Mối nguy toàn cầu từ sinh vật ngoại lai, gây thiệt hại 423 tỷ USD/năm
Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc (LHQ) chỉ ra các loài sinh vật ngoại lai xâm lấn đang gây thiệt hại cho thế giới 423 tỷ USD/năm và khiến môi trường hỗn loạn.
Theo đài truyền hình CNN, báo cáo mới do LHQ thực hiện cho thấy các loài xâm lấn khiến thực vật và động vật trên Trái Đất tuyệt chủng, đe dọa an ninh lương thực và làm trầm trọng thêm thảm họa môi trường trên toàn cầu.
Các nhà khoa học hàng đầu cho biết hoạt động của con người - thường thông qua hoạt động du lịch hoặc thương mại toàn cầu - đang khiến các loài động vật, thực vật và sinh vật khác lan rộng ở các khu vực mới với “tốc độ chưa từng có”, với 200 loài ngoại lai mới được ghi nhận mỗi năm.
Trong số 37.000 sinh vật ngoại lai được biết đến, 3.500 loài được coi là có hại và gây ra mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng do phá hủy mùa màng, xóa sổ các loài sinh vật bản địa, làm ô nhiễm nguồn nước, lây lan dịch bệnh và đặt nền móng cho những thảm họa thiên nhiên tàn khốc. Thiệt hại kinh tế toàn cầu là rất lớn, tăng ít nhất gấp bốn lần mỗi thập kỷ kể từ năm 1970.
Nhà sinh thái học Helen Roy, đồng tác giả của báo cáo Nền tảng liên chính phủ của LHQ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES), cho biết con số trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Nhóm tác giả cảnh báo nếu không có sự can thiệp để ngăn chặn sự lây lan và tác động của chúng, tổng số loài xâm lấn trên toàn cầu vào năm 2050 sẽ cao hơn 1/3 so với năm 2005. “Chúng tôi biết rằng mọi thứ không thay đổi. Biến đổi khí hậu đang trở nên tồi tệ hơn… do đó chúng tôi dự đoán mối đe dọa do các loài ngoại lai xâm lấn gây ra cũng sẽ trở nên tồi tệ hơn”, nhà sinh thái Roy nói.
Các loài ngoại lai là thực vật, động vật hoặc các sinh vật khác di chuyển đến một vùng hoặc khu vực mới thông qua các hoạt động của con người. Một loài ngoại lai trở thành loài xâm lấn khi nó sinh sôi, phát triển ở khu vực mới đó và tạo ra tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái địa phương, bao gồm lối sống của con người. Các ví dụ điển hình nhất cho những hiện tượng này là lục bình làm tắc nghẽn các hồ và sông ở châu Phi hay loài ốc đất khổng lồ châu Phi xuất hiện tại các ngôi làng trên đảo Giáng sinh ở Ấn Độ Dương. Mới đây nhất là vụ cua xanh sinh sản tràn lan, đe dọa nền kinh tế của Italy hay muỗi đang lây lan các bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét và virus Tây sông Nile sang các khu vực mới.
Theo báo cáo của LHQ, sự lây lan của các loài ngoại lai khắp các quốc gia và lục địa là nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học, làm suy giảm mạng lưới hệ sinh thái phức tạp mà nhân loại phụ thuộc vào. Báo cáo chỉ ra các loài xâm lấn có mối liên hệ với 60% số vụ tuyệt chủng toàn cầu được ghi nhận.
Một khi loài xâm lấn chiếm ưu thế, tác động có thể rất thảm khốc. Gần đây nhất, các loại cỏ và cây bụi ngoại lai ở Huawaii khô héo đã góp phần gây ra vụ cháy rừng tàn khốc ở Maui (Mỹ) vào tháng trước. Đây là một trong những vụ cháy rừng nguy hiểm nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ.
Anibal Pauchard, đồng tác giả báo cáo kiêm Giáo sư tại Viện Sinh thái và Đa dạng sinh học Chile, nhận định: “Sẽ là một sai lầm cực kỳ tốn kém nếu coi các cuộc xâm lược sinh học chỉ là vấn đề của người khác. Mặc dù từng loài gây thiệt hại khác nhau tùy theo từng nơi, nhưng đây là những rủi ro và thách thức có tác động cục bộ, mà người dân ở mọi quốc gia, mọi thành phần và mọi cộng đồng phải đối mặt. Ngay cả Nam Cực cũng đang bị ảnh hưởng”.
Cùng với các loài xâm lấn, các nguyên nhân chính khác gây mất đa dạng sinh học bao gồm hoạt động phá hủy môi trường sống trên đất liền và biển, khai thác sinh vật, biến đổi khí hậu và ô nhiễm.
Báo cáo kết luận cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ chỉ làm tăng thêm mối đe dọa từ các loài xâm lấn, trở thành yếu tố chính khiến các loài này lan rộng và sinh sống ở các khu vực mới.
Các nhà khoa học lạc quan rằng nhân loại vẫn có thể ngăn chặn sự xâm lấn của các loài ngoại lai. Điều cần làm đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa, đặc biệt là với hệ thống biển. Các hành động ngăn chặn bao gồm kiểm soát nghiêm ngặt xu hướng xu nhập và hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện và ứng phó với các loài trước khi chúng kịp hình thành quần thể.