Môn Sử thi vào lớp 10: Cần tập trung vào kiến thức nào để đạt điểm cao?

Đỗ Hợp,
Chia sẻ

Học sinh Hà Nội ôn thi môn Lịch sử vào lớp 10 cần chịu khó hệ thống kiến thức theo trục thời gian của các sự kiện trong các giai đoạn lịch sử.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho rằng, để ôn thi tuyển sinh 10 môn Lịch sử thì các bạn nên chú ý một số điểm.

Thứ nhất, các em cần học lại SGK và xem lại phần giảm tải mới nhất của Bộ giáo dục ban hành hồi đầu năm. Đó là công văn 3280/ BGĐT - GDTrH ngày 27/8/2020 đã hướng dẫn cụ thể đồng thời cũng định hướng cách dạy cho giáo viên theo hướng phát huy năng lực và xây dựng các chủ đề học tập. Vì thế các em có thể hình dung về các chủ đề và hệ thống kiến thức.

Ngoài ra, cô Thảo cho rằng, các em học sinh cần chịu khó hệ thống kiến thức theo trục thời gian sự kiện trong các giai đoạn lịch sử.

Môn Sử thi vào lớp 10: Cần tập trung vào kiến thức nào để đạt điểm cao? - Ảnh 1.

Cụ thể, ở phần lịch sử thế giới: Các sự kiện lịch sử và ý nghĩa lịch sử của Trật tự thế giới hai cực Ianta; lập bảng thống kê các giai đoạn phát triển của các nước Liên Xô; Đông Nam Á; Châu Á; Mỹ; Nhật; Tây Âu như 1945 - 1950; 1950- 1973; 1973- 1982; 1982 - 1991 và 1991 -2000.

“Điều này giúp các em học sinh vừa nắm kiến thức cơ bản, sự kiện cơ bản, đặc điểm chính của các nước nhưng cũng thấy điểm giống và khác để làm được câu hỏi nâng cao, đặc biệt là câu so sánh”- cô Thảo nhấn mạnh.

Cũng theo cô Thảo, bên cạnh đó, các học sinh đừng bỏ qua bài tổng kết. Các bạn nên gạch chân các ý cơ bản như đặc điểm chung của thế giới sau 1945; xu thế quan hệ quốc tế và trật thự thế giới.

Lịch sử Việt Nam, cần để ý 6 vấn đề

Đối với lịch sử Việt Nam, Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo cho rằng, các em học sinh nên hệ thống theo các giai đoạn lịch sử với các chủ đề và lập bảng niên biểu các sự kiện.

Cụ thể, 6 chủ đề và niên biểu các sự kiện như sau:

Thứ nhất: Lập bảng về tầng lớp xã hội Việt Nam sau chiến tranh thế giới I.

Thứ hai: Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc (ý nghĩa của sự kiện 1920; 6/1925).

Thứ ba: Phong trào cách mạng qua các giai đoạn (1930-1931); (1936- 1939); (1939-1945).

Thứ tư: Kháng chiến chống Pháp (1945- 1954): Lập bảng thống kê về các chiến dịch; nội dung chính của Hiệp định Giơ- ne- vơ; ý nghĩa của các chiến dịch và hiệp định.

Thứ năm: Kháng chiến chống Mỹ ( 1954-1975) lập bảng so sánh các chiến lược ( thời gian, phạm vi, lực lượng, thắng lợi quân sự), hiệp định Paris và nguyên nhân; ý nghĩa của kháng chiến chống Mỹ.

Thứ sáu: Việt Nam sau 1975 và công cuộc đổi mới chủ yếu tập trung vào việc hoàn thành việc thống nhất về mặt nhà nước và nội dung cơ bản của đổi mới đất nước.

Cô Thảo cho rằng, với việc hệ thống xong 6 vấn đề này thì học sinh hoàn toàn có thể nắm được cơ bản các nội dung và rèn luyện một số đề năm trước để có kinh nghiệm.

Ngoài ra, theo cô Thảo cho rằng, các em học sinh không phải lo lắng hay căng thẳng đi học ôn luyện. Cố gắng đọc kỹ sách giáo khoa; hiểu được ý nghĩa sự kiện tiến trình lịch sử là có thể đủ kiến thức để đi thi.

Chia sẻ