Nghỉ lễ dài ngày, chuyên gia tư vấn cách đối phó với “cơn nghiện” điện thoại của trẻ

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Tết Nguyên đán năm nay học sinh cả nước được nghỉ 8 ngày, đây có thể là kì nghỉ dài nhất, khiến các trẻ nhỏ có nhiều thời gian nhàm chán.

TS.BS. Trịnh Thị Bích Huyền tư vấn cách đối phó với cơn nghiện điện thoại của trẻ

Trong một khảo sát xã hội "Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh ở trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh" của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa giáo dục và đời sống xã hội, trực thuộc Hội Dân tộc học - nhân học TP.HCM, số liệu cho thấy 78% trẻ đô thị dưới 6 tuổi sử dụng thiết bị số.

Theo kết quả của dự án, có 19% trẻ dưới 3 tuổi tiếp cận thiết bị số, có đến 59% trẻ từ 3-5 tuổi sử dụng thiết bị thông minh, trẻ 6-9 tuổi chiếm 20% và trẻ từ 10-12 tuổi chiếm 2%.

Khảo sát được tiến hành trong tháng 10-2014 tại bốn thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ với 1.051 người là cha mẹ của 1.802 trẻ em từ 3-12 tuổi.

Một loạt nguy cơ/tác hại tiêu biểu đã được "kiểm chứng" qua những con số khảo sát: Trẻ dễ xao nhãng việc học hành (69%); Trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi những nội dung thiếu lành mạnh (66%); Trẻ có khuynh hướng ít giao tiếp với cha mẹ, người thân hơn (56%); Trẻ có khuynh hướng ít vận động hơn (73%); Trẻ có nguy cơ bị các bệnh về mắt (85%); Dễ gây nghiện (đến mức quên ăn, ngủ, không còn quan tâm đến thế giới thực xung quanh) (75%); Giảm khả năng tư duy và tưởng tượng (34%).

Nghỉ lễ dài ngày, chuyên gia tư vấn cho phụ huynh cách đối phó với cơn nghiện điện thoại của trẻ - Ảnh 1.

TS.BS. Trịnh Thị Bích Huyền - Chuyên gia về Sức khỏe tâm thần

Sai lầm của người lớn

Trao đổi với chúng tôi TS.BS. Trịnh Thị Bích Huyền - Chuyên gia về Sức khỏe tâm thần, cho rằng, xã hội hiện đại ngày nay, công nghệ thông tin phát triển, nhiều phụ huynh vì quá bận rộn với công việc làm ăn, việc trông coi chăm sóc các trẻ nhỏ cũng bị hạn chế.

Thường thì nhiều người coi chiếc điện thoại thông minh, hay máy tính là "cứu cánh" để dỗ dành trẻ, nghĩ rằng đưa cho con chơi điện thoại để chúng ngồi yên. Thế nhưng, đó là một sai lầm, việc sử dụng điện thoại, máy tính từ sớm ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe và tương lai của trẻ.

Vậy, phải làm thế nào để "hóa giải" những sở thích khó tránh của trẻ, chuyên gia tâm lý cảnh báo rằng, trẻ cũng có quan điểm và lập trường riêng của chúng. Các cha mẹ cần phải lắng nghe, làm bạn để tìm hiểu con mình, tìm hiểu ra tiếng nói chung, phải phân tích cho con trẻ hiểu đúng sai, đừng áp đặt.

Kiểm soát chuyện dùng điện thoại di động của con sao cho hợp lý

TS.BS Huyền cũng cho rằng, thời điểm nghỉ lễ, tết dài ngày là cơ hội rất dễ khiến trẻ tiếp cận với điện thoại, tivi, đặc biệt là game online. Các phụ huynh hãy tích cực cho con em tham gia các hoạt động ngoài trời (thể thao, đi bộ…) thay vì trẻ suốt ngày ngồi trước điện thoại, tivi. "Lúc này các cha mẹ nên đi ra ngoài cùng cung, tham gia các hoạt động cùng con, để bố mẹ gần gũi tình cảm, hiểu con cái hơn", BS Huyền chia sẻ.

Nghỉ lễ dài ngày, chuyên gia tư vấn cho phụ huynh cách đối phó với cơn nghiện điện thoại của trẻ - Ảnh 2.

số liệu cho thấy 78% trẻ đô thị dưới 6 tuổi sử dụng thiết bị số.

