Ngày Tết đổi món với gỏi cá, lẩu cá chống ngán: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ nhiễm sán dài cả mét khi ăn cá tái sống
Gỏi cá, lẩu cá đều là những món ăn khoái khẩu nhưng lại có thể ẩn chứa nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe. Tất cả đều bắt nguồn từ cá sống.
Gỏi cá, lẩu cá lên ngôi những ngày Tết vì vừa thơm ngon, vừa ăn được nhiều không biết ngán
Khi những món ăn như bánh chưng, thịt đông trở nên quá đỗi ngán ngẩm dịp Tết, chúng ta có xu hướng tìm đến những món ăn thanh mát hơn như cá. Đặc biệt là những món như gỏi cá, lẩu cá. Vừa thơm ngon lại vừa dễ ăn, đây là những món ăn được nhiều người háo hức mỗi khi nghỉ Tết.
Để làm gỏi cá, lẩu cá, bạn sẽ mang cá tươi ra lọc lấy thịt sống rồi tiến hành tẩm ướp gia vị. Với món gỏi cá - đặc sản của người vùng cao, người ta thường thái mỏng hoa chuối tây, rửa sạch vò cho mềm, rau mùi tàu, rau thơm, húng và hom mu chưn (lá của một loại cây có mùi vị đặc trưng, rất hợp với gỏi cá), ớt tươi, tỏi, lạc rang giã nhỏ, đặc biệt không thể thiếu nước được bà con trưng cất từ măng chua để 3 đến 4 năm.
Khi đã chuẩn bị xong nguyên liệu, người chế biến lấy ít nước đun sôi để nguội pha với nước chua thêm muối tinh và mì chính, đảo thêm ít rau thơm rồi khuấy đều cho tan muối và mì chính, nhúng cá và rau rồi thưởng thức.
Đối với người mới ăn, cho thịt cá đã thái mỏng nhúng vào bát nước chua để miếng cá ngấm nước từ 5-10 phút, thịt cá sẽ chuyển sang tái, rồi trộn đều với tất cả hoa chuối cùng một số gia vị làm sẵn và múc ra bát tô hoặc đĩa sâu lòng để chứa nước chua.
Còn với lẩu cá, bạn cũng tiến hành lọc thịt cá rồi đem tẩm ướp gia vị, hành sả gừng... cho hợp khẩu vị rồi nhúng lẩu để ăn cùng nhiều loại rau củ yêu thích. Cách làm tương đối đơn giản, lại có thể quây quần cả gia đình bên nồi lẩu ấm cúng. Lẩu cá do đó nhiễm nhiên trở thành món lẩu rất được ưa chuộng vào dịp Tết.
Mặc dù vậy, đây là những món ăn khoái khẩu ẩn chứa nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe. Tất cả đều bắt nguồn từ cá sống, cá chưa chín kỹ.
Ăn gỏi cá, lẩu cá chưa chín kĩ có nguy cơ bị nhiễm giun sán cực cao
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội), gỏi cá hay lẩu cá đều làm từ nguyên liệu cá tươi, đem lọc thịt cá sống rồi tiến hành tẩm ướp. Đây đều là những món ăn khoái khẩu, được nhiều người thích thú ăn vào đầu năm mới nhưng cần cẩn trọng vì nguy cơ nhiễm sán cực cao.
Ở góc độ vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyên gia nhận định, cá là thủy sản do đó rất dễ bị nhiễm khuẩn và ký sinh trùng có hại từ trong nguồn nước. Nếu không may ăn phải các sinh vật có hại này vào cơ thể sẽ gây ra các bệnh về đường ruột. Tuy nhiên, lại có một số người dân có thói quen và thậm chí là "nghiện" ăn cá tái sống dù được cảnh báo nhiều lần.
"Ngay cả với những nước rất sạch về mọi thứ, nổi tiếng với đồ ăn thủy sản sống như Nhật Bản cũng vẫn bị nhiễm độc chất nguy hiểm như thường. Huống hồ, ở nước ta thì không kiểm chứng được cá nuôi thế nào, nguồn nước có sạch không...", chuyên gia cho hay.
Theo TS Từ Ngữ (Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam), những loại cá nước ngọt như cá trê, cá quả, lươn sẽ chứa nhiều ấu trùng giun, sán. Cá diếc, cá trắm, cá chép mang ấu trùng sán lá gan nhỏ và cua, tôm chứa ấu trùng sán lá phổi.
Còn các loại cá biển như cá mực, cá thu, cá mòi, cá hồi... chứa rất nhiều ấu trùng giun tròn. Loại ấu trùng, ký sinh trùng này có thể gây nên các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, thậm chí dẫn đến tắc ruột, viêm ruột, loét dạ dày...
Khi ăn lẩu cá, làm gỏi cá, người dân thường lựa chọn cá nước ngọt, cá tươi để đảm bảo độ thơm ngon, đúng vị. Tuy nhiên, dù là cá nước ngọt hay nước lợ đi chăng nữa, những loại cá này đều ẩn chứa nguy cơ nhiễm sán cao.
"Nhất là khi sử dụng ở những món dạng gỏi, cá thường không được làm chín chứ đừng nói đến chuyện được làm chín kỹ, lại được nuôi ở môi trường nước bị ô nhiễm thì nguy cơ nhiễm sán là điều không thể tránh khỏi", chuyên gia nhận định.
Riêng với món lẩu cá, mặc dù nhúng nước ở dạng đun sôi nhưng cũng không loại bỏ 100% nguy cơ nhiễm sán. Bởi lẽ, nhiều người có thói quen nhúng thịt cá sơ qua rồi thưởng thức để cá thơm ngọt hơn. Thói quen này cũng vô tình khiến sán làm tổ trong cơ thể.
Theo giới chuyên gia, để phòng tránh nguy cơ nhiễm sán từ việc ăn gỏi cá, lẩu cá ngay trong thời gian nghỉ Tết, người ăn cần phải thường xuyên quan sát thật kỹ. Sán là loại ký sinh trùng thường thấy trên cá sống, dễ phát hiện bằng mắt thường. Do đó, bạn luôn phải đề cao cảnh giác, luôn quan sát kĩ thịt cá trước khi cho vào miệng. Đó là lời khuyên dành cho những người thèm ăn gỏi cá, lẩu cá đến vô cùng.
Còn không, giới chuyên gia khuyến cáo tốt nhất là tuyệt đối không nên ăn cá sống. Đối với gỏi cá, người ta tẩm ướp gia vị vào cá, áp dụng các biện pháp truyền thống như vắt chanh, chế giấm vào các lát cá... đều không diệt được giun sán, kể cả uống rượu mạnh cũng không có tác dụng. Đối với lẩu cá, thả thịt cá vào nhúng một cái rồi ăn ngay cũng có nguy cơ nhiễm giun sán chẳng kém gì.
Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh, cách tốt nhất và hữu hiệu nhất là chỉ ăn cá đã được nấu nướng thật chín. Tốt nhất không nên ăn gỏi cá, lẩu cá nhúng chưa chín kỹ. Trước khi chế biến cá cần lựa chọn cá sạch, tươi, được nuôi từ những vùng nước đảm bảo, nắm rõ nguồn gốc, xuất xứ để tránh mua phải cá bẩn, nguy cơ nhiễm giun sán nhiều hơn. Khi chế biến nên thái thịt cá thật mỏng. Với gỏi cá nên hạn chế tối đa ăn. Nếu ăn cũng cần lựa chọn nguyên liệu kỹ càng. Với lẩu cá nên nhúng thịt cá cho chín hẳn rồi thưởng thức để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.