Muốn tận hưởng những tiện ích tuyệt vời của thành phố nhưng lại mong sống rẻ như ở các vùng quê: Hãy áp dụng ngay 7 chiến lược đắt giá này!

An Du,
Chia sẻ

Chi phí khi sống ở các thành phố lớn luôn cao gấp nhiều lần so với vùng nông thôn và thị trấn, thành phố nhỏ. Tuy nhiên nó lại có những dịch vụ và tiện ích vượt trội.

Bạn luyến tiếc cuộc sống nhộn nhịp và “chẳng thiếu thứ gì” ở thành phố lớn nhưng vẫn muốn chi phí cuộc sống ở mức thấp chẳng khác gì thôn quê? Dưới đây là những chiến lược để chúng ta làm được điều đó.

1. Hiểu rõ sự khác biệt giữa giá trị và giá cả

Muốn tiết kiệm tiền hiệu quả thì chúng ta phải hiểu được sự khác biệt giữa giá cả và giá trị.

Giá cả được xác định chỉ bằng số tiền bạn bỏ ra. Giá trị cũng được đo lường bằng chi phí, thế nhưng còn nhiều yếu tố khác có thể đóng góp vào giá trị của các giao dịch mua.

Dưới đây là một ví dụ so sánh giữa 2 đôi giày với mức giá khác nhau để giúp bạn hiểu nguyên tắc giá trị.

Một đôi giày có giá 40 USD, được làm từ vật liệu nhân tạo và sẽ bị mài mòn sau 1 năm. Đôi giày này không thể sửa chữa và phải bỏ đi.

Một đôi giày có giá gấp 3 lần là 120 USD, nó được làm bằng vật liệu da, sau 2 năm đế giày bị mài mòn song lớp da trông vẫn gần như mới. Bạn có thể thay đế giày với giá 25 USD và sử dụng thêm được 2 năm. Cứ như thế đôi giày có tuổi thọ lên đến 10 năm hoặc lâu hơn.

7 chiến lược cho cuộc sống đô thị chi phí thấp như ở nông thôn - Ảnh 1.

Nếu thuần túy tính về giá cả thì rõ ràng mua đôi giày thứ hai sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cần một đôi giày mới ngay mà chỉ có 40 USD? Và đôi giày đó hợp thời trang trong khi bạn chỉ đơn giản là thích thời trang? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đi bộ rất nhiều hoặc rất ít?

Điều gì sẽ xảy ra nếu đôi giày rẻ tiền khiến chân bạn gặp vấn đề xấu như đau chân, trật khớp? Chính sách hoàn trả cho 2 sản phẩm ấy ra sao? Bạn có bị dị ứng với đồ da không? Hay bạn là người ăn chay trường?

Như bạn có thể thấy, giá trị không phải lúc nào cũng nằm ở việc tính toán chi phí để tiết kiệm. Nhiều yếu tố có thể góp phần vào giá trị của 1 sản phẩm đối với cá nhân mỗi người. Và nhận thức rõ điều đó sẽ giúp bạn có những quyết định mua sắm có lợi, phù hợp nhất với bản thân mình. Bởi vì đồ tốt và rẻ mà không phù hợp với bạn thì cũng thành lãng phí.

2. Nắm chắc 3 chữ N

Necessities: Nhu cầu cần thiết

Chúng bao gồm chi phí cho nhà ở, thực phẩm, quần áo, phương tiện đi lại và các chi phí về y tế hoặc sức khỏe. Tất cả các chi phí này không được vượt quá 50% thu nhập ròng.

Nest egg: Kế hoạch tài chính dài hạn, tiết kiệm và đầu tư

Đầu tiên bạn cần có đủ tiền mặt để trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu trong 3 tháng. Đồng thời cần phải có một khoản dự phòng những chi phí hàng năm như bảo hiểm hoặc thuế. Ngoài ra hãy để dành ít nhất 30% tiền lương để tiết kiệm và đầu tư.

Non-essentials: Những thứ không thiết yếu

Còn lại 20% thu nhập, bạn có thể dành cho những thứ không thực sự cần thiết. Chúng có thể bao gồm điện thoại thông minh, giải trí, ăn uống, dịch vụ cho gia đình, dịch vụ cá nhân, kỳ nghỉ và bất kỳ chi phí bổ sung nào khác.

