Muôn tình huống dở khóc dở cười vì bạn học cũ, đồng nghiệp không thân bỗng gửi thiệp mời đám cưới

HẢI MY/ DESIGN: MAI LINH,
Chia sẻ

Chẳng biết từ bao giờ, chuyện được mời đi đám cưới lại trở thành "nỗi ám ảnh" khó giãi bày đối với nhiều người.

Đám cưới vốn là chuyện đại hỷ của nhiều cặp đôi. Trong ngày vui của mình, phần đông cô dâu, chú rể đều muốn có thật đông khách mời tham dự để chúc phúc. Tuy nhiên khách được mời tới đám cưới lại không phải ai cũng mang một tâm trạng thực sự thích thú vui vẻ. Bởi, có không ít những trường hợp chỉ là mối quan hệ xã giao, hoặc đồng nghiệp mới, bạn cũ lâu ngày chẳng gặp, chẳng nói chuyện nhưng cũng được gửi thiệp mời.

Không những vậy, trong thời buổi "bão nào bằng bão giá" như hiện nay, việc được mời đám cưới cũng khiến không ít người cảm thấy ái ngại. Nào là tiền mừng cô dâu chú rể, tiền mua quần áo cho hợp dresscode hay kể cả tiền máy bay với những đám cưới tổ chức xa,... Vô vàn những khoản chi tiêu cho việc đi dự đám cưới khiến nhiều người chỉ cần nhìn thấy thiệp hồng là muốn bật chế độ "mất tích".

Muôn tình huống dở khóc dở cười vì bạn học cũ, đồng nghiệp không thân bỗng gửi thiệp mời đám cưới  - Ảnh 1.

Đối với nhiều người, được mời đám cưới chưa chắc đã vui (Ảnh minh hoạ)

Đi nước ngoài 6 năm chưa về vẫn được bạn học cũ nhiệt tình gửi thiệp cưới online

Gia Kiệt, 28 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc trong ngành Nghiên cứu Sinh tại Đức. Anh cho biết, từ sau khi kết thúc cấp 3 anh đã bắt đầu đi du học, sống xa nhà. Thỉnh thoảng khi có thời gian rảnh, Gia Kiệt cũng quay trở về Việt Nam thăm gia đình và bạn bè thân thiết chứ hiếm khi tham gia các cuộc họp lớp với bạn học cũ.

Mặc dù vậy nhưng Gia Kiệt vẫn không ít lần gặp phải trường hợp "khó đỡ" khi nhận được thiệp mời online từ những người bạn học chung năm xưa. Anh cho biết: "Từ trước đến nay, quan điểm của mình về mời cưới vẫn là ai thân mới mời và sẽ mời tận tay chứ mình không thích gửi thiệp kiểu 4.0. Thế nhưng có vẻ ghét của nào trời trao của đấy. Dù xa nhà đã lâu mà thi thoảng mình vẫn được bạn học cũ mời cưới trong khi tương tác trên MXH với nhau còn ít.

Thời gian đầu cũng ngại nên mình sẽ nhờ người đi dự mừng hộ hoặc mình chuyển khoản cho cô dâu/ chú rể. Lâu dần mình cảm thấy khá khó chịu vì tự dưng lại mất một khoản chi tiêu (dù là nhỏ thôi) cho một điều mình không dự trù, thậm chí đám cưới mình cũng không mời lại họ… Do vậy, mình đã quyết định bơ luôn tin nhắn, bởi nếu nói thẳng cũng khá ngại".

Gia Kiệt cũng cho hay, trong thời buổi bão giá như hiện nay, các cặp đôi tổ chức đám cưới cũng nên cân nhắc về khách mời. Như vậy sẽ tránh được những tình huống khó xử cho cả 2 bên: "Nếu người được mời mà điều kiện kinh tế không cho phép và mối quan hệ cũng không phải quá thân thiết, mình ủng hộ việc "né" đi đám cưới".

Muốn sạt nghiệp vì sắm sanh chuẩn bị đi đám cưới

M.T 24 tuổi hiện đang làm việc trong ngành kiến trúc cho biết trong 2 năm đi làm nhận được 5 thiệp mời cưới từ đồng nghiệp. Ngoài ra, không kể họ hàng, bạn bè thân thiết thì thi thoảng cũng sẽ nhận được lời mời từ các bạn cũ.

Muôn tình huống dở khóc dở cười vì bạn học cũ, đồng nghiệp không thân bỗng gửi thiệp mời đám cưới  - Ảnh 2.

Là con gái, nghĩ đến tiền sắm sửa để đi dự tiệc cưới thôi cũng thấy "đau ví" (Ảnh minh hoạ)

Nói về các khoản chi tiêu phải chuẩn bị khi đi dự tiệc cưới, cô nàng chia sẻ: "Với những đám của bạn bè thân thiết hay người thân, mình đều được biết trước thời gian tổ chức khoảng từ 1-2 tháng nên phần nào cũng đã có chuẩn bị, dự trù trong chi tiêu. Còn đối với những trường hợp ít thân hơn thì mình chưa gặp nhiều lắm, nhưng thực ra mình vẫn mừng cưới như bình thường thôi".

