Nghỉ hậu sản được 6 tháng, nữ bác sĩ ngậm ngùi ôm con gửi ông bà, lên đường chống COVID-19

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Lên đường làm nhiệm vụ lần này, nữ bác sĩ vừa mới sinh 6 tháng biết rằng ngày gặp lại đứa con bé bỏng của mình có thể sẽ dài thăm thẳm.

Nhiều lần tôi đặt ra câu hỏi, rằng nhân viên y tế có sợ khi tham gia chống dịch COVID-19 không?

Hầu hết trả lời là sợ, nhưng hình như ai cũng quyết định đi.

3 tháng trời không được ôm con

Chị Bùi Châu Uyên Ngọc là bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP.HCM).

Vừa nghỉ hậu sản 6 tháng, cô trở lại BV thì đã vào nhận công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Nghỉ hậu sản 6 tháng, nữ bác sĩ ngậm ngùi ôm con gửi ông bà, dứt ruột lên đường chống COVID-19 - Ảnh 1.

Bác sĩ Bùi Châu Uyên Ngọc.

Kể từ đó cô biết rằng, ngày về gặp đứa con bé bỏng của mình có thể sẽ dài thăm thẳm. Bởi vì phải tham gia điều trị tại khu vực nguy hiểm, nguy cơ lây bệnh cho con rất cao.

Ngậm ngùi giao đứa con bé bỏng lại cho ông bà, người mẹ trẻ lao vào "chiến trường COVID-19".

Mỗi lần nhắc đến con, đôi mắt người mẹ lại ánh lên vẻ đượm buồn. Kể từ ngày cuối cùng bế con đến nay đã 3 tháng.

Việc chăm bẵm, ôm ấp, cho con bú mỗi ngày tưởng là đặc quyền không thể thay đổi của người mẹ giờ với bác sĩ Ngọc lại chỉ nằm trong ao ước.

Biết sao được, dịch bệnh đang ác liệt. Là bác sĩ, cô buộc phải hi sinh lợi ích riêng để dùng năng lực của người thầy thuốc bảo vệ cộng đồng. 

Nghỉ hậu sản 6 tháng, nữ bác sĩ ngậm ngùi ôm con gửi ông bà, dứt ruột lên đường chống COVID-19 - Ảnh 2.

Với bác sĩ Quách Bảo Đằng, anh cũng chọn chuyển hẳn "hộ khẩu" vô bệnh viện để tiện cho công tác trực gác, điều động khẩn cấp của BV. Và cũng để an toàn cho con nhỏ và người thân chưa được tiêm vắc xin COVID-19.

Vì bản thân đang công tác trong môi trường đầy rẫy hiểm nguy phơi nhiễm COVID-19.

"Có lần thèm ăn cơm nhà, vợ đã nấu cơm sẵn. Tan ca tôi chạy về nhà, ăn cơm một mình dưới mái hiên rồi nhìn vào nhà nơi con đang chơi đùa.

Nhưng tôi không thể ôm con, không thể chơi đùa với con.

Sau khi ăn xong, tôi lại vẫy tay chào vợ và con qua cánh cửa rồi trở vào BV. Tôi biết rằng lý do thèm ăn cơm nhà là phụ, về nhìn thoáng qua gia đình yêu thương của mình mới là cốt yếu" - bác sĩ Đằng tâm sự.

Nghỉ hậu sản 6 tháng, nữ bác sĩ ngậm ngùi ôm con gửi ông bà, dứt ruột lên đường chống COVID-19 - Ảnh 3.

Các nhân viên y tế liên tục xem hồ sơ bệnh án và diễn tiến của bệnh nhân.

Những ca trực nặng lòng

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều nhân viên y tế của BV Nguyễn Tri Phương chọn hi sinh lợi ích cá nhân để tham gia "diệt giặc COVID-19".

Họ, sau 3 tháng liên tục tham gia chống dịch, từ mập mạp tốt tướng trở nên gầy nhom khi phải lo lắng mọi vấn đề cho bệnh nhân COVID-19, từ cái ăn, cái mặc, đánh răng, súc miệng, thay tã...

Thời điểm này, các bác sĩ đang phải dùng hơn 100% sức lực để chẩn đoán và điều trị mới kịp thời cứu lấy tính mạng bệnh nhân.

Mới đây, khoa đã tiếp nhận bà N.T.B. (sinh năm 1939) trong tình trạng ho, khó thở, được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp.

