Người phụ nữ đa-zi-năng kinh doanh theo kiểu "mỗi sản phẩm là duy nhất"

Liên Lê, ảnh: Luke Nguyễn,
Chia sẻ

Là giảng viên đại học 14 năm, chị Đặng Tố Anh không nghĩ rằng có một ngày mình sẽ dấn thân vào chốn thương trường. "Cuộc chơi" của một người đàn bà đa-zi-năng vừa là một nghệ sỹ, một kiến trúc sư và giờ là một doanh nhân... có gì đặc biệt?

Thạc sỹ, kiến trúc sư: Đặng Tố Anh
Sinh năm: 1977
Giảng viên Khoa Quy hoạch, ĐH Kiến trúc Hà Nội
Chủ thương hiệu chuyên thiết kế và sản xuất đồ nội thất từ vải
Tự nhận: “Mình là một người tham lam”


Trước Tết, xưởng sản xuất đồ nội thất của chị Tố Anh thường sáng đèn đến tối khuya. Đây là thời điểm các nhà hàng, khách sạn, các cơ quan và gia đình có nhu cầu làm đẹp nhà cửa khá nhiều. Trong không gian làm việc rất “art”, chị như con ong cần mẫn bên những bản vẽ, những vải vóc, màu sắc và những cảm xúc sáng tạo đến bất chợt. Đó là thứ một giảng viên đại học, một kiến trúc sư không thể nào đánh mất ngay cả khi đang đóng vai chủ doanh nghiệp.

Người phụ nữ đa-zi-năng kinh doanh theo kiểu
Chị Tố Anh bên xưởng làm việc của mình.

Nữ kiến trúc sư mê "phục trang" nhà cửa

Năm 2013, sau hơn 10 năm làm công chức nhà nước, đồng thời đi làm thuê cho các công ty nước ngoài, chị Đặng Tố Anh chợt nhận ra rằng mình muốn làm một cái gì đó cho riêng mình. Kỳ lạ thay chị lại không chọn lĩnh vực thiết kế công trình vốn rất quen thuộc.

“Tôi làm kiến trúc sư, công việc cứ cuốn mình đi hết công trình này đến công trình khác. Nhưng tôi lại rất mê lĩnh vực trang trí, thiết kế nội thất, thích sắp xếp cái nọ cái kia, có khi cũng là bộ bàn ghế cũ nhưng chỉ cần khoác lên nó một tấm áo mới hay đơn giản là sắm thêm cho nó một chiếc gối tựa là đã khác hoàn toàn rồi. Chính vì thế mà tôi cho thành lập một công ty chuyên về “phục trang” nhà cửa” nhằm mang đến cho tổ ấm của mọi gia đình một màu sắc mới phù hợp với phong cách và nhu cầu của họ” – chị Tố Anh chia sẻ.

Người phụ nữ đa-zi-năng kinh doanh theo kiểu

Chị đặt tên công ty cũng là tên cô con gái nhỏ của mình với hoạt động chủ yếu chuyên thiết kế và sản xuất đồ nội thất gia đình làm từ vải. Bạn có thể bắt gặp trong xưởng sản xuất hay ở showroom của công ty rất nhiều sản phẩm nội thất làm từ vải vô cùng sang trọng và tinh tế như khăn trải bàn, bộ khăn ăn, lót đĩa, bộ chăn, ga, gối, rèm cửa… Mỗi sản phẩm chỉ có một mẫu duy nhất. 

Nghĩa là nếu bạn đã là chủ nhân của bộ chăn ga gối này rồi thì bạn không thể kiếm thêm một mẫu nào tương tự. Vì đơn giản là những hình vẽ bằng tay trên nền vải do chính chị Tố Anh sáng tác, nếu có “chép” lại tranh thì cũng không còn giống như lần đầu nữa.

Người phụ nữ đa-zi-năng kinh doanh theo kiểu
Những sản phẩm giàu tính nghệ thuật, lãng mạn được tạo ra dưới bàn tay chị Tố Anh.

Cái độc, cái khác biệt trong mô hình kinh doanh của chị là ở chỗ đó. Thế nên nhiều khách hàng của chị Tố Anh không gọi những thứ họ đặt mua ở chỗ chị là “hàng”, là “sản phẩm” mà trân trọng gọi là “tác phẩm”. Họ trân quý tài năng, công sức và sự sáng tạo của “bà chủ” Tố Anh trong từng đường kim, mũi chỉ, trong từng chất liệu vải và những nét vẽ “đẹp như mơ”.

Người phụ nữ đa-zi-năng kinh doanh theo kiểu

Người phụ nữ đa-zi-năng kinh doanh theo kiểu
Chị Tố Anh đang vừa sáng tác vừa tranh thủ chơi với con.

Để có một sản phẩm handmade đến tay người tiêu dùng, đầu tiên chị Tố Anh sẽ phải chọn lựa chất liệu vải phù hợp (như cotton, lụa, lanh…), sau đó sẽ cho thợ xử lý vải, phác thảo bố cục trên vải, sau đó mới sử dụng màu chuyên dụng để vẽ nhằm đảm bảo độ bền của màu kể cả khi giặt máy. Những công đoạn này khá mất thời gian nên trung bình muốn làm xong một sản phẩm phải mất 4-5 ngày.
Mê hoa nên trong những sản phẩm nội thất của chị Tố Anh luôn tràn ngập màu sắc tươi mới của các loài hoa. Nét vẽ của chị trên vải sinh động đến mức nhiều người đứng trong cửa hàng rồi mà tần ngần mãi, không biết chọn cái nào để rinh về nhà, vì thấy cái nào cũng đẹp, cũng đáng yêu. Có người mua khăn trải bàn rồi mà tiếc không muốn mang ra dùng vì “nhỡ đâu rớt thức ăn xuống làm bẩn khăn”.

