Người lao động không nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần vì tiềm tàng nhiều rủi ro trong tương lai

Quiry,
Chia sẻ

Để có tiền trang trải cuộc sống trong mùa dịch Covid-19, nhiều người lao động đã rút bảo hiểm xã hội 1 lần nhưng họ không lường trước những bất cập đằng sau.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là sự đảm bảo việc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị mất hoặc giảm thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tàn tật, thất nghiệp, tuổi già, tử tuất nhằm bảo đảm an toàn đời sống cho người lao động, góp phần bảo đảm an toàn xã hội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều người dân đã rút BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống. Liệu việc rút bảo hiểm như vậy có thật sự mang lại lợi ích lâu dài cho người lao động?

Để giải đáp thắc mắc này, Thạc sĩ Luật học Đinh Tiến Hoàng, đang công tác tại CTCP Tập đoàn PAN sẽ chỉ ra những hạn chế khi người lao động rút BHXH ở thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Luật sư khuyến cáo: Không nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần vì điều này tiềm tàng nhiều rủi ro với người lao động - Ảnh 1.

Thạc sĩ Luật học Đinh Tiến Hoàng.

Khoản tiền BHXH một lần được nhận chưa đủ bù đắp chi phí tham gia bảo hiểm

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 và Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước 2014;

b) 02 tháng bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ 2014 trở đi;

c) Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Luật sư khuyến cáo: Không nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần vì điều này tiềm tàng nhiều rủi ro với người lao động - Ảnh 3.

Như vậy, khoản tiền tối đa người lao động được nhận từ BHXH một lần là 02 tháng lương bình quân đóng BHXH. Hai tháng lương có thể đủ trang trải cuộc sống trong thời gian ngắn, tuy nhiên với mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng (khoản 1 Điều 87 Luật BHXH) – tương đương 2,64 tháng lương trong một năm – trước mắt người lao động tham gia BHXH tự nguyện đã mất một khoản tương đương 0,64 tháng lương nếu rút BHXH một lần.

Khả năng mất hoặc giảm lương hưu và chế độ tử tuất

Theo quy định tại Điều 54 Luật BHXH, người lao động được hưởng lương hưu khi có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, đủ 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Đồng thời, Điều 74 Luật BHXH quy định mức lương hưu hàng tháng bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH, cụ thể:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Như vậy, việc rút BHXH một lần có thể làm ảnh hưởng tới điều kiện hưởng lương hưu sau này (có thể không đủ 20 năm để được hưởng lương hưu), hoặc làm giảm mức lương hưu người lao động được nhận tương ứng với số năm đóng BHXH theo quy định tại Điều 74 nêu trên.

Luật sư khuyến cáo: Không nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần vì điều này tiềm tàng nhiều rủi ro với người lao động - Ảnh 5.

Ngoài ra, người lao động và gia đình của người lao động cũng có thể không được hưởng các chế độ tử tuất như trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng cho thân nhân (như trợ cấp cho con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, trợ cấp cho vợ chồng ngoài độ tuổi lao động…).

Tóm lại, việc tham gia BHXH là quyền lợi của người lao động. Người lao động tham gia bảo hiểm càng lâu sẽ càng có lợi trong quá trình lao động để có được một khoản tích lũy khi nghỉ hưu cũng như tích lũy dự phòng cho gia đình, con cái. Xét về lợi ích lâu dài, việc rút BHXH một lần là điều không nên đối với NLĐ trong giai đoạn hiện nay. Trường hợp bị ảnh hưởng việc làm, kinh tế do dịch Covid, người lao động nên xem xét nộp hồ sơ hưởng các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 09/4/2020.

Như vậy, sau lời giải đáp trên của luật sư Đinh Tiến Hoàng, hi vọng chúng ta sẽ tỉnh táo và cân nhắc thật kỹ về việc rút BHXH 1 lần. Thay vào đó, bạn nên tìm hiểu thêm về các chính sách hỗ trợ người lao động từ phía Chính phủ.

Luật sư khuyến cáo: Không nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần vì điều này tiềm tàng nhiều rủi ro với người lao động - Ảnh 6.

Chia sẻ