Nghỉ hậu sản 6 tháng, nữ bác sĩ ngậm ngùi ôm con gửi ông bà, dứt ruột lên đường chống COVID-19 - Ảnh 4.

Điều trị COVID-19, các bác sĩ phải đối mặt với những lúc bệnh nhân trở nặng bất ngờ.

Tình trạng bệnh nhân xấu dần, suy hô hấp không cải thiện với oxy phải can thiệp bằng đặt nội khí quản, thở máy.

Người con gái đi cùng bệnh nhân cũng được phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 và bắt đầu có triệu chứng ho, đau họng 1 ngày sau đó.

Hàng ngày khi bác sĩ đi thăm buồng bệnh, cô con gái cứ luôn hỏi thăm xem tình hình mẹ như thế nào. Dù cách nhau chỉ một tấm kính thôi nhưng người con cũng chỉ có thể ngồi từ bên đây nhìn mẹ mình ở bên kia, và cầu nguyện.

Thật vui khi tình trạng của bà dần cải thiện sau 4 ngày thở máy, các thông số về khí máu đã dần ổn định, phổi đã có cải thiện nhiều trên phim X-quang.

Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn trong giai đoạn nguy hiểm không thể chủ quan bất kỳ giây phút nào.

Cũng là đêm trực Cấp cứu áp lực khác, các bác sĩ tiếp nhận 1 sản phụ vào viện với triệu chứng đau bụng, chuyển dạ lúc 23h30', thai 37 tuần.

Sản phụ ngay lập tức được làm các xét nghiệm cần thiết và test nhanh COVID-19, song song với đó là chuẩn bị công tác hỗ trợ sinh.

Bé sinh thường lúc 0 giờ 5 phút, tuy nhiên sau sinh có dấu hiệu giảm oxy máu. Với chẩn đoán suy hô hấp sơ sinh, bé được chuyển lên khoa Nhi của BV hỗ trợ điều trị.

Nghỉ hậu sản 6 tháng, nữ bác sĩ ngậm ngùi ôm con gửi ông bà, dứt ruột lên đường chống COVID-19 - Ảnh 5.

Con sản phụ nhiễm COVID-19 chào đời an toàn.

Đến sáng, kết quả xét nghiệm khẳng định RT PCR của người mẹ là dương tính. Mẹ bé được chuyển đến khu điều trị COVID-19 của BV Nguyễn Tri Phương. Cô của bé đi cùng cũng được cách ly do thuộc diện F1 tiếp xúc gần.

Vậy là em bé phải thở oxy, thiếu dòng sữa mẹ ngay từ khi mới lọt lòng.

Các cô điều dưỡng ngoài đi xin sữa và tập cho bé bú còn quyên góp ủng hộ mua tã, áo quần và sữa thêm cho bé.

Nghỉ hậu sản 6 tháng, nữ bác sĩ ngậm ngùi ôm con gửi ông bà, dứt ruột lên đường chống COVID-19 - Ảnh 6.

Nữ điều dưỡng chăm sóc cháu bé con sản phụ nhiễm COVID-19.

Lúc đầu mới tập bú, bé bị ọc sữa 2-3 lần. Nhưng với sự kiên trì của các cô và nghị lực của chính mình, sau vài ngày điều trị bé đã được cai thở oxy và bú rất giỏi, mỗi cữ được 30ml. 

"Hôm nay bé sẽ được chích viêm gan siêu vi B và chích ngừa lao như bình thường. Đợi vài hôm nữa, khi kết quả xét nghiệm lần 2 của cô ruột âm tính, con sẽ được về nhà" - BSCKI Hoàng Văn Triều, BV Nguyễn Tri Phương thông tin.

Nghỉ hậu sản 6 tháng, nữ bác sĩ ngậm ngùi ôm con gửi ông bà, dứt ruột lên đường chống COVID-19 - Ảnh 7.

Những chuyến xe chống dịch vẫn đang tiếp tục lăn bánh.

Tại khoa Cấp cứu, ngoài việc điều trị thông thường thì nhân viên y tế còn phải đảm bảo công tác sàng lọc, rà soát nguy cơ nhiễm bệnh trước khi cho bệnh nhân nhập viện, tránh để nguồn bệnh đi sâu vào nội viện.

Nếu không có lòng yêu người, yêu nghề, họ khó lòng đeo đuổi cái công việc rất mệt, rất nguy hiểm, nguy cơ phơi nhiễm rất cao này.

Chia sẻ