Nếu một ngày mất đi tiếng nói, chỉ xin ông Trời cho con nói thêm một câu: Con cảm ơn bố mẹ rất nhiều!

Bảo Yến,
Chia sẻ

Nếu bạn không tin rằng có thứ gọi là phép màu hay điều kỳ diệu tồn tại trong cuộc sống này, vậy thì câu chuyện mà "Tôi muốn được lắng nghe..." mang đến hôm nay nhất định sẽ khiến bạn thay đổi suy nghĩ.

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt hơn nhiều người, em Đặng Xuân Chinh - nhân vật trong đoạn confession của We Are Family - Con mơ điều giản dị lần này - sớm đã thấu hiểu được nỗi lòng cũng như công ơn trời biển của hai đấng sinh thành. Sau khi nghe xong lời tâm sự của Chinh, chắc chắn sẽ có rất nhiều người nhận ra đây chính là chàng trai người Nam Định từng xuất hiện trong chương trình "Điều ước thứ 7" với mong ước giản dị là được một lần đưa bố mẹ đi chơi công viên. "Bố mẹ em là ông bụt, bà tiên" - Đó là điều mà Chinh đã nói trước rất nhiều người trong chương trình truyền hình ngày hôm ấy khi kể về điều kỳ diệu mà bố mẹ đã mang đến cho mình. Với những người không tin rằng có thứ gọi là phép màu hay điều kỳ diệu tồn tại trong cuộc sống này, câu chuyện của Chinh và những gì bố mẹ đã làm nhất định sẽ khiến họ phải thay đổi suy nghĩ. 


"Trong bốn năm tuổi thơ, con chỉ biết khóc, không biết nói như những đứa trẻ khác. Bố mẹ đã kiên trì dạy con nói, dạy con đi những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. Bố mẹ luôn hi vọng vào một ngày con có thể nói bình thường, bước những bước đi như những đứa trẻ khác..." Ngay từ khi vừa lọt lòng, số phận đã không dưới một lần thử thách Chinh và bố mẹ em. Sau hai lần chết hụt, đến tận 4 tuổi em vẫn chưa biết nói, biết cười hay biết đi, cứ khóc ngằn ngặt cả ngày lẫn đêm. Chỉ nói đến đây thôi, người ta cũng hình dung được những tháng ngày nuôi con đối đối với bố mẹ Chinh vất vả đến thế nào. Đó thực sự là một cuộc chiến không cân sức khi hàng ngày họ đều phải giành giật với tử thần, tìm cách chống lại sự an bài của số phận. Thế nhưng dù vất vả đến đâu, cha mẹ em vẫn không bỏ cuộc mà cứ kiên trì dạy con từng chút.

waf01

Thế rồi, niềm tin và sự nỗ lực của họ cũng tạo nên điều kỳ diệu: "Và rồi con cũng đứng lên bằng đôi chân của con. Tuy con không nói sõi như người ta nhưng con biết đó là một điều thực sự kỳ diệu với con. Nếu bố mẹ không kiên trì, không hi vọng thì con không có như ngày hôm nay..." Bạn tin chưa? Phép màu là có thực! Và "ông bụt", "bà tiên" tạo ra phép màu không chỉ có trong cổ tích!

waf02

Hiện tại, Đặng Xuân Chinh đã là sinh viên của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Hà Nội. Dù còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống đã mỉm cười với em khi xung quanh luôn có sự ủng hộ và động viên của gia đình, thầy cô, bè bạn. Dù vậy, trong lòng Chinh vẫn luôn tồn tại một nỗi sợ. Nỗi sợ đó đi theo em ngay cả trong giấc mơ: "Con đã từng mơ thấy con không còn biết nói nữa. Con giật mình tỉnh giấc nhưng đó chỉ là mơ. Con hoảng. Nếu mà có những giây phút đấy - giây phút con mất đi tiếng nói, thì con chỉ mong ông Trời để lại cho con một câu thôi, để lại cho con để con nói. Trong suốt phần đời còn lại này, con cám ơn bố mẹ rất nhiều. Chỉ một câu ấy thôi!" Chinh từng không thể nói được, và em sợ điều đó sẽ xảy đến với mình một lần nữa. Dường như cuộc sống khắc nghiệt đã tôi luyện cho em lòng quả cảm, làm em lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng đón nhận mọi điều đến với mình. Chinh đã nghĩ tới giả thiết nếu một ngày bị tước đi tiếng nói, thì chỉ xin ông Trời cho em được nói với bố mẹ một câu thay cho suốt phần đời còn lại: Con cảm ơn bố mẹ rất nhiều! Chúng tôi - những người thực hiện chiến dịch tin rằng nỗi lo lắng trong lòng em là có thật. Bởi vậy Chinh mới tìm đến "Tôi muốn được lắng nghe..." để lưu lại những lời yêu thương dành cho bố mẹ mình. 

waf03

Sau khi thực hiện đoạn clip, ekip đã nán lại để trò chuyện thêm với Chinh - chàng trai giàu tình cảm, hiếu thảo và có đôi mắt rất sáng.

Qua lời Chinh chia sẻ trong đoạn confession và qua những gì chúng tôi biết được qua truyền hình, báo chí, hình ảnh bố và mẹ của em hiện lên với những phẩm chất vô cùng tuyệt vời: yêu thương con vô điều kiện, tần tảo, kiên trì. Ngoài những điều đó ra, em có thể cho biết thêm những đức tính khác của họ hay không?

