Một năm đặc biệt của các siêu tỷ phú thế giới

Thanh Bình,
Chia sẻ

Theo Bloomberg, đối với những người giàu nhất hành tinh, năm 2021 là một năm rất thành công.

Cụ thể, năm 2021 chứng kiến thị trường chứng khoán tăng vọt và định giá tăng của mọi thứ, từ biệt thự, tiền điện tử đến hàng hóa đã thúc đẩy khối tài sản của 500 người giàu nhất thế giới lên hơn 1 nghìn tỉ USD ngay cả khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành toàn cầu trong năm thứ hai.

10 tỷ phú nằm trong “câu lạc bộ 100 tỉ USD”, có hơn 200 người nắm giữ khối tài sản hơn 10 tỉ USD và Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk đã trở thành người giàu nhất thế giới với khối tài sản tương đương của John D. Rockefeller (1839-1937) - người Mỹ giàu nhất mọi thời đại và tỷ phú giàu nhất lịch sử hiện đại.

Tổng giá trị tài sản ròng được tổng hợp trên Bloomberg Billionaires Index hiện vượt quá 8,4 nghìn tỉ USD, nhiều hơn GDP của tất cả các quốc gia ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), những người giàu nhất được hưởng lợi từ thị trường và chính sách tài khóa lỏng lẻo. Đồng thời, đại dịch đã đẩy khoảng 150 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực, theo WB, con số này có thể sẽ tăng lên nếu lạm phát tiếp tục tăng.

Một năm đặc biệt của các siêu tỷ phú thế giới - Ảnh 1.

Tỷ phú Elon Musk, nhà đồng sáng lập Tesla trở thành người có khối tài sản lớn nhất hành tinh, đồng thời là người kiếm được nhiều tiền nhất trong năm 2021. (Ảnh: AP)

Đồng Giám đốc Phòng thí nghiệm về tình trạng bất bình đẳng thế giới tại Trường Kinh tế Paris Lucas Chancel cho biết: “Kể từ giữa những năm 1990, tỷ lệ tài sản được nắm giữ bởi những người giàu ngày càng tăng. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã không đảo ngược xu hướng này. Nó đã khuếch đại lên một chút”.

Từ Washington, Moscow và đến Bắc Kinh, các nhà lập pháp đã tranh luận sôi nổi về giới siêu giàu, các nhà chức trách sẽ tăng thuế và đóng các kẽ hở để đối phó với áp lực của dư luận và ngân sách cạn kiệt.

Hồi tháng 10, ông Ron Wyden - Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ đã công bố mức thuế đặc biệt nhắm vào các tỷ phú. Nhưng thuế tỷ phú bị những doanh nhân như Elon Musk chỉ trích mạnh mẽ và được xóa bỏ chỉ sau vài ngày.

Trước đó, kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tăng thuế trên thặng dư vốn và thuế đối với tài sản thừa kế cũng thất bại. Việc thượng nghị sĩ Joe Manchin phản đối kế hoạch Build Back Better (Xây dựng lại Tốt hơn) cũng có thể loại trừ những loại thuế cao hơn đối với người giàu trong tương lai gần.

Chênh lệch giàu nghèo

Tình trạng chênh lệch giàu nghèo trên thế giới đang ngày càng gia tăng và theo World Inequality Lab - tổ chức thuộc Trường Kinh tế Paris, khoảng 51 triệu người giàu nhất thế giới (1% dân số trưởng thành trên thế giới) đang sở hữu 37,8% tổng tài sản cá nhân trên thế giới.

Con số nói trên cao hơn 4 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát cách đây 4 năm. Báo cáo cũng cho thấy tài sản cá nhân của nửa dân số nghèo hơn của thế giới chỉ tương đương 2% tài sản toàn cầu.

Tình trạng chênh lệch giàu nghèo chủ yếu diễn ra ở các nước đang phát triển trong bối cảnh người lao động không chính thức bị giảm thu nhập và thất nghiệp do đại dịch Covid-19.

“Sau hơn 18 tháng Covid-19 xuất hiện, thế giới càng trở nên phân cực. Trong khi tài sản của các tỷ phú tăng lên thành hơn 3.600 tỉ euro, hơn 100 triệu người khác rơi vào cảnh nghèo cùng cực”, Giám đốc Lucas Chancel của World Inequality Lab cho biết.

CEO Tesla Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới. Ông đã bỏ túi thêm 121 tỉ USD trong năm 2021, song vẫn kém 140 tỉ USD mà ông thu được năm 2020.

Người đồng sáng lập Tesla đã sở hữu khối tài sản khổng lồ nhờ sự phát triển nhanh chóng của nhà sản xuất ô tô điện của mình. Cổ phiếu Tesla đã tăng khoảng 60% trong năm nay và công ty đạt mức vốn hóa thị trường 1 nghìn tỉ USD lần đầu tiên vào tháng 10.

Tháng trước, ông cũng trở thành người đầu tiên cán mốc tài sản 300 tỉ USD. Tầm ảnh hưởng của Musk trong nhiều lĩnh vực đã giúp ông được tạp chí Time và Financial Times bình chọn là “Nhân vật của Năm”.

Chia sẻ