Nam sinh nhắn tin xin phép nghỉ học, đọc lý do mà cô giáo cảm động quá, ngay lập tức trả lời: Cô sẽ dạy riêng em 1 buổi

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Học sinh thì thật thà, cô thì quá là đáng yêu luôn.

Hạn chế những hoạt động xã hội thường nhật, tất bật với lịch học online, lo lắng vì còn "núi bài tập" chờ giải quyết, xuất hiện cảm giác bất an, căng thẳng... Không ít học sinh, sinh viên đang trải qua trạng thái này trong những ngày nghỉ học ở nhà để phòng dịch COVID-19. Giáo sư Tâm lý Viviana Wuthrich đến từ Trung tâm Sức khỏe Tinh thần của Đại học Macquarie vừa thực hiện một nghiên cứu về trầm cảm và lo âu với hơn 600 học sinh cuối cấp trong thời kỳ giãn cách xã hội. Nghiên cứu này phát hiện, 20-30% học sinh trải qua những triệu chứng lo âu nghiêm trọng trong thời gian chuyển cấp, và tỉ lệ này ngày càng gia tăng.

Thầy cô cũng hiểu những khó khăn mà học sinh mình gặp phải, vậy nên hầu hết đều cảm thông, chia sẻ nếu lâu lâu tụi học trò than vãn một chút. Đặc biệt, còn có cô giáo tâm lý như dưới đây, học sinh xin phép nghỉ vì mệt, cô vừa an ủi vừa động viên, đọc mà thấy tim như tan chảy.

Nam sinh nhắn tin xin phép nghỉ học, đọc lý do mà cô giáo cảm động quá, ngay lập tức trả lời: Cô sẽ dạy riêng em 1 buổi  - Ảnh 1.

Ảnh: Minh Le

Học sinh nhắn: "Cô ơi, mấy nay em học mệt quá cô. Mai cô cho em nghỉ 1 buổi nhé ạ. Sáng mai học tiết 1, mà em nay ngủ em sợ mai không dậy được". Cô giáo liền trả lời lại đầy cảm thông và yêu thương: "Vậy ngủ đi em nha. Nhớ chăm lo sức khỏe, học online mệt lắm ý. Khi nào em khỏe cô dạy riêng cho em buổi này. Ngủ đi nha em".

Một tình huống học sinh xin nghỉ học bình thường, cô có thể nhắn đơn giản "ok em"; "được em nhé" ngắn gọn như thông thường. Nhưng cách cô nhắc nhở quan tâm quả thực khiến ai nấy vô cùng cảm động. 

Học online trò mệt, thầy cô càng mệt hơn. Để soạn được bài giảng trực tuyến, giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian hơn so với dạy trực tiếp vì phải trau chuốt ngôn phong, suy nghĩ ra nhiều hình thức để làm mới bài giảng của mình. Cực nhất và tốn nhiều thời gian không kém công đoạn làm video dạy học là việc chấm bài của học sinh. Dù vậy, các thầy cô vẫn luôn là người động viên các em, cho các em thêm sức mạnh tinh thần để cùng vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn này. 

Với các em học sinh, sinh viên, để tránh tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, cần lập kế hoạch, xây dựng cho mình thời gian biểu hợp lý để học tập và giải trí hằng ngày. Cố gắng duy trì thời gian biểu như thời gian vẫn đang đi học, chỉ khác là chuyển đổi sang phương thức online, như việc học online, trò chuyện online với bạn bè... 

Cha mẹ của các em học sinh hãy cùng con trẻ của mình tham gia vào các môn thể thao có thể tập luyện tại nhà như: chống đẩy, đu xà,  tập bụng, đạp xe, chạy bộ, đi bộ. Khuyến khích trẻ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, món ăn nhiều protein để cơ thể khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần.

Khi xuất hiện những tâm lý bất an, hay buồn chán, kể cả những lo lắng trong việc học, thì hãy trò chuyện với người thân, bạn bè, hay giáo viên của mình để được chia sẻ. Đừng ngại viết ra, hay nói ra những cảm xúc đó càng sớm càng tốt.

Chia sẻ