Tiền mừng cưới không phải điều đáng lo ngại nhưng điều khiền M.T "đau đầu" nhất lại chính là những khoản chi bên lề. "Là con gái nên mình nghĩ ai đi dự đám cưới, nhất là đám cưới những người thân thiết, thì đều muốn xúng xính cả. Mình cũng không ngoại lệ. Do đó, mình tiêu tốn khá nhiều vào tiền mua váy áo, làm nails, trang điểm,.. Có lần, mình còn đi dự đám cưới họ hàng ở xa, nên phải mất thêm chi phi vé máy bay khứ hồi nữa. Đôi khi, mình thấy những khoản chi này còn "đau đầu" hơn cả tiền mừng cô dâu, chú rể".

Cùng quan điểm với Gia Kiệt, cô nàng cho rằng nếu cô dâu/ chú rể là người thân thiết thì ai cũng sẽ muốn đến chung vui. Còn nếu không đủ thân thiết hoặc không thoải mái thì việc "trốn" không đi đám cưới cũng là điều bình thường, tránh tình trạng "đau ví".

"Né" đám cưới có lẽ hơi kì… vẫn nên gửi tiền mừng thì hơn!

Đó là quan điểm của Tú Uyên, 25 tuổi và đang hoạt động trong ngành du lịch. Cùng là con gái, Tú Uyên cũng đồng tình rằng tiền mừng đám cưới đôi khi không "đáng sợ" bằng tiền chi cho việc làm đẹp: "Mình thường chỉ dự đám cưới những người thực sự thân thiết nên cũng muốn xuất hiện xinh đẹp, chỉn chu trong ngày của họ. Tuy nhiên mỗi tháng, mình đều dành riêng một khoản để dự trù cho các kế hoạch bất ngờ nên cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến chi tiêu trong tháng".

Muôn tình huống dở khóc dở cười vì bạn học cũ, đồng nghiệp không thân bỗng gửi thiệp mời đám cưới  - Ảnh 3.

Người lại cho rằng dù đang trong thời kì bão giá hay không thì đã được mời cũng nên gửi tiền mừng (Ảnh minh hoạ)

Đối với những mối quan hệ xã giao nhưng lại được mời cưới, Tú Uyên sẽ không tham dự mà chỉ gửi tiền mừng. Cô nàng kể lại lần được mời đáng nhớ: "Mình từng được một chị ở lớp đại học mời đi ăn cưới. Gọi là cùng lớp nhưng thực ra chị chỉ học chung với mình một số môn, cả hai cũng chẳng tiếp xúc hay nói chuyện bao giờ. Thế nhưng, mình vẫn được add vào nhóm tin nhắn chung với cả lớp. Thực sự, trong nhóm đó chỉ có mỗi chị ấy tự thông báo lịch trình, thậm chí hỏi chốt người tham dự cũng không ai trả lời. Nên mình cảm thấy việc mời những người không thân là không cần thiết và khá xấu hổ, vô tình gây khó chịu nữa.

Tuy nhiên, những trường hợp như vậy mình thấy "né" đám cưới để đỡ mất tiền cũng không hay cho lắm, ít ra cũng gửi tiền mừng thì hơn. Mình thường không đi dự nhưng vẫn gửi tiền mừng. À, đương nhiên số tiền sẽ nhỏ hơn với những đám cưới mình trực tiếp đến dự".

Dù sao người ta cũng nhớ đến mình, cứ cho đi rồi cũng sẽ được nhận lại

Có lẽ, anh chàng 30 tuổi này là một người "dĩ hoà vi quý" nhất. Duy Tuấn, hiện đang làm việc tại một văn phòng Luật đã từng được mời tham dự rất nhiều đám cưới. Tuy nhiên, anh cho biết, công ty cũng không quá đông nhân viên nên hầu như mọi người đều có mối quan hệ thân thiết nên hiếm khi gặp phải trường hợp khiên cưỡng.

Tuy nhiên nhớ lại hồi mới đi làm, Duy Tuấn cho biết: "Khi đó mình mới ra trường và xin vào làm trong một công ty. Đi làm được 1 tuần thôi, mình cũng nhận được thiệp mời cưới từ đồng nghiệp. Lúc đó còn trẻ, mình cũng khá bỡ ngỡ vì còn chưa thân quen, đã vậy sinh viên vừa ra trường chưa có thu nhập. Nhưng mình chẳng biết từ chối thế nào nên vẫn đành đi và phải xin tiền mẹ".

Muôn tình huống dở khóc dở cười vì bạn học cũ, đồng nghiệp không thân bỗng gửi thiệp mời đám cưới  - Ảnh 4.

Dù sao đám cưới cũng là ngày vui, nên nhìn theo hướng lạc quan để cuộc sống thoải mái (Ảnh minh hoạ)

Cho đến hiện tại, trải qua nhiều năm trong môi trường công sở, Duy Tuấn dường như chấp nhận và cho rằng những chuyện mời cưới như vậy là bình thường. Anh quan niệm: "Bạn cũ lâu không gặp mà mời cưới, nghĩ lạc quan hơn thì cũng là họ đã nhớ đến mình vẫn xuất hiện trong cuộc đời họ. Hơn nữa, đôi khi việc đi đám cưới cũng là cách để mở rộng quan hệ nên mình cũng không nghĩ nhiều lắm".

Cuối cùng, Duy Tuấn khẳng định dù có trong thời buổi bão giá hay không thì cũng nên từ chối lịch sự nếu không thể tham dự đám cưới: "Người ta có lòng, mình cũng nên có dạ. Nếu không đi được thì cũng nên gửi tiền mừng. Đừng tính toán nhiều quá, cứ cho đi rồi sẽ được nhận lại thôi".

Ảnh: Pinterest

Chia sẻ