Mùa khô, đặc biệt cảnh giác bệnh viêm giác mạc

Lê Hường,
Chia sẻ

Viêm loét giác mạc là một trong những bệnh nguy hiểm, dễ gặp và thường để lại di chứng nặng nề như sẹo giác mạc, teo nhãn, lồi mắt cua, giảm thị lực, mù lòa...

Mầm bệnh ở khắp nơi

Việt Nam thuộc vùng khí hậu nóng ẩm, nhiệt đới gió mùa, chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên có thể gặp “thủ phạm” gây bệnh loét giác mạc mọi lúc, mọi nơi. Vào mùa khô, nguy cơ viêm loét giác mạc càng tăng cao.

Đến khám tại Bệnh viện Mắt trung ương, chị Thanh Mai (Thanh Trì, Hà Nội) là một trong những bệnh nhân bị bệnh về mắt vì lý do không ngờ nhất. Dù còn rất trẻ nhưng mắt chị nhìn không được rõ. Chị kể, 3 năm trước trên đường đi học về, chị bị bụi bay vào mắt. Theo phản xạ tự nhiên chị lấy tay dụi mắt, càng dụi càng không mở mắt ra được. Về đến nhà mắt đã đỏ hoe, cảm giác nóng rát, nhỏ thuốc nhỏ mắt thì thấy xót như bị cào xé.

Liên tục nhỏ mắt trong suốt 2 tuần, đến khi không chịu thêm được, chị đến viện khám thì mới biết mắt bị tổn thương nặng, vết thương nhiễm trùng dẫn đến viêm loét giác mạc, cần theo dõi điều trị.

Mất thời gian dài điều trị các vết trầy xưới cũng lành lại. Tuy nhiên, thị lực thì giảm hẳn, chị nhìn mọi vật đều mờ mờ, ảo ảo, không rõ ràng, lúc nào cũng như có màn sương mù che trước mắt, liên tục cảm thấy ngứa và chảy nước mắt. Từ đó, cũng do chủ quan mà chị không chữa triệt để để bệnh ngày càng nặng thêm.
 
Mùa khô, đặc biệt cảnh giác bệnh viêm giác mạc 1
Vào mùa khô, nguy cơ viêm loét giác mạc càng tăng cao.

Phòng bệnh là quan trọng

Chị Mai là một trong những trường hợp điển hình mắc viêm loét giác mạc do chủ quan. Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân gây viêm loét giác mạc như do vi khuẩn, nấm, amip hay virus, nhiễm trùng do chấn thương hoặc từ các bệnh lý về mắt như lông quặm không được điều trị, hở mi… Thậm chí, một số sai lầm khi dùng kính mắt, thuốc nhỏ mắt cũng có thể làm giác mạc bị viêm loét.

Bác sĩ Phạm Ngọc Đông, trưởng khoa Kết - Giác mạc, Bệnh viện mắt Trung ương khẳng định: Giác mạc là một mảnh mô trong suốt nằm phía trước con ngươi nên rất dễ gặp chấn thương. Viêm giác mạc là một bệnh lý nguy hiểm, một trong những nguyên nhân gây mù mắt chiếm tỷ lệ khá lớn, thậm chí có trường hợp dẫn tới thủng giác mạc phải bỏ nhãn cầu. Thực tế hiện nay có tới hàng trăm nghìn người bị mù 2 mắt do bệnh lý giác mạc.

Khi giác mạc bị viêm loét, người bệnh sẽ thấy mắt đau nhức mắt dữ dội, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, mi mắt nhắm chặt lại, mắt nhìn mờ, đỏ mắt, thậm chí có mủ trắng ở trước tròng đen của mắt

Bác sĩ nhận định viêm loét giác mạc là bệnh có thể chữa khỏi được. Tuy nhiên, cần phát hiện sớm, xác định nguyên nhân gây viêm loét, có phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời thì việc điều trị mới có kết quả tốt, tránh các biến chứng gây tổn hại thị lực.

Bởi đây là căn bệnh dù được điều trị tốt, khi lành bệnh vẫn sẽ để lại di chứng nặng nề về sau như sẹo, thị lực giảm. Vết sẹo mỏng hay dày, to hay nhỏ, thị lực giảm ở mức độ nào tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh.

Vì vậy, việc phòng ngừa đóng vai trò rất quan trọng. Khi bị bụi hoặc nước bẩn vào mắt có thể chớp mắt vào cốc nước sạch, tránh day dụi mắt, nếu không được cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để lấy bụi, gắp dị vật và tra thuốc sát khuẩn.
 
Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ bảo hộ lao động như đeo kính bảo hộ khi làm việc nơi có nhiều bụi, hàn điện… Những bệnh nhân bị mắt đỏ khi có triệu chứng như mắt nhìn mờ, chảy nước mắt nhiều, sợ ánh sáng thì nên đến khám bác sĩ nhãn khoa.
Nếu đã bị viêm loét giác mạc thì nên đến khám tại bệnh viện có đủ điều kiện về chẩn đoán, xét nghiệm để tìm đúng nguyên nhân gây bệnh, tránh tự ý mua thuốc nhỏ mắt về tra.
 

 
Những bệnh nguy hiểm liên quan đến mắt bạn cần biết và tránh
Mùa khô, đặc biệt cảnh giác bệnh viêm giác mạc 2
Chia sẻ