Nếu con chuyên phá luật, không nghe lời, có thể bạn đang sở hữu một "báu vật"
Tôi phải thú nhận rằng, đôi lúc tôi ghen tỵ với bạn bè mình vì có những đứa con biết cẩn trọng, biết cảnh giác, biết tuân thủ quy tắc.
Lần đầu làm mẹ, tôi thực sự ghét những lớp học kiểu Mommy and Me (Các bà mẹ và tôi). Điều tôi ghét nhất ở những lớp học này là khoảng thời gian mọi người ngồi quây tròn bên nhau trò chuyện, chia sẻ và tôi chỉ muốn điên lên mỗi lúc như vậy. Nó chẳng khác nào dấu chấm hết cho sự tồn tại của tôi. Nó khiến tôi trở nên quẫn trí.
Trong khi những đứa trẻ ngồi im lặng trong lòng cha mẹ, hát các bài hát và vỗ tay, con trai tôi chạy như một… gã điên tới mọi ngóc ngách của phòng tập thể dục. Bất kể bao nhiêu lần tôi đã nói với con rằng, con được kỳ vọng phải ngồi yên một chỗ, thằng bé vẫn cứ muốn chạy nhảy, leo trèo và khám phá.
Con tôi không muốn ngồi xuống hay tuân theo các quy định của bạn. Thằng bé luôn có kế hoạch riêng của mình trong đầu. Quy định cho khoảng thời gian tập trung theo vòng tròn để trò chuyện và chia sẻ sao? Thắng bé chẳng cần.
10 năm thoáng chốc trôi mau và cậu bé con luôn tự do trong mọi suy nghĩ và chẳng bao giờ chịu tuân theo bất cứ quy tắc nào vẫn cứ tiến bước theo nhịp trống riêng của mình và con trai thứ hai của tôi cũng chẳng khác gì. Hai anh em luôn vượt qua giới hạn và phớt lờ quy tắc. Chúng tìm cách lách luật. Nếu hai đứa thấy một hàng rào, chúng không nghĩ: “Không được bước vào”. Chúng nghĩ: “Làm thế nào để vượt qua cái hàng rào này nhỉ?”. Hai đứa luôn khiến tôi điên đầu.
Nuôi dạy những đứa trẻ ý chí mạnh mẽ, độc lập và không coi trọng quy tắc không dành cho những trái tim mềm yếu. Bởi nó là một công việc khiến bạn kiệt sức, nản lòng và rối bời tơi tả. Tôi liên tục rơi vào trạng thái lặp đi lặp lại những câu nhắc nhở ngớ ngẩn: “Không” và “Cẩn thận con”. Tôi cần hai mắt ở phía trước, phía sau và hai bên đầu tôi. Và như thể tôi phải xăm cả câu “Bởi vì mẹ nói thế” lên trán mình.
Tôi phải thú nhận rằng, đôi lúc tôi ghen tỵ với bạn bè mình vì có những đứa con biết cẩn trọng, biết cảnh giác, biết tuân thủ quy tắc. Đó là những bé mới chập chững biết đi nhưng luôn chờ đợi cha mẹ trước khi biến mất nhanh như sóc vào một cửa hiệu đông đúc. Đó là những bé tới tuổi đi mẫu giáo không bao giờ rời khỏi sân sau nhà mình. Đó là những cô cậu học sinh tiểu học chỉ nới rộng giới hạn khi nhận được cái gật đầu đồng ý từ cha mẹ. Có nhiều hơn 1 lần, tôi chỉ muốn hét lên: “Tại sao các con lại không thể tuân theo những quy tắc này?”.
Những sau này, tôi bắt đầu tự hỏi liệu xu hướng bẻ cong quy tắc – thực ra là phá vỡ quy tắc – không hẳn đã là điều gì tối tệ, xấu xa. Các cách phản kháng, hoang dã của con có thể ẩn chứa điều tốt lành – nếu không phải là bây giờ thì có lẽ sẽ biểu hiện vào một ngày nào đó trong tương lai.
