Người cao tuổi châu Á và nỗi lo 'phải làm việc đến chết'

Phương Anh / VTC NEWS,
Chia sẻ

Ở nhiều khu vực châu Á, dân số già đi nhanh chóng, người lao động thường phải làm việc đến cả khi ngoài 70 tuổi và hơn thế nữa.

Hiện tất cả những gì ông Yoshihito Oonami, 73 tuổi, sống tại Tokyo, Nhật Bản muốn làm là nghỉ hưu và cho cơ thể mệt mỏi của mình nghỉ ngơi.

Nhưng ngược lại, 1h30 sáng hàng ngày, ông phải dậy và lái xe một tiếng đồng hồ đến chợ nông sản trên hòn đảo nhỏ ở vịnh Tokyo. Trong khi xếp nấm, gừng, khoai lang, củ cải và các loại rau khác vào xe, ông thường phải nâng những chiếc hộp nặng khoảng 6-7kg khiến khắp lưng đau nhức. Sau đó, cụ ông 73 tuổi lái xe khắp thủ đô Tokyo, Nhật Bản, giao hàng cho các nhà hàng tới 10 lần một ngày.

“Miễn là cơ thể còn cho phép, tôi cần tiếp tục làm việc” , ông nói khi kiểm tra các đơn đặt hàng trên bảng trong chợ.

Dân số khắp Đông Á đang giảm. Ngày càng ít người trẻ tuổi tham gia vào lực lượng lao động, đồng nghĩa với ngày càng có nhiều người như ông Oonami – những người vẫn phải làm việc chăm chỉ dù đã ngoài 70. Các công ty cần họ, và họ cũng rất cần công việc. Trong khi đó, tuổi nghỉ hưu sớm làm tăng quỹ lương hưu, gây khó khăn cho các chính phủ ở châu Á để trả đủ tiền cho người về hưu sinh sống mỗi tháng.

Theo New York Times , các nhà nhân khẩu học cảnh báo về “quả bom hẹn giờ” sắp xảy ra ở các quốc gia này. Nhưng chưa cần đến khi bom phát nổ, Nhật Bản và các nước láng giềng đã bắt đầu cảm nhận được những tác động đầu tiên.

Người cao tuổi châu Á và nỗi lo 'phải làm việc đến chết' - Ảnh 1.

Một người đàn ông làm việc trong tiệm trà ở Hong Kong (Trung Quốc). (Ảnh: NYT)

Làm việc ở độ tuổi này không vui chút nào. “Nhưng tôi phải sống”, ông Oonami nói trong khi sắp xếp một thùng cà rốt.

Đối với một số người lớn tuổi, nhu cầu thuê lại của thị trường lao động mang lại cho họ cơ hội mới, nhất là khi tuổi nghỉ hưu sớm có thể khiến họ phải nhường chỗ cho những lao động trẻ hơn. Giờ đây, câu hỏi mà các quốc gia có tình trạng dân số già hóa phải tìm cách giải quyết là làm thế nào để thích nghi với thực tế mới – cũng như tận dụng những lợi ích tiềm năng - của lực lượng lao động lớn tuổi, đồng thời đảm bảo rằng người dân vẫn có thể nghỉ hưu sau cả đời làm việc mà không rơi vào cảnh đói nghèo.

Hiện nhu cầu cấp thiết đối với các chính sách là phải trở nên linh hoạt hơn. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã thử nghiệm những thay đổi chính sách - chẳng hạn như trợ cấp doanh nghiệp và điều chỉnh chế độ hưu trí - để thích ứng với thay đổi cấu trúc dân số. Khi nhiều nước trên thế giới đi theo xu hướng tương tự, họ cũng có thể muốn tìm hiểu các bài học từ châu Á này.

Thích nghi

Rất lâu trước khi ông Oonami bắt đầu giao rau, ông đã thử làm việc trong văn phòng, làm tài xế taxi. Cuối cùng, ông thấy thích cuộc sống một mình của tài xế xe tải hơn. Với quyết định này, thay vì chọn con đường truyền thống của nhiều người lao động Nhật Bản thời kỳ hậu chiến – làm công ăn lương, thăng chức và hưởng phúc lợi hưu trí – ông đã phải gắn bó với việc làm theo hợp đồng lâu năm.

Là tài xế xe tải, ông Oonami thường phải khuân vác hàng hóa nặng. Công việc này không còn phù hợp sau khi ông bước sang tuổi 50. Bác sĩ nói việc nâng quá nhiều đã làm mòn sụn ở cột sống của ông. Theo ông Oonami, việc di chuyển những thùng hàng dần trở nên khó khăn với ông.

