại mà biểu diễn có chất lượng tốt nhất.

Thể hiện cảm xúc tiêu cực một cách hợp lý, cho phép chúng ta tìm thấy sự cân bằng giữa nhu cầu của chính mình và cảm xúc của người khác.

Đây là một năng lực quan trọng và đồng thời cũng là một sức mạnh tích cực.

Người trưởng thành bật khóc lớn giữa đêm: Sự suy sụp của bạn, bắt đầu từ việc bạn phớt lờ những cảm xúc tiêu cực - Ảnh 3.

04
Trút bỏ cảm xúc tiêu cực, phải nhận biết ranh giới

Người trẻ ngày nay, rất thích bàn tán kiểu "nói xấu", "trút bầu tâm sự".

Đặc biệt là các bạn nữ, cứ tụ tập lại với nhau là có không biết bao nhiêu chuyện để trút ra.

Họ bàn tán về một "thượng đế đáng mến" nào đó, về "đồng nghiệp tốt bụng" nào đó, về ông chồng thiếu lãng mạn làm mình bực mình, hay về một sự kiện hot hit nào đó trên mạng xã hội.

Dù hành vi này trong mắt người khác có thể bị coi là "lắm mồm", nhưng ở một mức độ nào đó, đây cũng là một hình thức rất có lợi cho việc trút những cảm xúc tiêu cực ra.

Nhưng cũng có nhiều khi bạn trút ra, ngược lại không nhận được sự đồng tình hay an ủi tích cực nào.

Lỗ Tấn từng nói: "Hỉ nộ ái ố của con người trước giờ không được kết nối với nhau."

Dù bạn bè có tốt tới đâu thì họ cũng đều không phải là con giun trong bụng bạn, cảm xúc dù sao cũng là của bạn, bạn phải tự mình điều chỉnh, tự mình giải quyết.

Trong phần lớn trường hợp, khi trút ra điều gì đó, hãy lập cho mình một ranh giới tâm lý.

Hãy nói với mình rằng: cảm xúc tiêu cực của mình, là chuyện của mình, nói ra là một chuyện, còn sau đó, vẫn cần phải tự mình điều chỉnh.

Vì vậy, ngay cả khi đối phương nghe xong không cho bạn những sự cảm thông nhất định thì nó cũng chẳng sao, bạn vẫn có thể cảm thấy thoải mái.

Nhưng nếu cứ luôn chấp niệm rằng nếu mình trút ra rồi, người khác sẽ an ủi và tìm cách giải quyết giúp mình, trông thì có vẻ như là một sự giúp đỡ, nhưng nó thực ra đang tước đi cơ hội điều chỉnh và giải quyết vấn đề một cách độc lập của bạn.

Người trưởng thành bật khóc lớn giữa đêm: Sự suy sụp của bạn, bắt đầu từ việc bạn phớt lờ những cảm xúc tiêu cực - Ảnh 4.

05
Tôn trọng cảm xúc tiêu cực, nhưng đừng để nó được nước lấn tới

Cảm xúc tiêu cực là một phần của cuộc sống, nếu nó đến, tiếp nhận nó, tôn trọng nó, cho phép nó xảy ra.

Nhưng cần chú ý là, thể hiện cảm xúc tiêu cực, cũng cần có mức độ.

Vừa là thể hiện cảm xúc của mình, và là không để mất đi sự tôn trọng của đối phương.

Người cao minh, không phải là người giỏi che dấu cảm xúc, mà là người không để hỉ nộ ái ố dắt mũi trái tim.

Chúng ta sở dĩ muốn ở gần một người, đó là bởi vì họ là một sinh vật sống, họ có hỉ nộ ái ố.

Mỗi một loại cảm xúc đều nên được thể hiện một cách thỏa đáng, có như vậy chúng ta mới là một người khỏe mạnh cả về thể chất và tâm lý.

Mỗi chúng ta nên học cách làm bạn với cảm xúc của bản thân, đọc hiểu chúng, không ngừng rèn dũa bản thân, tìm ra điểm hòa hợp với nội tâm của chính mình.

Chia sẻ