Nghi ngút khói nhang: Rước bệnh vô người

Theo Tintuconline,
Chia sẻ

Điều đáng nói là nhiều người đã quan niệm sai lầm khi cho rằng mùi thơm khói nhang không độc. Thực tế cho thấy, bất cứ cái gì sinh ra khói đều độc.

Vào những ngày cuối năm, hầu như gia đình nào cũng có mua vài nén nhang về thắp cho ông bà, tổ tiên.
 
Đó là một nét văn hoá truyền thống của người Việt.

Điều đáng nói là nhiều người đã quan niệm sai lầm khi cho rằng mùi thơm khói nhang không độc. Thực tế cho thấy, bất cứ cái gì sinh ra khói đều độc, từ khói thuốc lá cho đến khói than, khói củi, khói rơm...
 
Không rõ tự bao giờ, với người Việt Nam, chuyện thắp nhang bàn thờ tổ tiên, ở chùa trở thành nhu cầu không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp, lễ tết. Nén nhang như một chiếc cầu nối thiêng liêng giữa cuộc sống hiện hữu với cõi tâm linh trời đất.
 

Nhang nay độc hơn nhang xưa

Thật ra, nhang ngày xưa không độc hoặc ít độc hơn nhang bây giờ, vì người ta sử dụng chủ yếu gỗ hương liệu là gỗ trầm. Bản chất hương liệu này trong đông y có thể sát trùng và tạo sự hưng phấn, không gây hại. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người vì muốn kiếm lời nhiều nên đã sử dụng các hoá chất rẻ tiền để tạo hương, khiến cho chất lượng nhang kém đi.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học ở đại học quốc gia Cheng Kung (Đài Loan) cho biết, một cây nhang trung bình chứa 35% hương liệu thơm, 21% dược liệu và bột gỗ, 11% bột dính, 33% thanh tre. Với nhang sản xuất ở Việt Nam, thành phần này có thể khác. Điều đáng tiếc là hiện chưa có nghiên cứu nào tương tự.

Giống như khói thuốc lá, khói nhang cũng ẩn chứa nhiều hoá chất như: benzene, toluene, xylenes, aldehydes và polycyclic aromatic hydrocarbons. Đây là những chất rất độc hại với con người khi hít phải lượng nhiều, chẳng hạn như benzene làm tổn thương tuỷ xương, biến dạng hình thể máu… dẫn tới ung thư máu. Hít hơi benzene với nồng độ 65g/m3 trong 30 phút có thể gây tử vong.

Hít hơi benzene với nồng độ 2,3g/m3 trong từ 30 – 60 phút sẽ gây bất tỉnh. Hay như với chất toluene, nếu tiếp xúc thường xuyên qua đường hô hấp sẽ gây nên các biểu hiện tổn thương chủ yếu của hệ thần kinh trung ương như nhức đầu, nôn mửa, buồn ngủ, loạng choạng, cùng những biểu hiện như say rượu.
 
Trường hợp nặng có thể mất ý thức và tử vong. Tương tự, chất xylenes gây nhức đầu, cơ bắp ít hoạt động, rối loạn và thay đổi cảm giác cân bằng, dị ứng da, mắt, mũi, cổ họng; chất aldehydes gây chóng mặt, buồn nôn, rối loạn nội tiết và chất polycyclic aromatic hydrocarbons có thể gây ung thư, quái thai...

Để đốt nhang được an toàn

Trong chúng ta, khó ai có thể diễn tả hết sự xúc động khi vào khoảnh khắc giao hoà trời đất giữa năm mới và năm cũ, cả gia đình quây quần, thắp lên bàn thờ một vài nén nhang thơm rồi tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, những người thân yêu đã khuất. Sự lẩn khuất của làn khói trắng, mùi thơm nhẹ lan toả sẽ làm cho ta thấy ấm cúng và gắn bó với nhau hơn.

Ngày tết đi chùa lễ Phật, chúng ta cũng hay bắt gặp nhiều người tay cầm nhang, miệng lâm râm khấn vái cầu mong một năm mới tốt lành, gia đạo bình an. Đây là nét văn hoá tồn tại từ rất lâu, đem lại cho người ta một sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn. Do đó, không thể vì những nguy cơ khói nhang mà từ bỏ việc đốt nhang, điều quan trọng vẫn là biết cách phòng ngừa. Một vài lưu ý để sử dụng nhang an toàn:

Mở thoáng cửa khi đốt nhang: tại các chùa, trong một số nghi lễ, hàng ngàn que nhang thường được đồng loạt đốt lên; hoặc nhiều gia đình khi thắp nhang hay đóng kín cửa khiến khói nhang bị tụ lại một chỗ. Như thế rất không nên. Thay vào đó cần mở cửa thoáng để khói nhang loãng ra. Không nên để nơi đốt nhang gần nơi có người đang ngủ, nằm nghỉ.

Chọn nhang có thời gian cháy ngắn: cháy trong vòng một phút hoặc ít hơn là tốt nhất. Chọn mua nhang của cơ sở sản xuất có thương hiệu. Dập tắt nhang sau khi sử dụng, không nên để cháy đến tàn.

Tránh mua nhang có mùi thơm quá dày: nhang càng thơm, nguy cơ ngộ độc càng cao. Trong những dịp đặc biệt, chỉ nên thắp từ một đến ba cây nhang/ngày.

Chia sẻ