Người chồng vừa lái xe lúc nửa đêm vừa òa khóc vì vợ sinh em bé ngay bên ghế lái, đằng sau là cả một câu chuyện bất ngờ
Đưa vợ đi đẻ nhưng vợ chờ không kịp, đẻ luôn trên xe mà chẳng có ai ở bên, giây phút đó chắc người chồng nào cũng hoảng hốt.
Khoảnh khắc vợ sinh con luôn đầy cảm xúc với nhiều anh chồng. Họ mong ngóng có, hồi hộp có, lo lắng có. Đặc điểm chung của các anh chồng vào giây phút ấy thường là đứng bên ngoài hành lang, mong chờ vợ “vượt cạn” thành công ở bên trong. Tuy nhiên, người đàn ông phải trực tiếp chứng kiến hình ảnh vợ sinh con khi chỉ có một mình trong hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo: “Trên xe hơi” thì sẽ có tâm trạng thế nào?
Vợ đẻ sớm hơn ngày dự sinh khiến chồng “trở tay không kịp”
Người vợ trong câu chuyện tên Thu Hằng, chồng là Mạnh. Hai vợ chồng đang sinh sống và làm việc ở Hoài Đức, Hà Nội.
Trong đêm Hằng đau đẻ, chồng cô đã lấy xe hơi đèo vợ đến bệnh viện nhưng mới được nửa đường, cô đã sinh con trên xe. Chứng kiến giây phút đó, Mạnh đã hơi hoảng loạn và bật khóc. Câu chuyện này khiến nhiều người chú ý.
Hằng kể: “Mình sinh bé Heo cách đây gần 2 năm, hôm đó là rạng sáng 30/5/2019. Mình thấy mỏi lưng và bụng có cơn gò dù cách ngày dự sinh gần 1 tuần nữa. Cơ địa mình cũng dễ sinh nên hai vợ chồng vội vàng vào viện. Đồ đạc đã được để sẵn cốp sau ô tô. Chồng mình phi nhanh lắm, vừa ra khỏi ngõ là mình đau đẻ. Đi được ra đường thì có cơn đau dồn dập và mình vỡ ối. Từ lúc đó mình đau nhiều và có cảm giác em bé đòi ra”.
Trong đoạn clip, người ta vẫn nghe thấy tiếng Hằng an ủi, trấn an chồng lái xe an toàn và bình tĩnh. Thế nhưng cô bảo rằng bản thân mình lúc đó rất đau và khó chịu nhưng chẳng dám la hét vì đường còn xa.
“Đến lúc không chịu được nữa thì mình có cơn rặn. Mình cảm nhận được đầu em bé đã ra ngoài. Biết để lâu sẽ nguy hiểm cho con nên mình quyết định tự rặn và sinh em bé trên xe. Mình tự cúi người dùng tay đỡ con.
Do có kinh nghiệm sinh hai bé trước nên cũng áp dụng lời bác sĩ, rặn theo đồng thời dùng tay đỡ bé, ôm bé áp vào người. Mình cởi áo chống nắng đang mặc lau mũi dãi cho con và đắp người con, cho con áp lên ngực tới lúc đến bệnh viện luôn”, Hằng nhớ lại.
Người đàn ông đưa vợ đi đẻ
Lúc đó, cô bảo rằng dù rất đau và mệt nhưng được ngắm con nên quên luôn cơn đau. Lúc đó, Hằng còn có nhiệm vụ trấn an chồng vì Mạnh đã òa khóc. Hơn nữa, anh còn nói linh tinh vì cảm thấy hoảng sợ.
“Mình chỉ lo mất máu nhiều ngất xỉu nên đi đường cứ bảo chồng rằng em vẫn tỉnh, chưa làm sao đâu mà lo. Anh bình tĩnh lái xe đi. Trộm vía lúc sinh xong em bé ngoan và cứ mở mắt ngắm mẹ nên cũng đỡ sợ”, Hằng kể thêm.
Về phần Mạnh, lúc đó anh chỉ sợ hãi điều duy nhất là vợ và con không an toàn bởi Hằng mất máu nhiều quá. Lần đầu tiên chứng kiến điều ấy, anh không chịu được.
