Mỹ thử nghiệm ít nhất 14 loại vaccine phòng virus SARS-CoV-2

Đặng Huyền - Minh Tâm,
Chia sẻ

Giới chức y tế Mỹ cho biết hiện có ít nhất 14 loại vaccine phòng virus SARS-CoV-2 đang được điều chế theo chương trình “Operation Warp Speed” của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy quá trình đưa vaccine vào sử dụng từ đầu tháng 1/2021.

Vaccine phòng virus SARS-CoV-2 được bào chế tại phòng thí nghiệm ở Rockville, bang Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVNTheo phóng viên TTXVN tại Mỹ, số vaccine trên được lựa chọn từ 93 loại vaccine do 80 công ty dược phẩm điều chế và nghiên cứu trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa các công ty dược phẩm tư nhân và các cơ quan chính phủ cùng quân đội Mỹ, nhằm rút ngắn việc sản xuất vaccine chỉ trong thời gian tối đa 8 tháng.

Trong hai tuần tới, 14 loại vaccine này sẽ được tiến hành thử nghiệm thêm và giới chức y tế Mỹ hy vọng khoảng 6 - 8 loại trong số đó sẽ được lựa chọn cho vòng thử nghiệm lâm sàng tiếp theo. Mục tiêu cuối cùng là có 3 hoặc 4 loại vaccine lọt vào vòng thử nghiệm sau cùng trước khi được đưa vào sử dụng đầu năm tới.

Theo các quan chức y tế, mặc dù không đảm bảo chắc chắn rằng bất kỳ loại nào trong 14 loại vaccine trên sẽ được lựa chọn vào vòng cuối cùng, nhưng họ lạc quan tin tưởng có một xác suất hợp lý rằng một hoặc nhiều loại vaccine sẽ cho kết quả tốt. Sau khi tìm được một loại vaccine có hiệu quả, các nhà nghiên cứu và giới chức y tế Mỹ sẽ nỗ lực để có thể nhanh chóng điều chế và sản xuất vaccine cho hơn 300 triệu người dân nước này.

Mỹ thử nghiệm ít nhất 14 loại vaccine phòng virus SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

Vaccine phòng virus SARS-CoV-2 được bào chế tại phòng thí nghiệm ở Rockville, bang Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, Tổng thống Trump đã ca ngợi “Operation Warp Speed”, đồng thời cho biết ông đang trực tiếp giám sát chương trình này và cam kết sẽ thúc đẩy nhanh chóng các bước đi chưa từng có.

* Ngày 2/5, tổ chức cứu trợ toàn cầu Samaritan's Purse, đơn vị điều hành bệnh viện dã chiến điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 đặt tại khu Công viên Trung tâm (Central Park) ở New York sẽ đóng cửa do bang này tiếp tục ghi nhận chiều hướng giảm số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2.

Theo Samaritan's Purse, bệnh viện dã chiến trên được thiết lập từ cuối tháng 3 vừa qua với hơn 10 lều bạt cùng các máy trợ thở trong nỗ lực nhằm tăng cường khả năng ứng phó khi dịch bệnh bước vào giai đoạn căng thẳng nhất. Các y bác sĩ tại đây cho đến nay đã chữa trị cho 191 bệnh nhân mắc COVID-19 và sẽ ngừng tiếp nhận các ca bệnh mới kể từ ngày 4/5.

Cũng theo Samaritan's Purse, sẽ mất khoảng 2 tuần để điều trị cho những bệnh nhân còn lại tại bệnh viện trước khi các lều bạt được khử trùng và tháo dỡ.

Tổ chức từ thiện này cũng nhấn mạnh việc đóng cửa bệnh viện dã chiến nói trên "đánh dấu một bước ngoặt đáng kể trong đợt dịch bệnh COVID-19 tại New York, bởi điều đó đồng nghĩa số ca nhiễm bệnh đang giảm tới mức mà hệ thống cơ sở y tế địa phương sẽ có thể đáp ứng được các nhu cầu điều trị.

Thông báo trên được đưa ra sau khi tàu bệnh viện hải quân Mỹ USNS Comfort rời New York hôm 30/4 vừa qua. Tàu hải quân này và bệnh viện dã chiến khu Central Park là hai trong số các cơ sở y tế được triển khai trong chiến dịch quy mô lớn của Mỹ nhằm tăng gấp đôi số giường bệnh tiếp nhận các ca mắc COVID-19 tại bang New York lên 110.000 giường.

Theo số liệu cập nhật và theo thông báo mới ngày 2/5, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết tình hình dịch bệnh tại bang này có một số tín hiệu tích cực, như số người nhiễm và số người nhập viện tiếp tục giảm. Tính đến nay, New York đã tiến hành được hơn 15.000 ca xét nghiệm kháng thể, trong số đó 12,3% cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

* Cùng ngày, trong thông điệp chung hiếm có, các lãnh đạo phe Dân chủ và phe Cộng hòa đã từ chối đề xuất của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc nhanh chóng tiến hành kiểm tra đối với đối với 100 thượng nghị sĩ trở về Washington tuần tới. Trước đó, chính quyền của Tổng thống Trump tuyên bố sẽ gửi các trang thiết bị cầm tay tới Thượng viện Mỹ để nhanh chóng chẩn đoán bất kỳ trường hợp nào nhiễm virus SARS-CoV-2.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thuộc phe Dân chủ và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cùng ra tuyên bố nhấn mạnh quốc hội trân trọng đề xuất của chính quyền Tổng thống Trump, nhưng sẽ từ chối vì muốn duy trì các nguồn lực trực tiếp cho các cơ sở tuyến đầu.

Theo số liệu trên trang thống kê worldometers.info, Mỹ hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 với 67.441 ca tử vong trong tổng số 1.160.585 ca nhiễm bệnh. Trong những tuần gần đây, Quốc hội Mỹ đã nỗ lực làm việc để thông qua nhiều biện pháp nhằm khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng này.

Chia sẻ