Ngủ say - bí quyết giúp trẻ tăng chiều cao

,
Chia sẻ

Ít ai biết rằng bên cạnh yếu tố di truyền, dinh dưỡng và thể dục thì giấc ngủ cũng góp phần quan trọng trong việc tăng chiều cao cho trẻ.

Quan niệm lâu nay cho rằng trẻ cao lên qua đêm có lẽ là thật. Các nhà nghiên cứu tại trường thú y, Đại học Wisconsin ở Madison, Mỹ đã cài bộ cảm biến lên xương chân của những con cừu non để theo dõi sự tăng trưởng xương của chúng. Kết quả cho thấy, 90% xương mọc ra khi những con vật đang ngủ, nói cách khác là lúc đang nghỉ ngơi.

Norman Wilsman - thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi nhận thấy một điều thú vị là xương chỉ mọc thêm khi các con vật nằm xuống, và hầu nhưng không có sự tăng trưởng khi lũ cừu đứng hoặc đi lại".

Giải thích cho điều này, Wilsman cho rằng: "các đĩa tăng trưởng (bao gồm những mảnh sụn mềm ở chỏm xương) bị nén lại khi con vật đứng hoặc đi lại, ngăn cản việc phát triển. Khi cừu nằm xuống, áp lực đè lên các đĩa tăng trưởng mất đi, và xương mọc dài ra".

Nghiên cứu này chỉ ra rằng tăng trưởng không phải là quá trình liên tục, có những bước nhảy đột ngột xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của cừu và có thể điều đó cũng diễn ra trên người. Chính lúc ngủ say và sâu đã kích thích tuyến yên tiết ra hoóc-môn tăng trưởng. Khi tiếp nhận hoóc-môn này, xương người sẽ mọc dài thêm ở 2 đầu. Nói cách khác, quá trình tiết hoóc-môn là điều kiện tiên quyết làm tăng chiều cao của trẻ. Kích thích tố này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hồi phục sức khỏe và thúc đẩy quá trình tăng trưởng của cơ thể trẻ.
 
Như vậy, cho dù trẻ có đầy đủ các yếu tố thuận lợi cho việc phát triển chiều cao (như về di truyền, dinh dưỡng hoặc vận động cơ thể phù hợp), nhưng nếu tuyến yên không thể tiết ra được hoóc-môn tăng trưởng thì cơ thể cũng sẽ không thể phát triển chiều cao tương xứng với tiềm năng sẵn có. Điều này cũng lý giải vì sao có những trẻ ngủ li bì lại có chiều cao "lý tưởng", mặc dù cơ thể mất cân đối vì thiếu dinh dưỡng.

Ở trẻ em, nhu cầu ngủ rất cao, cứ 1 giờ hoạt động phải bù lại bằng 2 giờ ngủ, tức là gấp 4 lần người lớn. Tuổi càng nhỏ, nhu cầu ngủ càng cao (trẻ sơ sinh ngủ 20-22 tiếng mỗi ngày). Khi lớn lên, nhu cầu ngủ sẽ giảm dần, đến 1 tuổi chỉ còn 16 tiếng, 2 tuổi còn 14 tiếng, 3 tuổi còn 13 tiếng. Khi 16 tuổi, trẻ chỉ còn ngủ 8 tiếng giống như người lớn. Thời gian ngủ chủ yếu vào ban đêm; riêng với trẻ em thời gian ngủ ban ngày cũng rất quan trọng.

Lưu ý để trẻ có giấc ngủ say:

- Tập cho trẻ thói quen đi ngủ sớm. Tốt nhất là nên ngủ trước 10 giờ, vì trẻ ngủ sớm tinh thần sẽ minh mẫn hơn, hạn chế được những suy nghĩ tiêu cực sau này.

- Phòng ngủ của trẻ phải yên tính, ánh sáng vừa phải để tránh cho bé thức giấc giữa chừng.

- Chiều cao của trẻ phát triển bộc phát vào giai đoạn dậy thì. Ở lứa tuổi này, có năm trẻ tăng 8 – 12cm (đôi khi có trẻ, giai đoạn dậy thì đến trễ hoặc sớm hơn). Để giúp con phát triển hết tiềm năng, bạn nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý (giàu chất đạm, chất béo, canxi, sinh tố A và D - có nhiều trong sữa, trứng, rau xanh và trái cây tươi), cho trẻ vận động phù hợp (chơi các môn thể thao có động tác vươn người như bơi, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, xà đơn), kết hợp với việc bảo vệ giấc ngủ sâu và điều độ của trẻ.

- Kể từ lúc 2 tuổi, nếu con bạn phát triển dưới 4 cm/năm cho đến khi dậy thì, bạn hãy đưa trẻ đến thăm khám tại bác sĩ nội tiết để điều trị kịp thời. Phương pháp chữa trị phổ biến hiện nay là kéo dài chi dưới (tại TP.HCM có thể đến Trung tâm Vật lý - y sinh học), hoặc tiêm hoóc-môn tăng trưởng (thuốc được tiêm dưới da trước khi ngủ).

- Tránh cho hệ thần kinh của trẻ quá hưng phấn trước khi ngủ như cho đùa nghịch quá mức, xem phim bạo lực, v.v... Vui quá hoặc buồn quá đều làm cho bé không thể có giấc ngủ sâu và có thể gặp ác mộng. Hãy giúp trẻ trở về trạng thái tinh thần ổn định, thoải mái và nhẹ nhàng trước khi đi vào giấc ngủ say.

- Điều chỉnh nhiệt độ trong phòng sao cho thích hợp để giúp bé đảm bảo sức khỏe và ngủ ngon giấc.

- Trong trường hợp trẻ có rối loạn giấc ngủ (như mất ngủ liên tiếp vài đêm), cần đưa đi khám bệnh, không nên dùng thuốc ngủ khi chưa có ý kiến bác sĩ.
Quang Lê
Chia sẻ