Người cao tuổi châu Á và nỗi lo 'phải làm việc đến chết' - Ảnh 2.

Làm việc ở độ tuổi này không vui chút nào. “Nhưng tôi phải sống”, ông Oonami nói. (Ảnh: NYT)

Ông chuyển sang làm các công việc giao hàng nhỏ hơn và ký hợp đồng tại chợ nông sản khoảng 15 năm trước. Tuy nhiên, ngay cả khi gần đến tuổi nghỉ hưu truyền thống của Nhật Bản là 60, ông Oonami vẫn không thể ngừng làm việc. Vì sau khi làm theo hợp đồng trong toàn bộ sự nghiệp của mình, ông chỉ đủ điều kiện nhận lương hưu quốc gia cơ bản — khoảng 60.000 yên một tháng, tương đương khoảng 477 USD – mức không đủ để trang trải các chi phí hàng ngày.

Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất ở Đông Á nơi người già cảm thấy họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ nghèo ở người lớn tuổi gần 40%, và có một tỷ lệ tương tự những người từ 65 tuổi trở lên vẫn đang làm việc. Ở Hong Kong (Trung Quốc), cứ 8 người lớn tuổi thì có 1 người đi làm. Tỷ lệ này là hơn 25% ở Nhật Bản - so với 18% ở Mỹ.

Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, các tổ chức việc làm và nghiệp đoàn tạm thời đã được thành lập để hỗ trợ những người lao động lớn tuổi này.

Người cao tuổi châu Á và nỗi lo 'phải làm việc đến chết' - Ảnh 3.

Các ông cụ chơi mạt chược ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: NYT)

Trong khi nhiều người lớn tuổi phải làm việc vì nhu cầu kinh tế, người sử dụng lao động cũng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào nhóm này. Để đối phó với cái mà các nhà nhân khẩu học gọi là “xã hội siêu già hóa”, các nhà hoạch định chính sách ở Đông Á ban đầu tập trung vào việc cố gắng thúc đẩy sinh đẻ và sửa đổi luật nhập cư. Nhưng các biện pháp này không thay đổi được nhiều xu hướng già hóa, vì tỷ lệ sinh giảm và nhiều quốc gia phản đối các kế hoạch nhập cư quy mô lớn.

Điều đó đã khiến các nhà tuyển dụng “tuyệt vọng” cần công nhân. Ví dụ, tại Nhật Bản, các cuộc khảo sát cho thấy có tới một nửa số công ty báo cáo tình trạng thiếu nhân công toàn thời gian. Những người lớn tuổi lúc này bước vào để lấp đầy khoảng trống. Naohiro Ogawa, Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á nói: “Chúng tôi có rất nhiều vị trí làm việc chưa được sử dụng và khai thác”.

Koureisha là một công ty ở Tokyo muốn tuyển các ứng viên từ 60 tuổi trở lên. Fumio Murazeki, chủ tịch công ty, cho biết ông tin rằng các nhà tuyển dụng đang ngày càng dễ dàng thuê những người lao động lớn tuổi hơn. Ông nói: “Những người trên 65 tuổi, thậm chí đến 75 tuổi, họ rất năng động và khỏe mạnh”.

Ông Murazeki cho biết các công ty cho thuê ô tô và dịch vụ trợ giúp đặc biệt của tòa nhà rất muốn thuê những người lao động lớn tuổi. Một công việc phổ biến đối với những người lao động hợp đồng lớn tuổi là ngồi ở ghế hành khách phía trước của các phương tiện dịch vụ để phụ giúp trong khi thợ điện hoặc thợ sửa gas hỗ trợ khách hàng tại chỗ. Ông Murazeki cho biết nhân viên hợp đồng có thể di chuyển phương tiện khi cần thiết, giúp các công ty tránh bị phạt do đỗ xe sai quy định hoặc vi phạm giao thông.

Tại Tokyu Community, một công ty quản lý tài sản cho các khu chung cư ở Tokyo, gần một nửa số nhân viên từ 65 tuổi trở lên. Với mức lương chỉ 2.300.000 yên/năm (chưa đến 17.146 USD), công việc này không hấp dẫn những người lao động trẻ tuổi, trong khi những người lớn tuổi sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp để có thêm thu nhập hưu trí.

Người cao tuổi châu Á và nỗi lo 'phải làm việc đến chết' - Ảnh 4.

