Ngành học nghe tên thôi đã thấy ngưỡng mộ, nhân lực năm nào cũng trong tình trạng khan hiếm nhưng vẫn bị nhiều sĩ tử bỏ qua vì suy nghĩ sai lầm này

Hạ Uyên,
Chia sẻ

Một ngành học lọt top 6 ngành được quan tâm nhất trong tương lai, ra trường được săn đón, chức danh thì khiến nhiều người ngưỡng mộ... nhưng vì sao nhân lực năm nào cũng "cung không đủ cầu"?

Cùng với Điều dưỡng; Nghệ thuật ẩm thực; Khoa học máy tính... Tâm lý học là 1 trong 6 ngành học được ưa chuộng trong tương lai. Dự kiến trong 10 năm tới, cơ hội việc làm cho ngành này có thể tăng 14%. Trong khi đó, ở Việt Nam, nhu cầu nhân lực thực tế hằng năm ở riêng khu vực phía Nam lớn gấp chục lần số sinh viên các trường ĐH có đào tạo ngành này ra trường. 

Chính đời sống ngày càng phát triển, con người ngày càng tất bật và lo toan khiến tinh thần thường bị áp lực, dễ trầm cảm, các bệnh về rối loạn tâm lý tăng cao đã khiến vị thế của ngành tâm lý học đang được củng cố mỗi ngày tại Việt Nam. Ngành tâm lý học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong vai trò giúp con người có một tinh thần khỏe mạnh.

Ngành học nghe tên thôi đã thấy ngưỡng mộ, nhân lực năm nào cũng trong tình trạng khan hiếm nhưng vẫn bị nhiều sĩ tử bỏ qua vì suy nghĩ sai lầm này - Ảnh 1.

Ngành tâm lý học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong vai trò giúp con người có một tinh thần khỏe mạnh. (Ảnh minh họa)

Theo học ngành Tâm lý học, các bạn sẽ được đào tạo từ những kiến thức cơ sở tới nâng cao về lĩnh vực tâm lý như: Tâm lý học giao tiếp, tâm lý học gia đình, tâm lý học lao động, tâm lý học giáo dục, liệu pháp nhận thức hành vi, tham vấn học đường, các chuyên đề về tệ nạn xã hội, chuyên đề về xử lý tình huống trong đời sống…

Học Tâm lý học không phải chỉ để trở thành Bác sĩ tâm lý

Khi nhắc đến những vấn đề về tâm lý của con người, một bộ phận lớn người Việt sẽ có xu hướng đánh đồng chúng với "bệnh". Từ lối suy nghĩ này, cơ hội nghề nghiệp của ngành tâm lý học trở thành một mối lo ngại. Ít ai dám theo đuổi ngành này vì vẫn còn nghĩ hướng đi duy nhất cho những ai theo học là trở thành một "bác sĩ tâm lý".

Một trong những ứng dụng chính của Tâm lý học là hỗ trợ những người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần. Tuy rằng trị liệu tâm lý là một nhánh lớn của Tâm lý học nhưng đó không phải điều duy nhất mà các nhà tâm lý học làm. Nhiều nhà tâm lý không hề làm việc trong ngành sức khỏe tâm thần. Họ có thể có mặt trong mọi lĩnh vực, từ sư phạm, nghiên cứu đến tư vấn.

Ngành học nghe tên thôi đã thấy ngưỡng mộ, nhân lực năm nào cũng trong tình trạng khan hiếm nhưng vẫn bị nhiều sĩ tử bỏ qua vì suy nghĩ sai lầm này - Ảnh 2.

Tuy rằng trị liệu tâm lý là một nhánh lớn của Tâm lý học nhưng đó không phải điều duy nhất mà các nhà tâm lý học làm. (Ảnh minh họa)

Hiện nay có rất nhiều thầy cô tâm lý học trở thành thần tượng của giới trẻ cũng bởi sự "nhạy cảm" trong nghề nghiệp đã giúp họ nắm bắt và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhiều thanh thiếu niên, đặc biệt là lứa tuổi mới lớn trong xã hội…

Những người được đào tạo cơ bản về Tâm lý học có thể tham gia vào rất nhiều lĩnh vực: Nhà tâm lý học đường; Nhà trị liệu tâm lý; Chuyên viên tham vấn; Nhà tâm lý học hoặc theo đuổi các công việc ở doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ sau khi ra trường ở các bộ phận như nhân sự (tuyển dụng, phúc lợi, tập huấn), truyền thông - marketing (nghiên cứu thị trường, quan hệ công chúng, quảng cáo) hay kinh doanh (bán hàng, chiến lược).