Dẫu bạn chi tiêu quá nhiều cho mục “những thứ cần thiết” hay là “những thứ không cần thiết” thì bạn đang sống một lối sống xa hoa vượt quá khả năng của mình. Hãy điều chỉnh lại ngay!

7 chiến lược cho cuộc sống đô thị chi phí thấp như ở nông thôn - Ảnh 2.

3. Hiểu rõ 5 chữ R

5 chữ R mà bạn cần phải luôn nhớ để áp dụng trong cuộc sống, đó là Reduce - Giảm, Repair - Sửa chữa, Reuse - Tái sử dụng, Recycle - Tái chế, Rent - Thuê.

Trước khi muốn mua bất cứ thứ gì trong danh sách, đặc biệt là quần áo và đồ gia dụng, bạn hãy đánh giá xem mình có thực sự cần mua đồ mới hay không.

Bạn có thực sự cần nó? Một số người sẽ không nạp thêm món đồ mới vào nhà trừ phi họ bỏ đi một thứ khác. Bạn có thể sửa chữa hoặc tái chế lại thứ gì đó mà mình từng sở hữu không? Hay bạn có thể đi thuê nó?

Nếu bạn phải mua, hãy xem nó có thể được trao đổi bằng món đồ nào đó bạn đang sở hữu hoặc mua đồ đã qua sử dụng để tiết kiệm chi phí.

4. Chi tiêu có mục đích

Lập danh sách mua sắm sẽ giúp bạn tránh được tình trạng chi tiêu bốc đồng. Điều này áp dụng cho thực phẩm, hàng tạp hóa, quần áo, đồ gia dụng, các mặt hàng không thiết yếu…

Khi muốn sắm thứ gì đó không có trong danh sách, hãy chống lại ham muốn mua sắm bằng việc trì hoãn, đợi đến lần mua sắm tiếp theo để có thời gian suy nghĩ kỹ hơn.

5. Không bao giờ trả giá đầy đủ

Có nhiều cách để chúng ta tiết kiệm tiền bằng cách không trả giá đầy đủ cho các mặt hàng. Chúng bao gồm áp dụng phiếu giảm giá, mua sắm qua ứng dụng, đăng ký chương trình khách hàng thân thiết, theo dõi các đợt giảm giá theo mùa, dùng thẻ quà tặng…

6. Đặt “con người” lên trên “đồ vật”

7 chiến lược cho cuộc sống đô thị chi phí thấp như ở nông thôn - Ảnh 3.

Các nhà tiếp thị sản phẩm rất giỏi trong việc cám dỗ người tiêu dùng, khiến bạn nghĩ rằng mình sẽ trở nên hạnh phúc và thành công thông qua việc mua sắm mặt hàng của họ. Nếu bạn vẫn đang băn khoăn tự hỏi điều đó có đúng hay không thì xin khẳng định một điều rằng: Đó là một lời nói dối.

Các mối quan hệ giữa người với người đáng giá hơn bất kỳ món đồ nào mà tiền có thể mua được. Chúng có thể là một cuộc trò chuyện bình thường với tài xế xe bus, mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, những giờ phút vui vẻ và ấm áp bên gia đình… Chúng không làm bạn tốn một xu nào nhưng lại có tác dụng mạnh mẽ đem lại cho chúng ta niềm vui và động lực.

7. Tập trung vào “nhu cầu” chứ không phải “mong muốn”

Quay trở lại với ba chữ N, bạn hãy tập trung phần lớn thời gian, sự chú ý của mình vào những nhu cầu thiết yếu, đồng thời xây dựng các kế hoạch đầu tư và tiết kiệm.

Hãy ngừng việc mua thêm quần áo mới khiến tủ quần áo chật ních, thay vào đó là sáng tạo trong việc kết hợp các món đồ cũ để tạo ra những trang phục mới. Hãy bỏ thói quen đi ăn ngoài vài bữa tối mỗi tuần, thay bằng lên kế hoạch tự nấu nướng tại nhà để thết đãi người thân và bạn bè.

Đó là 2 trong số rất nhiều cách để bạn tập trung vào nhu cầu thay vì mong muốn, từ đó khiến cuộc sống nhẹ nhàng dễ chịu mà lại cực tiết kiệm.

Theo: moneytalksnews

Chia sẻ