Người cao tuổi ở Hong Kong xếp hàng nhận phiếu hỗ trợ thực phẩm. (Ảnh: NYT)

Chính phủ Nhật Bản hiện cung cấp các khoản trợ cấp cho các công ty vừa và nhỏ lắp đặt chỗ ở cho người lao động lớn tuổi, chẳng hạn như thêm lan can trên cầu thang hoặc thêm khu vực nghỉ ngơi cho người lao động.

Gloria, một công ty bên ngoài Tokyo chuyên sản xuất đồng phục, đã bãi bỏ chính sách tuổi nghỉ hưu bắt buộc cách đây 6 năm vì thiếu lao động. Để hỗ trợ những công nhân lớn tuổi của mình, công ty xây dựng một đoạn đường dẫn đến cửa trước và di chuyển các dây điện trước đây được căng ngang qua sàn nhà máy để tránh làm nhân viên vấp ngã.

Trên trang web, Gloria cho biết họ muốn “trở thành một công ty nơi mọi người có thể làm việc cho đến khi chính họ quyết định nghỉ việc”.

Aikawa Unsou, công ty giao hàng, còn lắp đặt các tay nắm trong xe tải của mình để giúp tài xế leo lên và xuống xe. Feng Qiushi, phó giáo sư nhân chủng học và xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Môi trường làm việc phải thân thiện với người già. Họ cần cung cấp các cơ hội đào tạo và cơ hội nghỉ hưu linh hoạt”.

Người cao tuổi châu Á và nỗi lo 'phải làm việc đến chết' - Ảnh 5.

Ông Park Has-gym (phải), đang nhuộm tóc ở Seoul, Hàn Quốc. Ông làm việc tại một văn phòng chính phủ ba lần một tuần. (Ảnh: NYT)

Người cao tuổi châu Á và nỗi lo 'phải làm việc đến chết' - Ảnh 6.

Người cao tuổi ăn trưa miễn phí ở Seoul, Hàn Quốc. Các ông bà xếp hàng từ 9h30 sáng để lấy 150 phiếu ăn lúc 11h30. (Ảnh: NYT)

Cố gắng kiếm đủ sống

Trong khi mạng xã hội thường nói về những nhân vật U80 truyền cảm hứng, với hình ảnh nâng tạ trong các phòng tập hoặc điều hành doanh nghiệp nhỏ thành công, thì nhiều người lớn tuổi khác ở Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc đang làm công việc dọn dẹp văn phòng, nhân viên cửa hàng tạp hóa, tài xế giao hàng hoặc nhân viên bảo vệ với mức lương thấp.

Những việc làm toàn thời gian, ổn định dành cho những người tương đối trẻ, chỉ còn lại các hợp đồng lương thấp và bấp bênh cho các lao động lớn tuổi hơn. Nhiều người đối mặt với tình trạng bị buộc thôi việc do tuổi nghỉ hưu, và lương hưu thường không đủ trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản.

Trong nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu lao động của doanh nghiệp và vấn đề lương hưu, các chính phủ đang cố gắng nâng tuổi nghỉ hưu lên cao hơn, nhưng điều này cũng gây ra những ý kiến trái chiều. Sheying Chen, giáo sư quản lý công và chính sách xã hội tại Đại học Pace ở New York, cho biết một số người trở nên tức giận. "Họ nói: 'Tôi đã làm việc toàn thời gian và đã đến tuổi nghỉ hưu – giờ phải làm việc thêm nữa sao?'", ông cho biết.

Chính những người sử dụng lao động cũng không hưởng ứng nỗ lực nâng tuổi nghỉ hưu. Với hệ thống trả lương dựa trên thâm niên phổ biến ở Đông Á, các công ty thường muốn đẩy những nhân viên lớn tuổi ra khỏi bảng lương chứ không phải là kéo dài thời gian làm việc của họ.

Philip O'Keefe, chuyên gia nghiên cứu dân số tại Sydney, Australia nhận định: “Ngay cả khi những người lớn tuổi có năng suất tốt, nhưng nếu bạn buộc phải trả cho họ nhiều tiền hơn vì họ làm việc lâu hơn, thì hiệu quả chi phí của họ sẽ thấp hơn”.

Bà Li Man, 67 tuổi, buộc phải nghỉ hưu ở tuổi 45 sau công việc tại một kho lạnh thuộc công ty sở hữu nhà nước ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Công ty nói rằng tiếp tục làm việc trong nhiệt độ đóng băng là quá nguy hiểm đối với bà.

