Nghe trải nghiệm tổ chức cưới "an toàn" của cô dâu Hà Nội khi bị hoãn vì dịch: Các dâu nên thở đều, thả lỏng vì lúc này chi phí, tiền bạc không phải vấn đề quan trọng nhất

NH,
Chia sẻ

Là người có đám cưới được tổ chức ngay vùng bị phong tỏa, cô dâu Phương Anh chia sẻ trải nghiệm hoãn cưới của bản thân để những ai cũng đang "đồng cảnh ngộ" có thể tham khảo ngay lập tức.

Đám cưới là ngày vui trọng đại của cả đời người. Chính vì thế, ai cũng muốn lên kế hoạch chu toàn để mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát và diễn ra theo đúng kế hoạch nhất.

Tuy nhiên, nếu đám cưới của bạn lại rơi đúng vào "mùa dịch" không lường trước thì giải quyết thế nào khi mọi thứ đã xong xuôi nhưng tổ chức không được mà hủy cũng không xong. 

Cùng nghe câu chuyện tổ chức đám cưới trong mùa dịch "dở khóc dở cười" của nàng dâu Hà Nội Phương Anh để biết nên xử lý và lưu ý điều gì nếu chẳng may bạn cũng đồng "cảnh ngộ" nhé.

Nghe trải nghiệm tổ chức cưới "an toàn" của cô dâu Hà Nội khi bị hoãn vì dịch: Các dâu nên thở đều, thả lỏng vì lúc này chi phí, tiền bạc không phải vấn đề quan trọng nhất - Ảnh 2.

Chị Phương Anh và chồng.

"Gia đình hai bên đã dự định tổ chức đám cưới vào ngày 13/3. Tuy nhiên, ngày 6/3 ở Hà Nội bùng phát dịch. Xui là nhà mình ở ngay gần Trúc Bạch, chính là khu cách ly và phong tỏa. Dù đã chuẩn bị xong xuôi từ nhà hàng, tiệc cưới, cỗ bàn nhưng lúc đó gia đình mình buộc phải hoãn toàn bộ", chị Phương Anh cho biết.

Giống như nhiều đám cưới khác, chị Phương Anh cũng đã đặt cọc hết toàn bộ chi phí từ nhà hàng, tiệc cưới, cỗ bàn. Thiệp mời cũng đã được phát xong xuôi. Lúc đó, bố mẹ chồng chị Phương Anh đang chuẩn bị đặt xe đón khách ở quê cũng phải xin hoãn và gọi điện xin lỗi thông báo tới từng nhà. 

Nhà dâu vì ở vùng phong tỏa nên cũng chỉ dám ở nhà gọi điện tới từng địa điểm để xin hoãn. Từ nhà rạp, váy cưới, phông bạt, tiệc cưới cho tới thợ chụp ảnh. "May mắn là lý do khách quan nên sau khi trình bày với bên đặt tiệc họ cũng thông cảm và hoãn cho mình. Riêng với thợ chụp ảnh thì họ không đồng ý, sau đó mình phải hủy và mất tiền đặt cọc cho bên đó".

Nghe trải nghiệm tổ chức cưới "an toàn" của cô dâu Hà Nội khi bị hoãn vì dịch: Các dâu nên thở đều, thả lỏng vì lúc này chi phí, tiền bạc không phải vấn đề quan trọng nhất - Ảnh 3.

(Hình minh họa).

Chờ tới khi thành phố hết giãn cách xã hội, gia đình hai bên lại họp bàn tổ chức. Nhưng chỉ gọn nhẹ, đơn giản với phần ăn hỏi và tiệc nhỏ vào ngày 3/5. Khách khứa cũng chỉ là nội bộ gia đình và những bạn bè chơi thân với hai vợ chồng tới dự. 