Không giàu tiền nhưng giàu bạn bè, giàu tình cảm

Chị Tố Anh cười ngất khi tôi hỏi chị có nghĩ rằng mình làm giàu được từ mô hình kinh doanh này không. “Ôi sao mà giàu được em?”. Hỏi rồi tôi mới thấy mình ngây thơ thật. Một sản phẩm làm ra, hoàn toàn handmade và độc nhất, mất nhiều thời gian nhưng giá bán lại không hề đắt so với giá trị và công sức của người nghệ sỹ. Có chăng gọi là lấy công làm lãi. Nhưng chị Tố Anh đắm đuối lắm. Chị thuê luôn một cái xưởng ngay cạnh nhà, vừa tiện việc chăm sóc con cái, vừa tranh thủ làm việc. Ngoài giờ lên giảng đường là chị lại về xưởng mải miết với thế giới đồ nội thất. Gọi là xưởng nhưng rất phong cách, giống như tính cách con người chị.

Người phụ nữ đa-zi-năng kinh doanh theo kiểu

Người phụ nữ đa-zi-năng kinh doanh theo kiểu
Xưởng làm việc rất phong cách như chủ nhân của nó.

Chị Tố Anh tâm sự: “Cái tôi thích nhất khi làm đồ này là đón nhận niềm vui của khách hàng. Mà cũng có ít bà chủ nào như tôi, đã bán được hàng cho người ta rồi, lại còn được khách thi thoảng tặng quà cho”. Thế là nhiều khi không còn là khách hàng nữa mà trở thành những người bạn của nhau.

Đem thắc mắc chuyện lỗ lãi, bài toán kinh doanh, cạnh tranh trên thị trường hỏi chị, chị lại cười nhẹ bảo: “Thì mình cũng cố không lỗ, cũng phải kiếm đủ tiền nhà, tiền điện nước, tiền thuê nhân viên… Lúc đó thì phải chăm làm hơn, bớt đi café với bạn bè, quan trọng nhất là không chậm hẹn với khách hàng”. Rồi chị tiết lộ vừa kiếm thêm được một người bạn sẽ đỡ đần cho chị việc quản lý tài chính, và hơn nữa đó là người – như chị nói đùa – “sẽ giật giây kéo chị đang bay bay xuống đất”. Nhất là giai đoạn này, chị lại đang chuẩn bị trong năm 2015 cho ra mắt dòng sản phẩm thiết kế thời trang cũng với phong cách vẽ trên vải, mà tôi đồ rằng nó cũng sẽ rất “được lòng” các tín đồ thời trang có gu trong nước.

“Cuối cùng thì mình vẫn muốn làm một bà mẹ mà thôi”

Giảng viên đại học, kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất, doanh nhân rồi nhà thiết kế thời trang… thật ngạc nhiên là trong dáng vóc nhỏ nhắn ấy lại chứa đựng nhiều năng lượng và tràn đầy sức sáng tạo như vậy. Thế nhưng chị còn là một bà mẹ con mọn bận rộn nữa. Chị có 2 bé, một bé trai vừa vào lớp 1 và bé gái mới 2 tuổi. Buổi sáng của bà mẹ một nách 2 con luôn là dậy sớm, lo đồ ăn cho con, tiễn bé lớn đến trường, rồi tối về cho con ăn, kèm con học, chơi với con… Chị không muốn bỏ lỡ chút nào những thời khắc quan trọng trong cuộc sống của các con.

Người phụ nữ đa-zi-năng kinh doanh theo kiểu
Dù ở nhiều vai trò khác nhau, nhưng chị Tố Anh vẫn cho rằng làm mẹ là việc quan trọng nhất trên đời.

Chia sẻ về phương pháp dạy con, chị nói: “Tôi không có phương pháp gì ghê gớm cả. Ngày xưa, tôi nhớ cha tôi luôn gần gũi với con cái, cha chưa bao giờ ép chúng tôi phải làm những gì chúng tôi không thích và luôn khuyến khích chúng tôi nói ra những suy nghĩ của mình. Bây giờ tôi cũng vậy thôi. Tôi coi các con như những người bạn nhỏ của mình và luôn tôn trọng mọi sở thích, ý kiến của các bé. Tôi chỉ mong các con khỏe mạnh, đặc biệt là tự tin trong cuộc sống”. Hai bé rất quấn mẹ. Đi học cả ngày, chiều về nếu mẹ không quá bận, các bé lại được sang xưởng thơ thẩn chơi với vải, với màu và quan trọng nhất là nhìn thấy mẹ.

Cuối cùng thì chị Tố Anh chẳng nhận mình là gì cả với những nhiệm vụ chị đang mang trên vai. Chị bảo làm mẹ thôi đã đủ lắm rồi. Tôi tin là chị nói thật. Vì với người phụ nữ, làm mẹ vẫn là chuyện hệ trọng nhất trên đời.
Chia sẻ