Vài tuần trước, trong khi chúng tôi đang đi nghỉ ở Yosemite, con trai tôi học được rằng, gấu xám Bắc Mỹ là loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và thậm chí chẳng còn một cá thể gấu xám Bắc Mỹ nào tồn tại ở California. Buổi chiều hôm đó, thằng bé đọc một lèo những cách để bảo vệ và giúp loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng này sinh sôi trở lại. “Có thể bọn con sẽ làm được việc này”, thằng bé nói. “Tại sao họ lại không thể làm thế chứ?”, thằng bé đặt câu hỏi. “Hãy cùng thử nào!”, nó kết luận. Phần lớn những ý tưởng của con trai tôi đều rất kỳ quặc và là một người luôn tuân theo quy tắc, tôi nhìn chung đều bác bỏ mấy ý tưởng đó và mặc định rằng chúng chẳng thể nào hiệu quả.
Nhưng tối hôm đó, khi hai con trai tôi chạy lên núi và tự lần mò đường đi mà không có người kèm sau lưng, tôi nhận ra, có thể cuộc kiếm tìm liều lĩnh, bạo dạn của chúng vào những điều chưa biết sẽ hữu dụng vào một ngày nào đó. Bởi những kẻ nổi loạn và những người không vừa khuôn khổ mới là những người làm nên chuyện.
Thay vì mặc định điều gì đó là không thể, những người thích phá vỡ quy tắc luôn tự hỏi: “Tại sao không?” và tìm kiếm kẽ hở để lách tới. Phần lớn những thứ thực sự tuyệt vời trên thế giới này được phát hiện hoặc phát triển nhờ ai đó nắm lấy cơ hội, thử nghiệm và thử điều gì đó mới mẻ. Những người phớt lờ quy tắc hay bẻ con quy tắc hay đặt câu hỏi: “Tại sao không?”, đôi khi, kết quả là một thảm hoạ, nhưng những lần khác, nó lại gây kính ngạc đến không ngờ.
Buổi chiều hôm đó, tôi quan sát hai con trai mình lang thang khắp nơi, khám phá những gì chưa biết, mà không hề sợ hãi, không hề một lần tự hỏi liệu việc đó có nằm trong quy tắc không. 20 phút sau, chồng tôi mới đi theo các con. Cả ba trở lại với những câu chuyện về vô số điều thú vị quan sát được trong rừng và cuộc phiêu lưu vừa trải qua, dù chỉ vỏn vẹn trong 20 phút ngắn ngủi. Tôi nhận ra, thay vì thường xuyên nói với con trai tôi rằng “Không được làm thế” hay “Bởi vì mẹ nói vậy” hay “Cẩn thận con”, tôi nên rút ra bài học từ cái cách luôn phá vỡ quy tắc của con. Tôi, người luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc, có thể thực sự đứng lên để học vài điều từ việc đi khỏi con đường đã dọn sẵn cho mình.
Phần lớn thời gian, hai đứa con nổi loạn và hoang dã của tôi khiến tôi chỉ muốn gào thét, muốn khóc, muốt dứt tóc hay muốn làm tất cả những thứ đó. Nhưng lần nào cũng thế, tôi luôn thoáng nhìn thấy điều có thể trở thành hiện thực với bọn trẻ nếu tinh thần tự lập của chúng được trao cho không gian tự do mà cất cánh: đó là những cuộc phiêu lưu, những phát hiện và sự tự tin.
Và khi càng nghĩ về chuyện đó, tôi càng nhận ra không chỉ tôi muốn những thứ ấy cho các con, tôi còn muốn cho chính bản thân tôi.
Vài nét về tác giả: Christine Organ sống tại Chicago cùng chồng và hai con trai. Cô là tác giả cuốn sách “Open boxes: the gifts of living a full and connected life (tập hợp những câu chuyện sẽ khiến bạn thấy thực sự yêu đời) và đóng góp cho cuốn “I just want to be perfect” (cuốn thứ tư trong loạt sách bán chạy nhất “I just want to pee alone”). Có thể theo dõi những chia sẻ của cô tại trang web www.christineorgan.com. |
Nguồn: Scarymommy