Một học sinh ở Hà Nội hôn mê sau khi chơi bóng đá được cứu sống kỳ diệu

Minh Ngọc - BS. Lương Quốc Chính,
Chia sẻ

Ngày 26/12, thông tin từ BV Bạch Mai cho biết, một bệnh nhân mới được đoàn tụ với gia đình sau những ngày cấp cứu và điều trị tại bệnh viện.

Đó là cháu V.Đ.H, nam, 13 tuổi, học sinh trường THCS và PTTH M.V. Lômônôxốp, được chuyển tới Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán "Hôn mê sau ngừng tuần hoàn" vào ngày 29/11/2019. Cháu bé có tiền sử khỏe mạnh.

Tai họa do chơi bóng đá

Khoảng 10 giờ, ngày 29/11/2019, khi đang chơi bóng đá cùng bạn bè, cháu bị sút quả bóng vào vùng bụng. Sau đó, cháu H. cảm thấy khó thở và mất ý thức ngay sau đó. H. được đưa vào Bệnh viện Thể thao Việt Nam lúc 10 giờ 12 phút cùng ngày trong tình trạng ngừng tuần hoàn (ngừng thở, mạch cảnh mất, da còn ấm, kích thước đồng tử mắt hai bên là 3,5mm). 

Lãnh đạo khoa cùng gia đình bệnh nhân

Lãnh đạo Lãnh đạo khoa Cấp cứu A9 BV Bạch Mai đang chia sẻ với gia đình bệnh nhân.

Ngay lập tức, cháu được các bác sĩ tiến hành hồi sinh tim phổi (ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng có oxy qua mặt nạ mặt, khử rung tim, tiêm thuốc adrenalin) trong khoảng 35 phút thì tuần hoàn tự nhiên được tái lập (tim đập lại). 

Cháu bé được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai khi tình trạng bệnh đã ổn định hơn.

Cháu bé vào Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch lúc 11 giờ 15 phút cùng ngày trong tình trạng hôn mê sâu (điểm hôn mê Glasgow: 3), đang được dùng thuốc an thần, thở máy qua ống nội khí quản, nhịp tim không đều, có nhiều ngoại tâm thu thất, huyết áp được duy trì ổn định (110/50 mmHg) bằng thuốc adrenalin truyền tĩnh mạch, đồng tử mắt hai bên cố định, kích thước đồng tử 2 mm. 

Một cuộc hội chẩn liên khoa dưới sự chủ trì của PGS. TS. Nguyễn Văn Chi (Lãnh đạo khoa Cấp cứu A9) cùng sự tham gia của TS. BS. Đỗ Ngọc Sơn, TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn, TS. BS. Nguyễn Hữu Quân, BS. Nguyễn Tuấn Đạt, PGS. TS. Mai Duy Tôn, TS. BS. Lương Quốc Chính... (Khoa Cấp cứu A9) và các chuyên gia của Khoa Nhi và Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) đã nhanh chóng được tiến hành. 

Niềm vui của gia đình bệnh nhân

Niềm vui của gia đình bệnh nhân.

Qua thăm khám, đánh giá, nhận thấy cháu bé có nhiều cơ hội hồi phục, các chuyên gia thống nhất cần áp dụng ngay các biện pháp hồi sức và kỹ thuật cao để cứu bằng được cháu bé, đặc biệt là kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu.

Vậy, kỹ thuật hạ thân nhiệt là gì? 

PGS. TS. Nguyễn Văn Chi, lãnh đạo khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Sau khi bị ngừng tim, bệnh nhân đã được cấp cứu thành công, tim đã đập trở lại, có mạch và huyết áp mà bệnh nhân vẫn không tỉnh ra. 

Người ta sẽ tiến hành các biện pháp làm hạ nhiệt độ cơ thể bệnh nhân. Các biện pháp thông thường như chườm đá, truyền nước lạnh, có thể áp dụng tuy nhiên biện pháp này sẽ không kiểm soát được nhiệt độ một cách chính xác nên hiệu quả rất hạn chế. 

Lãnh đạo BV cùng gia đình bệnh nhân trong ngày xuất viện

Lãnh đạo BV cùng gia đình bệnh nhân trong ngày xuất viện

Ví dụ tốc độ làm lạnh và tốc độ làm ấm bệnh nhân là cực kỳ quan trọng mà chúng ta không thể làm bằng phương pháp thông thường phải làm bằng máy để kiểm soát thân nhiệt. 

Tại khoa Cấp cứu A9 các bác sĩ đã sử dụng một ống thông đưa vào mạch máu của bệnh nhân và từ đó tiến hành hạ thân nhiệt điều trị. Thông thường, quá trình điều trị sẽ đưa nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân xuống 33 độ (ở người bình thường 36,5 – 37 độ). Sau đó máu sẽ duy trì ở nhiệt độ này trong vòng 24 giờ để hỗ trợ tế bào não hồi phục.

Sau 24 giờ, máy sẽ làm ấm bệnh nhân theo chương trình rất chặt chẽ nâng dần nhiệt độ bệnh nhân 0,25 độ/giờ cho tới khi đạt nhiệt độ bình thường. Khi nhiệt độ bệnh nhân hạ xuống, não sẽ bớt phù hơn, bớt viêm và tưới máu não, cung cấp oxy tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não từ đó các tế bào não sẽ hồi phục rất ngoạn mục. 

Trên thực tế, cấp cứu ngừng tim bằng phương pháp hạ thân nhiệt đã được thực hiện thường quy trên thế giới, còn được khuyến cáo trong Hội tim mạch Hoa Kỳ sử dụng. Tại Việt Nam, Khoa cấp cứu A9, BV Bạch Mai (Hà Nội) là đơn vị đầu tiên thực hiện phương pháp này. 

Theo chứng minh trên thế giới, dùng phương pháp này giảm tỉ lệ tử vong xuống 14% và giảm độ di chứng tàn phế xuống là 11%".

Tuy nhiên, mọi chuyện không hề đơn giản chút nào, trong những ngày tiếp theo, cháu bé liên tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng rối loạn nhịp tim, hết ngoại tâm thu thất dày lại chuyển sang nhịp nhanh trên thất có kèm block nhánh phải. 

Nhiều cuộc hội chẩn liên khoa liên tục được thực hiện dưới mọi hình thức như qua điện thoại, qua Viber hoặc Zalo và trực tiếp ngay tại giường bệnh. Cuối cùng, sang ngày điều trị thứ 5, mặc dù huyết áp vẫn còn phụ thuộc vào thuốc trợ tim nhưng tim không còn loạn nhịp và cháu bé đã hoàn toàn tỉnh táo, cháu được thôi thở máy và rút ống nội khí quản. 

Lẵng hoa chúc mừng của nhà trường

Lẵng hoa chúc mừng của nhà trường

Ngày 13 tháng 12 năm 2019, sau hai tuần điều trị, cháu bé được chuyển tới Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục theo dõi, tìm kiếm nguyên nhân và điều trị. Ngày 15 tháng 12 năm 2020, cháu bé đã được ra viện về nhà đoàn tụ với gia đình. 

Đây thực sự là một phần thưởng vô giá đối với tập thể các y bác sĩ, nhà trường và gia đình đã không quản ngại những lúc khó khăn nhất để cứu chữa cho cháu bé.

Chia sẻ