Tuy nhiên, sau một tháng về ở chung, cảm thấy tình hình đã ổn chị Phương Anh và chồng lại xin phép gia đình tổ chức tiệc cưới lớn để đãi khách không thể tới dự. "Nhiều người hỏi thăm là vợ chồng cưới ngày nào đấy, sao không biết vậy. Thấy tình hình ổn định nên vợ chồng mình đã tính toán xin phép gia đình tổ chức thêm một ngày tiệc đãi khách không thể tới dự nữa. Vậy là mình có quá nhiều ngày kỉ niệm ngày cưới. Từ ngày 3/5 ăn hỏi và tổ chức tiệc nhỏ đến ngày 7/6 tổ chức tiệc lớn hơn. Hai vợ chồng cũng cho đây là một kỷ niệm vui để nhắc nhau về đám cưới", chị Phương Anh chia sẻ.

Vì tổ chức cưới không như dự tính nên chi phí cũng bị đội lên khá nhiều. Nhà chị Phương Anh bị phát sinh thêm tiệc nhỏ cho ngày 3/5. Nhà gái thì váy cô dâu phải mua thêm một chiếc nữa. Tiền phông bạt, ăn uống cũng thêm một lần chi phí. Tổng kết sau đám cưới, nhà gái mất thêm khoảng 15 triệu so với dự tính ban đầu. 

Còn nhà trai thì tốn kém hơn, chi phí mất thêm từ 30 - 40 triệu nữa. Do nhà trai đã đặt sẵn phông bạt dựng rạp xong xuôi rồi lại hủy nên phải dỡ bỏ hoàn toàn. Chưa kể cứ hoàn rồi hủy mà toàn đặt ở những địa điểm tổ chức sự kiện lớn nên mất thêm tiền cọc và tiền đền hợp đồng. Chưa kể chi phí phát sinh cho ngày 3/5 nhà gái tốn kém thêm như thế nào thì nhà trai cũng như thế mà còn nhiều hơn. 

Nghe trải nghiệm tổ chức cưới "an toàn" của cô dâu Hà Nội khi bị hoãn vì dịch: Các dâu nên thở đều, thả lỏng vì lúc này chi phí, tiền bạc không phải vấn đề quan trọng nhất - Ảnh 4.

(Hình minh họa).

"Lúc đó mình buồn lắm, tâm lý lúc lên lúc xuống. Vì cảm giác mình sao đen đủi quá. Hai đứa yêu nhau cũng gần 6 năm, đến tuổi chín muồi xin cưới thì bị hoãn lên hoãn xuống. Dù biết là do hoàn cảnh khách quan nhưng do làm ở cơ quan đoàn thể, cả hai vợ chồng cứ hoãn hủy rồi mời cưới lại cũng cảm thấy xấu hổ nữa", chị Phương Anh chia sẻ.

Dù bị hoãn cưới vì bất kỳ lý do gì đối với cặp đôi đều là việc không may mắn vì đó là ngày trọng đại của cuộc đời mình. Nhưng là cô dâu đã trải qua cảm giác đó, chị Phương Anh lại cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều. 

Bởi gia đình chị may mắn chỉ hoãn cưới khoảng 2 tháng mà không phải hủy. Các chi phí phát sinh cũng nằm trong tầm kiểm soát. Quan trọng là cả hai vợ chồng đều hạnh phúc và cảm ơn những trải nghiệm đã được cùng nhau vượt qua. 

"Đến giờ các đồng nghiệp chỗ mình vẫn trêu đùa là cặp đôi Trúc Bạch. Mình còn có hẳn hai bộ ảnh cưới và 2 ngày kỷ niệm cưới luôn rồi. Đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ với cả hai vợ chồng. Quan trọng là việc giữ gìn sức khỏe, an toàn cho mình, gia đình và họ hàng và cộng đồng. Tiền bạc hay hoãn cưới đều không thành vấn đề nữa".

Các chi phí chị Phương Anh phát sinh cho tiệc nhỏ ngày 3/5:

Mất tiền cọc cho nhiếp ảnh: 1 triệu đồng

Thuê nhiếp cho ngày đón dâu: 5 triệu đồng

Váy cưới mua thêm: 2 triệu đồng

Phông bạt mất thêm: 5 triệu

Ăn uống: 3 triệu

Tổng chi phí phát sinh: 15 triệu

Chia sẻ