Nếu phải trả giá cho sự ưu tú bằng cái chết của con tôi, tôi không cần, tôi cần con được sống!

PHẠM HƯỜNG,
Chia sẻ

Nếu một ngày nào đó tôi mất con không phải vì một căn bệnh hiểm nghèo nào đấy mà chỉ vì vài điểm xấu trong bài kiểm tra, vì "thành tích" đứng bét lớp, vì rớt đại học, vì sợ tôi thất vọng thì tôi biết sống ra sao đây?

Cách đây hai mươi năm, bố từng bảo tôi: "Con phải học giỏi Nhất lớp, không được giỏi Nhì. Giỏi Nhì tức là thua một người, mà thua một người thì cũng coi như thất bại!". Bài kiểm tra Toán bị điểm 2 năm lớp Bốn với tôi khi ấy không phải là một lần làm tính sai, mà là một nỗi nhục. Tôi còn nhớ, lúc nhận bài, hai tai tôi đỏ ửng lên, hai má tôi nóng bừng và tôi cứ thế gục mặt lên bàn mà khóc. Tôi khóc vì sợ bố mắng, vì sợ mang tiếng học dốt và vì chưa bài kiểm tra nào của tôi bị điểm 2 cả.

Nếu phải trả giá cho sự ưu tú bằng cái chết của con tôi, tôi không cần, tôi cần con được sống! - Ảnh 1.

Bố mẹ kỳ vọng và tự hào về con cái thì có gì sai? Như bố tôi, ông nâng niu từng tấm bằng khen của con gái, cẩn trọng lồng khung kiếng rồi treo khắp nhà. Để mỗi khi có khách đến nhà, bố tôi lại có dịp khoe con gái ông đã đạt danh hiệu này, danh hiệu kia xuất sắc thế nào. Bố còn bảo với tôi rằng, với ông, những tấm bằng khen của tôi khi ấy còn có giá trị hơn cả chục cây vàng. Bố tin rằng tôi cũng thấy vui vì những thành tích đó. Có lẽ bố chưa bao giờ biết rằng mỗi ngày đến lớp với tôi là mỗi ngày tôi phải đối diện với rất nhiều nỗi sợ: Tôi sợ không kịp hiểu bài, tôi sợ có một bạn nào đó trong lớp học giỏi hơn tôi, tôi sợ mình không được ghi tên lên góc trái bảng - vị trí để vinh danh ba bạn có thành tích học tập xuất sắc nhất trong tháng.

Nếu phải trả giá cho sự ưu tú bằng cái chết của con tôi, tôi không cần, tôi cần con được sống! - Ảnh 2.

Mùa Hè năm tôi biết tin mình thi rớt Đại học lần thứ nhất là một mùa Hè kinh hoàng. Tôi hay tỉnh dậy giữa đêm và khóc. Tôi sợ nhà có khách, vì thể nào họ cũng hỏi tôi có đậu Đại học không. Tôi sợ gặp hàng xóm, họ hàng, bạn bè, vì thế nào mọi người cũng lại chặc lưỡi tiếc rẻ: "Ôi, thi rớt Đại học à? Khổ thân, học giỏi thế mà rớt!". Có một lần, tôi đã lặng lẽ ghi lên trang cuối cuốn tập ôn thi của mình dòng chữ: "Giá mà mình có thể chết đi".

Nếu phải trả giá cho sự ưu tú bằng cái chết của con tôi, tôi không cần, tôi cần con được sống! - Ảnh 3.

Năm tôi thi rớt Đại học lần hai, một cô bạn thi cùng đợt với tôi nhảy xuống sông tự tử. Trong bức thư để lại cho gia đình, bạn ấy viết, bạn ấy xấu hổ vì tự cảm thấy mình bất tài. Năm đó, bạn tôi chỉ vừa đủ điểm để xét tuyển Nguyện vọng 2, chỉ vậy thôi, mà bạn ấy đã tìm đến cái chết. Lúc ấy, tôi bỗng sợ chết hơn là sợ thi rớt Đại học. Tôi cần phải sống khỏe mạnh và vui vẻ trước đã, chuyện đậu rớt hãy để sau.

Khi đã trở thành một người mẹ có hai đứa con nhỏ, ngoài nỗi lo về thực phẩm bẩn, nguồn nước bẩn, tôi còn một nỗi lo khác: Tìm trường tốt cho con. Đó phải là một ngôi trường không có quá nhiều áp lực về điểm số. Những đứa trẻ trong khu phố tôi ở đều đã đi học thêm ngay từ khi chúng còn chưa bước chân vào lớp Một. Tụi nhỏ bị bố mẹ ép đi rèn chữ đẹp, học làm Toán, học tiếng Anh vào hầu hết các buổi tối trong tuần. Các ông bố bà mẹ trong khu phố còn dọa tôi rằng: Nếu tôi không cho con đi học thêm ngay, con tôi sẽ không được nhận vào trường học. Tôi sợ con tôi sẽ lại bị cuốn vào guồng quay quen thuộc ấy. Tôi sợ con sẽ cảm thấy lạc lõng vì buổi học đầu tiên nó nhận ra mình thua kém bạn bè. Tôi sợ con mình bị cô lập.

Nếu phải trả giá cho sự ưu tú bằng cái chết của con tôi, tôi không cần, tôi cần con được sống! - Ảnh 4.

Tôi hiểu tại sao bạn A. lại nhảy lầu vì thi rớt Đại học, tại sao bạn B. lại uống thuốc ngủ tự tử vì không đủ điểm thi đậu vào trường chuyên. Bố mẹ, thầy cô các bạn ấy có thể cảm thấy sốc và khó tin, nhưng trong thâm tâm tôi hiểu. Vì chính tôi đã từng vài lần muốn được chết đi như thế. Sợ thất bại không phải là một căn bệnh mà bác sĩ có thể chẩn đoán, kê đơn, càng không có triệu chứng nhận biết nào rõ ràng để chúng ta hay bố mẹ chúng ta có thể kịp thời ra tay ngăn chặn. Tôi không phủ nhận rằng sự kỳ vọng của bố mẹ có thể khiến con cái trở nên tốt đẹp hơn, nhưng đồng thời, những áp lực vì kỳ vọng quá lớn cũng có khả năng giết chết chúng.

Tôi có một người bạn vô cùng yêu con. Còn nhớ ngày con chào đời, nghe bác sĩ thông báo con bị hội chứng down, cô bạn tôi đã khóc ngất đi. Bạn ấy buồn rầu tới mức xuống ký thảm hại. Thế mà chỉ vài tháng sau, gặp lại tôi, bạn ấy chỉ cười bảo "Nhiều người còn chẳng có con. Có con đã là hạnh phúc rồi. Mình chỉ cần con mình khoẻ mạnh".

Nếu phải trả giá cho sự ưu tú bằng cái chết của con tôi, tôi không cần, tôi cần con được sống! - Ảnh 5.

Tôi cũng vậy. Tôi muốn được nghe tiếng con cười mỗi ngày, muốn được ôm hôn chúng mỗi ngày, muốn ngắm chúng ngấu nghiến những món ăn vào mỗi buổi tối. Tôi mong con khoẻ mạnh và hạnh phúc hơn là mong con ưu tú. Nếu cái giá phải trả cho sự ưu tú là cái chết của con tôi, thì tôi không cần. Tôi cần con tôi được sống!

Nếu phải trả giá cho sự ưu tú bằng cái chết của con tôi, tôi không cần, tôi cần con được sống! - Ảnh 6.
Chia sẻ