Nếu cũng mắc căn bệnh như người phụ nữ này, đừng dại ăn món rau trộn cá ngừ nếu không muốn rước họa vào thân

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Thấy sức khỏe đã ổn sau thời gian dài điều trị, người phụ nữ thử ăn món rau trộn cá ngừ và lên cơn khó thở nặng chỉ vài giờ sau đó.

Mới đây, phòng khám Hen - COPD, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) đã tiếp nhận điều trị cho người bệnh N.T.C.V. (56 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Bà V. được chẩn đoán mắc hen phế quản kèm theo viêm mũi dị ứng và chàm, phải dùng thuốc nhiều năm nay.

Với cơ địa dị ứng, bà V. được bác sĩ khuyên không ăn các loại thức ăn như tôm, một số loại cá nước mặn và mực.

Tuy nhiên trong một lần ăn uống gần đây, bà thấy sức khỏe của mình ổn nên đã thử ăn món rau trộn cá ngừ (một loại cá nước mặn). Sau khi ăn vài giờ, bà lên cơn khó thở nặng.

Tại BV, người bệnh được nhanh chóng cho thở oxy, phun khí dung dãn phế quản, sử dụng các thuốc cấp cứu khác và theo dõi tình trạng sức khỏe.

Do đi khám kịp thời nên người bệnh được xử lý cấp cứu nhanh chóng, hiệu quả. Sau 6 giờ theo dõi, người bệnh khỏe hoàn toàn, được xuất viện để điều trị ngoại trú và hẹn tái khám sau 3 ngày.

Một trường hợp khác là em N.V.B. (14 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp) vừa phải đến BV ĐHYD cấp cứu trong tình trạng ho nhiều, khó thở và khò khè.

Được biết cách đây 1 năm, B. được chẩn đoán mắc hen suyễn và điều trị tại địa phương. Hơn 2 tháng nay, thấy sức khỏe của em ổn, bố mẹ cho em ngưng dùng thuốc kê theo toa mỗi ngày của bác sĩ vì sợ dùng nhiều sẽ bị tác dụng phụ.

Sau 2 tuần ngưng thuốc, em B. bị khó thở hơn phải nghỉ học. Gia đình liền lấy thuốc dự phòng cho em dùng nhưng triệu chứng không giảm. Sau đó, em B. ho nhiều và khó thở nặng phải nhập viện cấp cứu.

Ngay sau khi nhập viện, em B. được cho thở oxy, phun khí dung thuốc dãn đường thở, tiêm thuốc corticoid. Sau cấp cứu, em phải nằm viện thêm 3 ngày để điều trị và theo dõi sức khỏe. 

Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân khiến tình trạng của em B. diễn tiến xấu hơn là do em tự ý ngưng thuốc và không biết cách sử dụng thuốc cắt cơn hen đúng lúc.

TS BS. Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp BV ĐHYD cho biết, hen suyễn là một bệnh mạn tính đòi hỏi phải điều trị lâu dài, phần lớn thời gian điều trị diễn ra tại nhà thông qua việc người bệnh sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, chủ động tránh các yếu tố bất lợi cho bệnh và xử lý các cơn hen cấp nhẹ nếu xảy ra.

Do vậy, bệnh hen có được kiểm soát tốt hay không, tình trạng cấp cứu hay tử vong có xảy ra hay không phụ thuộc rất lớn vào việc tuân thủ điều trị tại nhà của người bệnh.

Bị căn bệnh như người phụ nữ này, đừng dại ăn món rau trộn cá ngừ nếu không muốn rước họa vào thân - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị hen suyễn.

Tuy nhiên trên thực tế đã có không ít người bệnh phải nhập viện cấp cứu vì không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Không sử dụng thuốc theo toa, sử dụng thuốc cắt cơn thường xuyên mà không dùng thuốc dự phòng, tự ý ngưng thuốc, không tránh các loại thực phẩm hoặc các yếu tố môi trường có thể gây hại… là những sai lầm thường gặp ở người bệnh hen suyễn.

TS.BS. Nguyễn Như Vinh khuyến cáo, trong quá trình điều trị bệnh hen, nếu người bệnh ho thành tràng dài, khò khè và khó thở thì cần nhận biết đây là các triệu chứng cho thấy người bệnh có thể bị lên cơn hen cấp.

Khi đó cần dùng thuốc cắt cơn theo hướng dẫn của bác sĩ để làm dứt hoặc giảm các triệu chứng, nên lặp lại thuốc cắt cơn mỗi 15-20 phút nếu triệu chứng chưa giảm.

Khi đã dùng thuốc cắt cơn 3 lần (trong vòng 1 giờ) mà triệu chứng không được cải thiện (hoặc nặng hơn sau 1-2 lần cắt cơn đầu tiên) thì phải nhanh chóng liên hệ bác sĩ điều trị và đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Trên đường di chuyển nên tiếp tục sử dụng thuốc cắt cơn mỗi 15-20 phút cho đến khi triệu chứng giảm đáng kể hoặc khi đến được cơ sở y tế.

Chia sẻ