Mẹo đơn giản giúp mẹ bỉm sữa thoát khỏi cuộc chiến “cơm chan nước mắt”

Mai Thùy,
Chia sẻ

Chỉ vì muốn con ăn được nhiều, không ít ông bố bà mẹ đã mắc sai lầm để rồi con ngày càng chán ăn, sợ ăn, còn bố mẹ rơi vào tình trạng stress mỗi khi nhắc đến vấn đề ăn uống của con.

"Cố nốt miếng này nữa thôi con"; "ăn đi rồi mẹ cho xem điện thoại"; "có há mồm ăn không thì bảo"; "ăn đi, không ăn thì chết đói à"… là những cụm từ thường xuyên được vang lên trong mỗi bữa cơm tối nhà chị Nga.

Sau những tiếng quát tháo, tiếng bát đũa va xuống mâm lẻng xẻng, người trong xóm bắt đầu thấy tiếng khóc vọng ra của hai đứa con chị, một đứa 4 tuổi, một đứa chập chững lên 2.

Cậu con lớn nhà chị lười ăn có tiếng trong con ngõ này. Hay nói cách khác, cứ đến bữa cơm là nó rình chạy đi chơi, chạy sang nhà hàng xóm trốn không về. Ăn cơm đối với nó như một… cực hình.

Mẹo đơn giản giúp mẹ bỉm sữa thoát khỏi cuộc chiến “cơm chan nước mắt” - Ảnh 1.

Con biếng ăn khiến mẹ stress. Ảnh minh họa

Chị Nga cũng không thể hiểu nổi, tại sao con mình lại lười ăn đến thế. Bữa nào cũng phải hò hét rồi đến "cơm chan nước mắt" mới xong bữa. Đến lớp, các cô cũng ngao ngán về độ lười ăn của con. Chả vậy, dù 4 tuổi nhưng con gầy quắt queo, chỉ nặng 14kg.

Đứa bé nhà chị đỡ hơn một chút nhưng cũng khiến bà mẹ này phải điên đầu vì thói quen ngậm cơm trong mồm không chịu nuốt. Vậy nên, bữa cơm nhà chị thường kéo dài cả tiếng đồng hồ chưa xong với những điệp khúc hầu như ngày nào cũng diễn ra.

Được nhiều người góp ý về việc thay đổi phương pháp cho con ăn, chị Nga cũng thay đổi một chút, ít quát mắng hơn. Tuy nhiên, rốt cuộc cũng chẳng ăn thua, bọn trẻ nhà chị chỉ được vài miếng rồi lại đâu vào đấy. Sợ con bị đói, chị lại tiếp tục công cuộc "nhồi nhét" cho con ăn thật lực mỗi ngày.

"Cuộc chiến" với vấn đề ăn uống của hai đứa con nhỏ đã khiến chị dần trở thành một con người khác. Chị quát mắng lũ trẻ nhiều hơn, hay nóng giận, ngay cả với chồng chị. Không khí gia đình thường rơi vào căng thẳng.

Mẹo đơn giản giúp mẹ bỉm sữa thoát khỏi cuộc chiến “cơm chan nước mắt” - Ảnh 3.

Càng ép càng khiến con sợ ăn hơn

Hiện nay, hầu hết các gia đình có con nhỏ đều mong muốn cho con ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn đa dạng các loại thực phẩm để phát triển khỏe mạnh "bằng bạn bằng bè". Tuy nhiên, cũng chính tâm lý đó đã khiến nhiều ông bố, bà mẹ hay ép bé ăn mà không để ý đến sở thích, cảm nhận của đứa trẻ.

PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, khi bố mẹ ép bé ăn, phản ứng đầu tiên của đứa trẻ là chống đối ăn trước khi ăn. Nếu việc này diễn ra thường xuyên, lâu dần bé sẽ bị chán ăn, mỗi khi chuẩn bị đến bữa ăn, nghe tiếng bát, thìa là bé đã có phản ứng, cảm thấy ức chế và bữa ăn không phải là niềm vui mà là cực hình đối với trẻ.

Việc bị bố mẹ ép dẫn đến tâm lý sợ nên phải ăn. Trẻ há miệng, nuốt thức ăn mà không cảm nhận được món ăn đó có ngon hay không. Điều này ảnh hưởng không tốt đến vị giác của trẻ.

Hơn nữa, theo vị chuyên gia dinh dưỡng này, những bữa ăn kiểu bị ép như vậy sẽ không mang lại nhiều hiệu quả. Ngược lại, có thể ảnh hưởng đến vấn đề tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn về sau.

Làm thế nào để trẻ hết biếng ăn?

Mẹo đơn giản giúp mẹ bỉm sữa thoát khỏi cuộc chiến “cơm chan nước mắt” - Ảnh 2.

Để con thật sự đói, đa dạng thực đơn và trình bày các món ăn bắt mắt có thể giúp trẻ hứng thú với các bữa ăn hơn. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, để trẻ hứng thú với các bữa ăn, bố mẹ cần lưu ý những điều sau đây:

Để trẻ thực sự đói: Bố mẹ nên sắp xếp các bữa ăn chính và phụ cách nhau từ 2-3 giờ, giữa các bữa ăn chỉ cho trẻ uống nước. Không nên cho trẻ ăn vặt (bim bim, bánh kẹo) gần bữa ăn vì sẽ tạo cảm giác ngang bụng khiến trẻ không muốn ăn ở bữa ăn chính. Bên cạnh đó, có thể khuyến khích trẻ chơi các trò chơi, chạy nhảy, leo trèo trước giờ ăn để tiêu hao năng lượng, sẵn sàng cho bữa ăn.

Đa dạng thực đơn hàng ngày: Mỗi đứa trẻ sẽ có một nhu cầu, sở thích và khẩu vị khác nhau. Một món ăn được trang trí đẹp mắt dễ hấp dẫn trẻ hơn nhiều. Do đó, mẹ hãy bỏ chút thời gian để trình bày các món ăn đẹp mắt một chút vì nó cũng có sức kích thích sự thèm ăn ở trẻ.

Khen ngợi khi con ăn ngoan: Mọi trẻ em đều thích được khen. Do đó, mỗi lần bé ăn ngoan, hãy khen bé và khích lệ cho những bữa ăn sau. Lâu dần, bé sẽ thích tự ăn hơn là bị ép.

Không cố ép khi con không muốn ăn: Khi trẻ không muốn ăn, tức là trẻ đang gặp vấn đề. Một là trẻ không thích món ăn đó hoặc có thể trẻ đã no, không muốn ăn nữa. Do đó, bố mẹ không cố ép trẻ để tránh tạo tâm lý sợ ăn, ảnh hưởng không tốt về sau.

Link bài gốc: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/meo-don-gian-giup-me-bim-sua-thoat-khoi-cuoc-chien-com-chan-nuoc-mat-20191127133349588.htm

Chia sẻ