Dùng điện thoại, chơi game online nhiều sẽ khiến trẻ mắc rất nhiều căn bệnh nguy hiểm, thậm chí có nguy cơ dẫn đến các bệnh liên quan về tâm thần, các bệnh về mắt, bệnh tim mạch, co giật, liệt cơ mắt… Chuyên gia tâm lý cho rằng, bố mẹ gần gũi, sát sao với con thì không khó để phát hiện ra các bệnh này không khó, nhưng điều này thường xảy ra đối với các gia đình mà cha mẹ đi công tác xa, công việc bận rộn để trẻ ở nhà một mình với giúp việc, ông bà. Nhất là đối với những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, cha mẹ thường xuyên mâu thuẫn, ly hôn, ly dị, thì sự sát sao đối với con cái không được tốt. Vì vậy, khi phát hiện ra con có các biểu hiện trên thì đã quá muộn.

Điều quan trọng cuối cùng là chính ba mẹ cần làm gương cho trẻ về việc dùng điện thoại có giờ giấc, hợp lý và có kiểm soát. Đặc biệt là đối với trẻ ở tuổi đi học mẫu giáo trở lên, nếu bạn nhắc nhở, cấm đoán con dùng điện thoại nhưng bản thân lại "dán mắt" vào điện thoại quá nhiều thì việc giáo dục sẽ trở nên vô nghĩa.

Theo TS Huyền, biểu hiện của trẻ thể hiện qua các triệu chứng trầm cảm, hay quên, không đi học, không thích tiếp xúc với mọi người, hay đóng cửa trong phòng, đến trường trẻ cảm thấy cô đơn không muốn gia lưu với bạn bè, học hành ngày càng kém, biểu hiện mệt mỏi…

"Không nên sử dụng điện thoại, chơi game, làm việc trên máy tính quá 30 phút" chuyên gia tâm lý khuyên.

Một số khuyến cáo liên quan đến trẻ dùng điện thoại, xem tivi, game online quá nhiều

Tác hại của điện thoại với trẻ em – Các vấn đề về mắt là không thể tránh khỏi

Việc xem YouTube, chơi game, xem phim hoạt hình… trên điện thoại thông minh hay máy tính bảng thường khiến trẻ tập trung nhìn chằm chằm vào màn hình nhiều giờ liền. Điều này sẽ tạo điều kiện để ánh sáng xanh, bức xạ từ điện thoại/ máy tính bảng tác động trực tiếp lên mắt của trẻ. Từ đó gây ra các vấn đề về mắt như khô mắt, nhức mắt, cận thị, suy giảm thị lực khi còn trẻ…

Dùng điện thoại sớm và thường xuyên tăng nguy cơ béo phì ở trẻ

Khi trẻ nghiện xem YouTube, chơi game… trên điện thoại thông minh thì sẽ giảm đi hứng thú với các hoạt động khác, bao gồm cả hoạt động thể dục thể thao. Nói cách khác, việc làm quen với thiết bị công nghệ từ sớm sẽ khiến trẻ hình thành thói quen ngồi một chỗ để "dán mắt" vào điện thoại nhiều hơn. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ béo phì hoặc các bệnh khác như lệch cổ, thoái hóa đốt sống cổ… do ít vận động, ngồi một chỗ và cúi đầu quá lâu.

Tăng nguy cơ mắc bệnh liên quan đến tâm lý, tâm thần

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, theo các chuyên gia thì việc trẻ dành quá nhiều thời gian dùng điện thoại để giải trí còn có thể khiến trẻ "bỏ quên" những điều xung quanh. Lúc này, trẻ thường thích tách biệt, ở một mình và không giao tiếp với người khác. Điều này về lâu dài có thể dẫn đến chứng tự kỷ, rối loạn lo âu, thiếu tập trung, rối loạn tâm thần và khiến hành vi trẻ có vấn đề.

Đối với trẻ đi học dùng điện thoại và mạng xã hội thì tác hại của điện thoại đối với học sinh còn có thể bao gồm tình trạng bắt nạt qua mạng, trẻ tìm hiểu nội dung khiêu dâm quá sớm, nghiện game ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn khả năng học tập, trẻ tự ti vì thua kém người khác hoặc sống ảo đua đòi, dễ có suy nghĩ lệch lạc, trầm cảm, giảm chất lượng giấc ngủ… Những vấn đề này hoàn toàn có thể dẫn đến tổn thương tinh thần ở trẻ, khiến bé dễ mắc các bệnh về tâm lý, tâm thần nếu cha mẹ không quan tâm và can thiệp kịp thời.

Chia sẻ