Một dịch bệnh khác lan toàn cầu theo đúng cách hiểm hóc của COVID-19
Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh chỉ ra cách một dịch bệnh đã trở thành tình trạng khẩn cấp toàn cầu: Âm thầm lây nhiễm khi chưa hề có triệu chứng, tương tự vấn đề 2 năm trước từng làm chuyển hướng cuộc chiến chống COVID-19.
Hơn 2 năm trước, các bằng chứng về lây truyền ở người không có triệu chứng và chưa có triệu chứng trong bệnh COVID-19 từng gây tranh cãi rồi gây lo ngại, khi làm sụp đổ quan niệm "có triệu chứng mới lây" mà chính Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng từng "sa lầy".
Đậu mùa khỉ, căn bệnh vài tháng trước được "nâng cấp" lên PHEIC (Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế) giống COVID-19, đã được chứng minh lan truyền theo cách tương tự và chiếm tới 53% các trường hợp lây nhiễm, theo nghiên cứu từ Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA), vừa công bố trên tạp chí y học hàng đầu The BMJ.
Virus đậu mùa khỉ - Ảnh: ĐẠI HỌC TUFTS
Theo SciTech Daily, trong một bài xã luận đi kèm, các nhà khoa học nhấn mạnh mặc dù số ca bệnh đang giảm, nhưng điều quan trọng là phải hiểu được động lực lây truyền của virus, cách mà nó đã lan từ người này sang người khác và các triệu chứng xuất hiện nhanh như thế nào.
Điều này rất quan trọng đối với các quyết sách và biện pháp can thiệp trong tương lai đối với dịch bệnh này.
Mặc dù đã có mối nghi ngờ về lây truyền tiền triệu chứng ở bệnh đậu mùa khỉ, nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học thu được bằng chứng xác thực.
UKHSA đã nghiên cứu dựa trên dữ liệu theo dõi cá nhân và theo dõi đối với những người tiếp xúc của 2.746 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ ở Anh trong giai đoạn cao điểm từ ngày 6-5 đến ngày 1-8. Độ tuổi trung bình của họ là 38 tuổi, 95% là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
Theo BMJ, kết quả từ 2 mô hình nghiên cứu song song cho thấy thời gian ủ bệnh trung bình là 7,6 - 7,8 ngày và chu kỳ lây nhiễm (khoảng thời gian từ khi bệnh nhân có triệu chứng khởi phát đến khi "F1" của họ cũng bị bệnh) là 8 - 9,5 ngày.
Mặc dù chu kỳ lây nhiễm vẫn dài hơn thời gian ủ bệnh một chút ở mức trung bình, nhưng trong khi một số "F1" nhiễm bệnh khá trễ, một số người khác lại phát bệnh kể từ khi tiếp túc sớm hơn thấy rõ thời gian ủ bệnh trung bình, thường xuất hiện ở những ca có thời gian ủ bệnh ngắn.
10 trong số 13 bệnh nhân thứ cấp được kiểm tra kỹ hơn đã xác nhận việc họ thực sự bị lây nhiễm trước khi người họ tiếp xúc có triệu chứng.
Bước phân tích dữ liệu tiếp theo cho thấy lây truyền tiền triệu chứng chiếm tới 53% trong số các "F1" đã phát bệnh và khoảng thời gian một bệnh nhân đậu mùa khỉ có thể phát tán mầm bệnh trước khi có triệu chứng lên tới 4 ngày.
Các nhà khoa học Anh khẳng định phát hiện này "sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc kiểm soát nhiễm trùng trên toàn cầu".