Nghìn lẻ một chiêu “bỉ ổi” của những ông chồng cạn tình

LeeNa,
Chia sẻ

Thì ra anh ta đã không còn yêu chị và ấp ủ cuộc ly hôn này từ lâu, chỉ là chưa “chiếm” thêm được tài sản chung nên anh ta chưa đưa đơn cho chị kí mà thôi.

Vợ chồng là cái duyên cái số, đã không đến được với nhau thì thôi chứ đến được với nhau rồi thì hà cớ gì không dành những điều tốt cho nhau. Ấy thế mà có không ít đức lang quân sau một thời gian “chán cơm thèm phở” đã giở những chiêu cạn tình hết sức tiểu nhân ra để đối phó với người đầu gối tay ấp với mình bao năm mà không thấy xấu hổ.
 
Gia đình anh Tiến chị Mai được coi là gia đình điển hình và mẫu mực trong khu tập thể. Anh là giáo viên một trường đại học, còn chị là hiệu trưởng một trường mầm non trong thành phố. Cô con gái 5 tuổi luôn vui vẻ nói cười là sự kết tinh tình yêu của anh chị sau 15 năm cả yêu và cưới. Hàng xóm chẳng bao giờ thấy anh chị to tiếng, mọi người vẫn bảo: đúng là vợ chồng trong ngành giáo dục có khác. Nhưng học thức, địa vị, tiền bạc không phải là những cái có thể đảm bảo cho hạnh phúc gia đình. Một ngày, chị Mai đứng trước nguy cơ bị truy tố pháp luật vì một cháu bé không may bị chết do ngạt nước ở trường chị. Lúc này, anh Tiến thủ thỉ: “Em chuyển hết sổ đỏ, sổ tiết kiệm và tài sản có giá trị sang tên cho anh, để nếu em có bị dính líu pháp luật, nhỡ có phải đền bù nhiều tài sản có tên em ít thì sẽ phải đền bù ít thôi…” Nghe bùi tai, chị Mai đã chuyển hết tài sản giá trị sang tên chồng để mong “công sức” của mình sau này không bị mất.
 
 
Thế nhưng, ngay khi giải quyết xong vụ rắc rối này, chị Mai chưa kịp mừng vì không bị tịch thu tài sản, không phải bồi thường thì lại ngã quỵ khi chồng đưa đơn xin ly hôn. Thì ra anh ta đã không còn yêu chị và ấp ủ cuộc ly hôn này từ lâu rồi, chỉ là chưa làm cách nào để “ẵm” gọn được số tài sản chung của hai vợ chồng nên anh ta chưa đưa đơn cho chị kí mà thôi. Chớp thời cơ chị bị liên lụy pháp luật anh ta đã đường hoàng hợp thức hóa tài sản chung sang tên mình để rồi sau khi ly hôn sẽ nghiễm nhiên về tay anh. Trở thành người đàn bà tay trắng nuôi con, chị Mai tâm sự: “Tiền của tiếc thì tiếc thật đấy, nhưng không đau bằng bị người đàn ông đêm đêm nằm cạnh mình “đâm lén” sau lưng, lừa mình ngay lúc mình gặp khó khăn, cần anh ta nhất”.

Không bị lừa hết tiền như chị Mai, nhưng chị Hoàng cũng mếu dở khi phải sống trong cảnh “có chồng cũng như không”. Không đi làm, chị ở nhà vừa cơm nước cho chồng vừa chăm lo dạy dỗ hai con, vì chị vốn không được khỏe mạnh, nhất là sau khi sinh xong hai con. Trong thâm tâm chị vừa rất phục chồng vừa rất thương anh. Chị thương vì anh vất vả lo cho cả nhà, chị phục bởi anh đã vì mình, đi làm tích góp mà mua được nhà ở Hà Nội cho mấy mẹ con chị cả ngày chỉ ăn và ở nhà, thế mà anh vẫn rất yêu vợ con, ngoan ngoãn đi làm đúng giờ, về nhà đúng giờ và không mấy khi bỏ ăn tối cùng gia đình.Trong thâm tâm chị luôn nghĩ phải bù đắp cho anh.
 
