Ngày cuối cùng của năm cũ: Tâm điểm của sự tất bật, đậm đà hương vị Tết và triết lý "đêm ba mươi" đầy sâu sắc

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Theo dân gian, ngày ba mươi chính là ngày tất bật, sôi động và đậm đà hương vị Tết nhất. Và theo lẽ thì Ba mươi - ngày cuối cùng của năm cũ chính là ngày vui nhất trong dịp Tết Nguyên đán!

Ba mươi Tết - ngày vui nhất của Tết Nguyên đán

Đối với người Việt Nam, "Tết" đã trở nên vô cùng thân thuộc. Từ "Tết" xuất hiện từ trong những câu ca dao, tục ngữ mộc mạc, từ trong những câu chuyện thường ngày đến lời khấn vái trước bàn thờ linh thiêng...

Đặc biệt là ngày Ba mươi Tết - thời điểm giao nhau của năm cũ và năm mới, đây cũng là thời khắc được coi là “tiêu điểm” của sự tất bật, sôi động và đậm đà hương vị Tết nhất. 

"Ba mươi Tết" - Ngày cuối cùng của năm cũ, "tiêu điểm" của sự tất bật và đậm đà hương vị Tết - Ảnh 1.

Cả gia đình quây quần chuẩn bị cho ngày 30, dù bận rộn nhưng đó là khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa.

Sự háo hức về bữa cơm tất niên sum vầy và mong muốn chuẩn bị chu đáo cho những ngày Tết nguyên đán khiến hầu hết các gia đình Việt Nam đều bận rộn. 

Nếu tháng Chạp mà thiếu, thì ngày 29 kia sẽ vào vai “Ba mươi”. Mọi công việc, sắm sanh tu sửa, nghi lễ... đều nhằm cái “tiêu điểm” này làm chuẩn. Người ta tạm dừng công việc thường ngày, hối hả làm thật nhiều các món ăn đặc trưng, chỉ Tết mới có (giò nem ninh mọc, bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả), dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa lễ vật và lau chùi sạch sẽ đồ thờ cúng,... Con cháu ở xa cũng thu xếp về trước (hoặc trong) ngày 30 để kịp đón giao thừa. 

Dù chuẩn bị đón Tết sung túc hay đạm bạc thì những cảm xúc thiêng liêng về một ngày cuối năm đoàn tụ cùng gia đình, trang trí nhà cửa, sắm sửa lễ vật cũng làm cho văn hóa Tết cổ truyền trở nên đặc biệt, không thể phai mờ trong tâm trí mỗi chúng ta. Và cũng vì những lẽ đó, mà Ba mươi - ngày cuối cùng của năm cũ – chuyển giao năm mới chính là ngày vui nhất trong dịp Tết Nguyên đán.

"Ba mươi Tết" - Ngày cuối cùng của năm cũ, "tiêu điểm" của sự tất bật và đậm đà hương vị Tết - Ảnh 2.

Cúng Giao thừa - thời khắc tất cả đón nhận sự chuyển giao.

Tết là dịp mọi người, mọi nhà cùng nhau đoàn tụ, sum vầy. Dù hối hả, bận rộn trong ngày 30 Tết nhưng đó là thời điểm hết sức đầm ấm, gắn kết và chan chứa tình cảm gia đình, in dấu trong sâu thẳm tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, lắng đọng thành “miền nhớ” da diết mỗi khi đi xa. Để rồi khi Tết đến, Xuân về, “miền nhớ” đó lại giục giã mỗi người “dù đi xa đến đâu cũng vẫn cố bước chân mau quay về”.

Triết lý "đêm ba mươi"

Như đã nói, ngày lễ Tết từ lâu đã đi vào thơ văn, ca dao tục ngữ với ý nghĩa không chỉ là lời chúc tốt đẹp mà còn ẩn chứa những triết lý, lối sống lành mạnh, sâu sắc, phù hợp với văn hóa, con người Việt Nam:

Khôn ngoan đến cửa quan mới biết

Giàu có Ba mươi Tết mới hay

Và câu nói "Ba mươi chưa phải là… Tết" mà chúng ta thường nghe trong mỗi dịp Tết đến xuân về chính là đại ý rút gọn của 2 câu ca dao trên. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của câu nói này!

"Ba mươi Tết" - Ngày cuối cùng của năm cũ, "tiêu điểm" của sự tất bật và đậm đà hương vị Tết - Ảnh 3.

"Ba mươi chưa phải là… Tết" không chỉ đơn thuần là một câu tục ngữ mà còn có ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống mà mỗi người có thể học hỏi.

Trong Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc toàn tập có kể lại một câu chuyện ngụ ngôn về một anh học trò nghèo. Ngày ấy, hễ anh đi qua một ngôi đền thờ gần nơi học thì y như rằng trong đền nọ có tiếng chuyển động như ai đó muốn cất lời chào hỏi. Mà đền thì vắng tanh vắng ngắt. Còn người giữ đền liên tục nằm mơ thấy thần báo mộng rằng có quan lớn vãn cảnh đền của ông. Ông cứ chờ hoài mà chẳng thấy “vị quan” nào đến sất. Thay vì quan lớn đến thăm như thần báo trước chính là anh học trò nghèo kia. 

Quá lạ lùng, ông từ bèn kể chuyện này với nho sinh nọ và không quên nói rằng: “Thầy sau sẽ làm nên nghiệp lớn đó. Thần báo cho tôi mấy lần rồi”. Anh học trò kia mừng rỡ, hí hửng ra mặt. Thay vì phải tiếp tục chăm lo đèn sách, anh bỗng nhiên trở nên hợm hĩnh kiêu căng. Anh chê cô vợ của mình “vừa xấu vừa đen”, từ đó rắp tâm tìm cách ruồng rẫy cô vợ ăn đời ở kiếp với mình. 

“Mình mà đỗ rồi, mình phải bỏ nó đi để lấy một cô vợ thật xinh đẹp”. Mấy hôm sau, có người hàng tổng đến đòi nợ. Anh ta không trả, còn lớn tiếng: “Ta chưa có mà giả. Chớ nên cậy giàu vội. Khoa này ta sắp đỗ rồi, ta sẽ lấy vườn đất các người đấy...”. Thần thấy vậy giận lắm, bèn quyết định xóa tên anh ta trong sổ đăng khoa vì kẻ kia đã “vị đắc ý, cố thất đức (chưa được như ý đã mất đức)”. 

Nói về ý nghĩa đằng sau câu nói "Ba mươi chưa phải là Tết" thông qua câu chuyện ngụ ngôn kia, PGS.TS Phạm Văn Tình - Nguyên Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, đó không chỉ là một lối sống theo kiểu ăn non, ăn xổi mà còn là một cách ứng xử thiếu văn hóa, không phù hợp với một phong cách sống lành mạnh về việc muốn đạt tới mục đích thì phải lao động, phấn đấu cho xứng đáng. Mà khi đến được đích rồi cũng nên có một cách ứng xử sao cho hợp lẽ đời - một triết lý sống tích cực mà cũng vô cùng sâu sắc.

Chia sẻ