Na Uy - nơi ở lý tưởng cho người già

Nguyệt Nguyễn,
Chia sẻ

Một bảng đánh giá toàn cầu mới đây đã xếp hạng Na Uy và Thụy Điển là hai quốc gia có điều kiện sống tốt nhất cho người già. Trong số 96 quốc gia được xếp hạng này, Afghanistan đứng cuối cùng.

Bảng thống kê xếp hạng Global AgeWatch Index công bố vào ngày 30/9 được biên soạn bởi HelpAge International, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở chính tại London và chi nhánh ở 65 quốc gia. Tổ chức này chuyên giúp người già đối mặt với sự phân biệt đối xử, vượt qua nghèo đói để tiến tới một cuộc sống năng động, an toàn.

13 chỉ tiêu trong bảng xếp hạng Global AgeWatch Index bao gồm tuổi thọ trung bình, lương hưu, điều kiện tiếp cận phương tiện giao thông công cộng và tỉ lệ nghèo của người trên 60 tuổi. Điểm số cho các quốc gia này không được đưa ra do thiếu số liệu của một số tiêu chí, nhưng HelpAge cho hay số người già trên 60 tuổi tại các nước trong bảng xếp hạng chiếm 90% tổng số toàn cầu.

Na Uy - nơi ở lý tưởng cho người già 1
Cụ bà Marianne Blomberg, 80 tuổi, tập luyện tại phòng gym ở Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: AP


Trong bảng thống kê xếp hạng, Na Uy đứng ở vị trí đầu tiên, sau đó đến Thụy Điển. Thụy Sĩ, Canada và Đức đứng ngay sau 2 nước này. Mỹ đứng thứ 8, Nhật Bản thứ 9, Trung Quốc thứ 48, Nga thứ 65 và Ấn Độ thứ 69.

Theo như HelpAge, có khoảng 868 triệu người hơn 60 tuổi trên thế giới, chiếm gần 12% dân số toàn cầu. Vào năm 2050, con số này dự kiến sẽ tăng lên 2.02 tỉ, chiếm 21% dân số thế giới. Tại một số quốc gia, trong số đó hầu hết là ở Tây Âu, số người già trên 60 tuổi sẽ chiếm hơn 30% dân số.

HelpAge bắt đầu thực hiện bảng xếp hạng Global AgeWatch Index vào năm 2013. Sang năm 2014, bảng xếp hạng này có sự thay đổi khi có thêm 5 quốc gia được đưa vào đánh giá, và Na Uy thay thế Thụy Điển ở vị trí cao nhất.

Na Uy - nơi ở lý tưởng cho người già 2
Một cụ già ngồi giữa đống gạch vỡ của ngôi trường bị phá hủy ở làng Budyli, tỉnh Nangarhar, Afghanistan. Ảnh: AP


Báo cáo mới công bố đặc biệt tập trung chú ý vào vấn đề lương hưu cùng vai trò của nó trong việc giúp người già đảm bảo cuộc sống năng động và tự chủ. Báo cáo cũng đánh giá cao một số quốc gia Mỹ Latin, bao gồm Bolivia, Peru và Mexico vì những bước tiến trong việc mở rộng phạm vi bảo hiểm hưu trí cho người già, những người không đóng góp vào kế hoạch lương hưu khi còn trẻ.

Chính phủ Peru đã thành lập một chương trình lương hưu trí thử nghiệm vào năm 2011, trợ cấp khoảng 90 USD theo giai đoạn 2 tháng cho những người già có điều kiện sống nghèo khó.

Theo HelpAge, chỉ có một nửa dân số thế giới có thể trông đợi nhận được lương hưu cơ bản khi về già. Điều này thúc giục chính phủ các nước phải hành động nhanh hơn để mở rộng phạm vi bảo hiểm khi số người già tăng lên.

(Nguồn: AP)
Chia sẻ