“Làm việc khiến tôi bớt lo lắng hơn”, bà Li nói. Tuy nhiên, gần đây, bà bị đau lưng và cao huyết áp hành hạ. “Có lẽ đã đến lúc nghỉ hưu”.

Nhưng bà Li cho rằng bà vẫn có thể làm việc để tranh thủ “thời kỳ vàng son của cuộc đời mình” để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt cho con gái tại trường điện ảnh ở California. Bà bắt đầu trông trẻ và bán các món ăn tự làm như cá kho tộ và thịt lợn xào bí cho hàng xóm.

Người cao tuổi châu Á và nỗi lo 'phải làm việc đến chết' - Ảnh 7.

Ở Hong Kong (Trung Quốc), cứ 8 người lớn tuổi thì có 1 người đi làm. Tỷ lệ này là hơn 25% ở Nhật Bản - so với 18% ở Mỹ. (Ảnh: NYT)

Người cao tuổi châu Á và nỗi lo 'phải làm việc đến chết' - Ảnh 8.

Một cụ ông làm công việc quét dọn ở Bắc Kinh (Trung Quốc). (Ảnh: NYT)

Đối với ông Oonami, người giao rau ở Nhật Bản, nghỉ hưu vẫn chỉ là một giấc mơ. Là một người cha có ba con đã hai lần ly hôn, giờ ông sống với cậu con trai út. Ông không có tiền tiết kiệm và phải bổ sung vitamin để giữ sức khỏe. “Tôi không dám nghĩ đến chuyện không làm việc” , ông nói.

Với lịch trình từ sáng sớm của mình, ông cũng có ít thời gian cho sở thích cá nhân. Khi về đến nhà vào buổi chiều, ông Oonami thường ăn tối với món xào, cho hai con chó ăn rồi đi ngủ lúc 6 giờ.

“Bạn không nên làm việc đến chết”

Ông Eiji Sudo, 69 tuổi, chưa sẵn sàng nghỉ hưu.

Ông đã dành hơn bốn thập kỷ làm công việc bảo trì và xây dựng tại Tokyo Gas, một nhà cung cấp khí đốt tự nhiên. Ông nghỉ hưu ở tuổi 60 và công ty đề nghị ông làm việc tiếp bốn ngày một tuần với mức lương chỉ bằng một nửa mức lương cao nhất ông từng được hưởng. Tuy nhiên, khi ông 65 tuổi, công ty sẽ không gia hạn hợp đồng nữa.

Để kiếm đủ tiền đi du lịch thoải mái cùng vợ là Kazue, ông Sudo muốn tiếp tục làm việc. Ông đã đăng ký với công ty Koureisha và hiện đang làm việc với tư cách là nhà thầu cho Asuqa, một công ty đường ống dẫn khí đốt ở Tokyo. Ba ngày một tuần, ông lái xe đến những khu vực nơi công ty đang lắp đặt hoặc sửa chữa đường dẫn khí đốt, gõ cửa từng nhà để thông báo cho cư dân về công việc xây dựng sắp tới.

Người cao tuổi châu Á và nỗi lo 'phải làm việc đến chết' - Ảnh 9.

Ông Eiji Sudo, 69 tuổi, phát tờ rơi thông báo về các dự án lắp đặt hoặc sửa chữa của công ty khí đốt cho các khu dân cư. (Ảnh: NYT)

Khoảng 1/10 công nhân tại Asuqa từ 65 tuổi trở lên. Hầu hết họ chính thức nghỉ hưu ở tuổi 60 - tuổi nghỉ hưu của công ty - và sau đó chấp nhận các công việc hợp đồng với mức lương thấp hơn. Kazuyuki Tabata, một quản lý của Asuqa, cho biết: “Chúng tôi luôn phải bổ sung bằng cách tuyển dụng lại những công nhân lớn tuổi".

Ông Sudo cho biết ông thích đi du lịch qua nhiều vùng và gặp gỡ những người mới. Điều đó giúp ông có thêm trải nghiệm mỗi ngày.

Người vợ thường chuẩn bị bữa trưa cho ông khi đi làm, nay đánh giá cao việc ông ra khỏi nhà. Điều đó có nghĩa là cả hai đều có “thời gian riêng của mình”, bà nói. Tuy nhiên, “sẽ rất buồn nếu ai đó chết khi đang làm việc. Bạn không nên làm việc cho đến chết như thế”, bà Kazue cho biết.

Chia sẻ