Mệt mỏi kiểm tra giữa học kỳ I

Đặng Trinh,
Chia sẻ

Trong khi TP HCM yêu cầu việc thi, kiểm tra trực tuyến chỉ tổ chức nhẹ nhàng thì nhiều trường tiểu học lại tổ chức thi cứng nhắc, gây quá tải cho học sinh và phụ huynh.

Chị Hương, một phụ huynh tại quận Gò Vấp (TP HCM), cho biết chưa khi nào việc thi giữa kỳ của học sinh (HS) lại mệt mỏi như năm học này, khi nhà chị có 2 con đang học lớp 4 và lớp 6 thì vào những ngày thi cao điểm, chị Hương phải xin nghỉ làm để ở nhà hỗ trợ 2 con.

Phụ huynh nghỉ làm để... canh giờ thi

Nhiều phụ huynh khối lớp 5 Trường Tiểu học Đ.T.R (TP Thủ Đức) phản ánh là khi trường tổ chức thi thử giữa kỳ, cứ đến môn thi nào là giáo viên (GV) sẽ gửi đường link vào group Zalo của phụ huynh, phụ huynh thêm một công đoạn là gửi đường link đó cho HS vào làm bài.

Mệt mỏi kiểm tra giữa học kỳ I - Ảnh 1.

Cha mẹ nên tạo không gian riêng cho con học và thi trực tuyến

Vì sợ con mình thiệt thòi, nếu vào ngày thi mà không thể cầm điện thoại, không kịp gửi link đề thi cho con nên nhiều phụ huynh chọn cách xin nghỉ ở nhà trong mấy ngày các con thi. Một số phụ huynh không thể nghỉ được thì để luôn điện thoại ở nhà cho con.

Trường hợp như nhiều phụ huynh trên không phải hiếm khi hiện nay, theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi trường tổ chức một cách thi, kiểm tra khác nhau. Có trường sẽ tổ chức nhẹ nhàng, cũng có trường gây quá tải. Tại Trường Tiểu học An Khánh (TP Thủ Đức), HS sẽ kiểm tra giữa kỳ 3 môn là tiếng Việt, toán và tiếng Anh. Theo chị Hoàng, một phụ huynh lớp 4 tại trường, nhà trường tổ chức thi trên ứng dụng Azota, gia đình nào có máy in thì in đề thi, làm bài luôn trên đó và chụp lại bài làm để gửi GV, nếu quá giờ hệ thống sẽ tự khóa. Còn HS nào không có máy in các em sẽ làm bài trên giấy, chụp lại để gửi cho GV.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 7), cô Hoàng Thụy Bích Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhà trường tổ chức cho HS thi trực tuyến trên hệ thống olm.vn, mỗi HS sẽ có một tài khoản riêng. Trường soạn đề đưa vào hệ thống và hẹn giờ đồng loạt, lịch thi cũng đặt luôn trên hệ thống, chẳng hạn thi lúc 8 giờ thì đúng 8 giờ đề thi sẽ được mở, riêng chính tả và tập làm văn thì HS làm vào buổi tối, HS viết vào giấy, phụ huynh chụp hình nộp vào hệ thống. Quan điểm của trường là tổ chức nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho các em. Theo cô Thủy, khi vào thử một phòng thi, chứng kiến có những em phải theo mẹ đến cơ quan làm bài rất vất vả…

Không được tạo áp lực thi cử

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, việc kiểm tra định kỳ giữa học kỳ I chỉ nhằm mục tiêu đánh giá sự tiến bộ của HS, coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố trong học tập, rèn luyện của HS, giúp HS phát huy nhiều nhất khả năng, bảo đảm kịp thời, công bằng, khách quan. Các cơ sở giáo dục có thể sử dụng các hệ thống kiểm tra, đánh giá trực tuyến do sở đã xây dựng hoặc các hệ thống kiểm tra, đánh giá khác đã liên kết hệ thống của sở, khai thác các công cụ thiết kế bài kiểm tra có sẵn. Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng khẳng định rằng các trường tuyệt đối không tạo ra áp lực kiểm tra định kỳ với HS, chỉ xem như một hoạt động đánh giá thông thường hằng ngày dành cho các em.

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết sở đã có hướng dẫn, tập huấn các trường rất cụ thể trong việc thi, kiểm tra trực tuyến, đặc biệt tránh gây quá tải cho phụ huynh, HS. Đối với khối lớp 4, lớp 5, việc kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ chỉ là để đánh giá quá trình các em HS học trực tuyến thế nào, điểm số hoàn toàn không có giá trị.

"Có thể với một số trường hợp, việc dạy và kiểm tra trực tuyến khá căng thẳng với một số GV, nhất là các GV lớn tuổi nên để xảy ra các tình huống cứng nhắc, gây vất vả cho phụ huynh, HS. Chúng tôi sẽ nắm bắt và chấn chỉnh kịp thời" - bà Thúy nói.

Không nên can thiệp vào bài làm của con

Cô Hoàng Thụy Bích Thủy cho biết trong quá trình kiểm tra, đánh giá trực tuyến có thực tế là rất khó quản lý được sự can thiệp của phụ huynh khi HS làm bài. Điểm số của các em không quan trọng nhưng nếu có phụ huynh giúp đỡ thì kết quả là rất khó đánh giá chính xác năng lực thực sự, khả năng tiếp thu của em đến đâu để GV điều chỉnh phương pháp hoặc bồi dưỡng kịp thời. "Nhà trường không siết nhưng khuyên phụ huynh nên cho các em được tự do làm bài để việc đánh giá được khách quan, công bằng nhất" - cô Thủy nói.


Chia sẻ