“Lúc ấy sinh con xong may mắn là vợ mình đủ bình tĩnh để trấn an tinh thần chồng, giúp chồng tập trung lái xe an toàn tới viện. Đến bệnh viện rồi mình mới cảm thấy bớt lo lắng phần nào vì có các bác sĩ hỗ trợ. Thật sự các cụ nói rồi: “cửa sinh là cửa tử” nên con cất tiếng khóc chào đời mình không vui mừng được, chỉ sợ cho an toàn tính mạng của vợ và con.
Nhiều người bảo rằng tại sao không đến bệnh viện gần đó. Hai vợ chồng mình đăng ký sinh ở viện Phụ sản Hà Nội. Ở nhà có dấu hiệu vợ chuyển dạ là mình khăn gói đi luôn nhưng không ngờ con ra nhanh quá”, Mạnh chia sẻ.
Một chuyến đi đẻ rất hồi hộp và bất ngờ như vậy đấy. Cả người chồng và người vợ trong câu chuyện này thật dũng cảm, mạnh mẽ biết bao.
Cuộc hôn nhân bị ngăn cản
Hằng và Mạnh gặp nhau khi còn là sinh viên. Họ cùng tham gia một cuộc thi do Đại sứ quán Mỹ tổ chức vào năm 2013.
Cả hai khác đội thi nhưng cùng chương trình nên nằm chung một group trên mạng xã hội. Mạnh kết bạn với Hằng vì cô trùng tên đội trưởng của anh. Hằng lại nghĩ Mạnh chung đội ở cuộc thi. Đó là bước đầu tiên cho một mối quan hệ ra đời.
“Cả hai chỉ thực sự nói chuyện với nhau khi mình đăng lên tìm bạn luyện nói thi tiếng Anh. Sau nhiều lần học chung thì anh chồng tán tỉnh mình từ đó. Anh ấy thông minh, thư sinh và chỉ biết học.
Lúc tỏ tình, anh ấy còn thuyết trình cả một bài ‘Sát nhập doanh nghiệp’. Mình chẳng hiểu gì nhưng thấy đáng yêu và ngố quá nên đồng ý xem sao. Hơn nữa, xưa nay mình chưa yêu ai nên có người quan tâm cũng muốn xem anh ấy thế nào”, Hằng chia sẻ tiếp.
Mối quan hệ cứ trôi dần qua như thế cho đến khi họ tốt nghiệp. Mạnh muốn cưới Hằng làm vợ nhưng họ bị gia đình hai bên ngăn cản vì khoảng cách quá xa. Hằng quê ở Lạng Sơn còn Mạnh ở Hoài Đức, Hà Nội.
Hằng kể: “Gia đình hai bên cấm cản như nhau thôi. Anh Mạnh phải về xin cả bố mẹ mình và mình cũng phải về nhà anh ấy để thuyết phục bố mẹ hai bên. Anh ấy còn từng quý xin bố mẹ đẻ để được cho phép đi lại. Đó là những ngày tốn nước mắt của cả hai bên”.
Tình yêu nào mà chẳng mong mỏi được người thân đồng ý, chúc phúc. Hằng còn yêu một người ở cách nhà hàng trăm cây số, cô càng muốn có được điều ấy hơn. Họ đã kiên trì như vậy, thuyết phục hai bên rất lâu để đạt được kết quả tốt đẹp nhất.
“Anh Mạnh vì yêu mà làm mọi việc. Anh ấy cứ bảo rằng nếu bây giờ anh không cưới em thì không bao giờ anh cưới em được nữa. Em mà về quê thì chúng mình chỉ có bỏ nhau. Anh ấy còn có đợt đòi hai đứa bỏ đi với nhau. Anh dằn vặt nhiều, cứ bảo làm đàn ông mà không lo được cho vợ cho con thì có ý nghĩa gì”, Hằng tâm sự.
Hành trình thuyết phục cuối cùng cũng mang về trái ngọt. Họ thành công nhận được lời chúc phúc từ hai bên, về chung một nhà. Bây giờ, cuộc sống của vợ chồng Hằng và Mạnh rất hạnh phúc bên cạnh 3 thiên thần nhỏ.
Mạnh trong mắt Hằng ngày càng có trách nhiệm hơn, quan tâm vợ con nhiều hơn và sẵn sàng lăn xả vào bếp nấu cơm, trồng rau hay dọn dẹp, chăm sóc các bé. Những niềm hạnh phúc nho nhỏ đó Hằng rất trân trọng và coi là điều quý giá của mình.