Lúc này, sẽ có sự khác biệt về mức lương sinh viên được nhận, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí địa lý, khu vực làm việc, nền giáo dục và số năm kinh nghiệm làm việc. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, những người làm trong lĩnh vực Tâm lý học đã và sẽ luôn yên tâm về mức lương, chế độ đãi ngộ vì ngành học này gần như các loại máy móc không thể thay thế được trong thời đại công nghệ.

Học ngành tâm lý cần những tố chất nào?

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng muốn học ngành tâm lý và trở thành một chuyên gia giỏi, người học cần nhạy cảm, tinh tế, nhẹ nhàng: "Đây là nghề chăm sóc, hỗ trợ tinh thần cho người khác. Ngoài ra, phải có tâm hồn phóng khoáng, tấm lòng vị tha, độ lượng, không toan tính. Trong quá trình làm việc, sử dụng trí tuệ cảm xúc nhiều hơn trí tuệ logic. Khả năng giao tiếp, ngôn ngữ hoạt bát cũng là điều cần thiết để làm việc thành công".

Ngành học nghe tên thôi đã thấy ngưỡng mộ, nhân lực năm nào cũng trong tình trạng khan hiếm nhưng vẫn bị nhiều sĩ tử bỏ qua vì suy nghĩ sai lầm này - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, người làm nghề tâm lý còn cần có kiến thức phong phú về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, có hiểu biết rộng về các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội hàng ngày. Phải chịu được áp lực cao trong công việc, rèn luyện tính kiên nhẫn...

Như những ngành học khác, Tâm lý học không phải là một ngành học dễ dàng, nhưng với thái độ nghiêm túc, người học sẽ đạt được những phần thưởng xứng đáng.

Một số trường đào tạo ngành Tâm lý học có thể tham khảo:

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM

Đại học Sư phạm TP.HCM

Đại học Sư phạm Hà Nội

Đại học RMIT (Toàn bộ chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh. Sinh viên sẽ học tập với các giảng viên, các nhà nghiên cứu tâm lý được chứng nhận quốc tế ở Melbourne).

Đại học Văn Hiến

Đại học Văn Lang

Đại học Công nghệ TP.HCM

Sinh viên nói gì về ngành Tâm lý học?

Bạn Đinh Võ Phương Thanh (Sinh viên khoa Tâm lý học Đại học KHXH&NV ĐHQG TP.HCM): Em chọn Tâm lý học là vì muốn đồng hành trên hành trình hạnh phúc của người khác nhưng bằng cách tiếp cận khoa học hơn và đồng thời cũng muốn thấu hiểu hơn về chính mình cũng như các mối quan hệ xung quanh.

Phương Thanh là sinh viên khoa Tâm lý học Đại học KHXH &NV TP.HCM.

Nhiều người nói ngành Tâm lý khó xin việc làm nhưng hiện nay vấn đề bảo vệ và nâng cao sức khoẻ tinh thần đã được nhìn nhận đúng hơn; thế nên các bạn không cần phải sợ thất nghiệp vì có rất nhiều cơ hội việc làm cho một sinh viên tốt nghiệp ngành Tâm lý.

Có thể làm nhân viên Tâm lý tại các bệnh viện, tại phòng tham vấn bên ngoài, phòng Tham vấn học đường tại các trường học, các trung tâm, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người khuyết tật, trẻ em. Ngoài ra, khoa Tâm lý trường ĐH KHXH&NV bên cạnh chuyên ngành Tham vấn Trị liệu thì còn có chuyên ngành Nhân sự, sinh viên sẽ có thể làm việc tại các doanh nghiệp, tập đoàn. Như thầy trưởng khoa của em đã nói, những người học Tâm lý có thể làm việc ở bất cứ đâu có sự tương tác giữa người với người.

Sau 2 năm học Tâm lý ở Nhân văn em nhận được rất nhiều điều nhưng quan trọng nhất là cách suy nghĩ, tư duy khoa học; khả năng hiểu và tôn trọng những khác biệt, kỹ năng ứng phó với những áp lực trong cuộc sống.

Tâm lý học ở Việt Nam vẫn còn non trẻ nên việc tiếp cận thông tin vẫn còn nhiều khó khăn, nếu muốn nâng cao kiến thức chuyên ngành thì phải đọc thêm nhiều sách giáo trình, các bài nghiên cứu khoa học bằng tiếng anh. Em tin chắc ngành học nào cũng có những khó khăn nhưng nếu ta nghiêm túc, nỗ lực thì sẽ luôn có nhiều cơ hội đón chờ.

Ngành học nghe tên thôi đã thấy ngưỡng mộ, nhân lực năm nào cũng trong tình trạng khan hiếm nhưng vẫn bị nhiều sĩ tử bỏ qua vì suy nghĩ sai lầm này - Ảnh 5.

 

Chia sẻ