Vậy mà ngày đứa con thứ hai của chị vào đại học cũng là ngày anh dắt về một người đàn bà và một thằng bé tầm 6, 7 tuổi. Không ngần ngại, không giấu giếm, anh công nhận đó là “vợ hai” và con trai anh. Mặc cho chị đau khổ vô cùng, anh tuyên bố người kiếm tiền nuôi cả nhà là anh, vì vậy anh có quyền. Anh nói ráo hoảnh: “Bao năm nay cô ở nhà tôi nuôi, đã không đẻ được con trai lại yếu rớt chẳng “phục vụ” được chồng, còn muốn gì nữa. Tôi chưa bỏ là may đấy, biết điều thì sống cho biết thân biết phận. Từ nay hai mẹ con Lành (tên cô gái) sẽ về đây ở, tôi nuôi hết. Tôi là người quyết định ở cái nhà này…”. Ly hôn thì chẳng biết sống cách nào, mà có nuôi nổi con hay không bởi lâu nay chị Hoàng vẫn quen sống dựa vào chu cấp của chồng. Hơn nữa, nếu chị buông xuôi bây giờ thì cái cơ ngơi này dĩ nhiên rơi vào tay cô bồ nhí của anh, sợ là các con chị sau này không được gì… Nghĩ vậy, chị đành ngậm ngùi sống trong căn nhà với nỗi đau chồng chung chẳng biết tỏ cùng ai.
 

Người ta thường bảo đàn ông bạc lắm, khi đã cạn tình cạn nghĩa thì đàn ông chẳng coi người phụ nữ của mình là gì cả. Nếu không hành hạ về mặt thể chất thì kiểu gì anh ta cũng không tha cho vợ về mặt tinh thần, thậm chí là danh dự. Trường hợp của vợ chồng anh Thùy, chị Giang là một ví dụ điển hình.

Bị gia đình cấm đoán, chị quyết tâm theo anh Thùy – một anh chàng có giọng hát mượt như nhung chuyên hát ở các tụ điểm cà phê, bỏ ngoài tai chuyện anh chẳng có gì trong tay, công việc ổn định cũng không có, hơn nữa nhìn tướng mạo lại không nam nhi cho lắm. Cảm kích tấm chân tình của cô tiểu thư con nhà giàu yêu giọng hát của mình, anh cũng thề thốt sẽ sống với chị suốt đời cho cả họ “sáng mắt” ra. Ấy thế mà chưa đầy 2 năm, khi số tiền vàng hồi môn của chị được tiêu hết thì cũng là lúc anh chị lục đục, từ chiến tranh lạnh, cho đến đồ đạc, bát đĩa thi nhau “bay vèo” ra sân. Anh Thùy không còn nói chuyện với vợ bằng cái giọng “ngọt” như lúc hát nữa mà luôn tìm cơ hội để “gào” lên cho thiên hạ biết rằng: “… cái số tôi đen đủi lấy phải cô tiểu thư rỗng tuếch, chả đỡ đần gì được cho chồng. Nếu không lấy cô đời tôi chắc chắn tôi đã có một sự nghiệp ca hát vương giả…”.
 
Thậm chí anh ta còn động chạm đến cả bố mẹ chị Giang: “Tôi chẳng hiểu bố mẹ cô kiểu gì, gả con rồi là chẳng còn lo gì cho con gái nữa…”
 
 
Giờ đây chị Giang mới thấm thía sai lầm của mình. Chị biết anh ta chỉ lợi dụng chị vì nghĩ rằng sẽ “nhờ vả” được nhà vợ ít nhiều. Nhưng giờ đây, khi không được gì, anh ta xoay sang hành hạ, xỉa xói chị. Chị biết anh ta không còn yêu chị, anh ta đang cố tình lăng nhục nhằm khích chị lại chạy về bên bố mẹ xin tiền để cung phụng cho cuộc sống của anh ta. Nhưng chị đã “khôn” hơn rất nhiều, chị đang nghĩ về một lá đơn li hôn.
Chia sẻ