Bố và mẹ em đều là những người nông dân chăm chỉ, cần cù, chất phác. Bố luôn là người tạo ra tiếng cười trong nhà nhưng thực chất lại là người khá trầm tính, ít bày tỏ cảm xúc ra ngoài. Mẹ em là người phụ nữ hiền hậu, không lúc nào là không lo toan, thu vén cho gia đình. Mọi người khi mới tiếp xúc thường thấy em giống bố nhưng tìm hiểu kỹ hơn sẽ thấy em khá giống mẹ trong việc chi tiêu.

Em hãy kể đôi nét về những ngày ấu thơ bên bố mẹ? Quãng thời gian đó đối với em và gia đình hẳn là rất vất vả?

Khi đó em còn nhỏ quá nên chưa thể nhận thức và ghi nhớ những gì xảy ra xung quanh. Em chỉ biết đến thời thơ ấu của mình qua lời kể của người thân. Khi lên 4, em chưa biết đi, chẳng biết nói lại hay đau ốm nên gia đình gặp nhiều khó khăn. Bố em khi đó phải xa quê hương, xa gia đình để làm ăn, chỉ có mẹ ở nhà chăm sóc cho em. Em nghe bà kể lại những ngày đó mẹ chỉ ăn rau muống với cơm, có khi phải sang nhà bà vay gạo để ăn mới có sữa cho em bú. Nghe bà kể vậy em thấy thương mẹ lắm!

Lớn hơn một chút, em bắt đầu cảm nhận được thế giới xung quanh và được đi học. Nhưng thế giới của em nhỏ bé lắm, chỉ vỏn vẹn trong góc lớp, cách biệt hoàn toàn với các bạn bên ngoài. Thấy các bạn chơi đùa vui vẻ, em rất muốn chơi cùng nhưng không được. Vì hồi đó em còn là một thằng ngố mà! Tuy nhiên những ký ức đó đã trở thành động lực để em phấn đấu vươn lên. 

Hãy kể lại một kỷ niệm với bố mẹ mà em nhớ nhất?

Có lẽ đó là lần bố lặn lội vào bệnh viện chỉ để ru em ngủ.

Ngày biết tin con trai đỗ vào Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, phản ứng của bố mẹ em thế nào? 

Khi em báo tin, bố mẹ cứ ngỡ ngàng rồi hỏi đi hỏi lại: "Có thật không?". Khi cầm giấy báo đỗ trên tay, em thấy nụ cười híp mí vì hạnh phúc của cả bố và mẹ. Mẹ em còn rơm rớm nước mắt. 

Hiện em đang học Đại học xa nhà. Trong khoảng thời gian này, em có thường xuyên về thăm nhà, thăm bố mẹ? Mỗi lần về với họ, cảm xúc của em ra sao?

Khi mới lên Hà Nội học, mọi thứ với em xa lạ lắm! Em hay bị lạc đường. Cuộc sống sinh hoạt cũng khó khăn vì phải sống xa vòng tay bảo vệ và nâng niu của bố mẹ. Đến bữa cơm, em lại cảm thấy trống trải. Nhớ bố mẹ, thế là em cứ vừa ăn vừa khóc. (Em dễ khóc nhưng cũng dễ cười lắm). Có lúc em phải ôm gối để khóc to thì hàng xóm cũng không biết. Mỗi lần được trở về nhà, lòng em nhẹ hơn hẳn vì tạm thời được xa rời những lo toan của cuộc sống sinh viên. Về với vòng tay của bố mẹ lúc nào em cũng cảm thấy ấm áp. Em vui và hạnh phúc khi lại được tâm sự, được nghe những lời dạy bảo của bố mẹ và nô đùa cùng em gái.

Được biết bố mẹ em rất ít khi thể hiện tình cảm qua lời nói, vậy còn em thì sao? Trước khi thực hiện đoạn clip này, em đã từng nói với bố mẹ rằng em yêu và biết ơn họ?

Có chứ ạ! Trước khi em bộc lộ tình cảm với bố mẹ lần đầu tiên thì các cuộc hội thoại trước đó chủ yếu đều xoay quanh việc học hành và những lời căn dặn của bố mẹ. Nhưng từ sau lần em mạnh dạn nói ra đó, bố mẹ bắt đầu tâm sự với em nhiều thứ hơn. Em cảm nhận được rằng mối liên kết giữa em và bố mẹ ngày càng trở nên bền chặt. Nếu không tin, anh chị và các bạn hãy thử một lần nói lời yêu thương tới bố mẹ mình, em tin chắc họ sẽ rất cảm động và về sau sẽ chủ động tâm sự với với con cái nhiều hơn.

Cám ơn Chinh về câu chuyện cực kỳ ý nghĩa và gây xúc động của em!

"Hãy trân trọng những thứ xung quanh trước khi nó rời xa ta!" - Đó là thông điệp cuối cùng mà chàng trai đầy nghị lực Đặng Xuân Chinh muốn nhờ We Are Family và Humans Of Hanoi nhắn gửi tới tất cả mọi người. Thật tình cờ khi câu chuyện của em được lên sóng vào đúng tháng Vu Lan - dịp để những người con có cơ hội báo hiếu cha mẹ. Chinh đã dám nói với bố mẹ lời cám ơn sâu sắc từ tận đáy lòng. Còn bạn, bạn có dũng khí như chàng trai ấy?
Chia sẻ