Mẹ Xu Sim: "Chẳng nhẽ cứ con không trong sáng thì tại youtube, con học kém thì tại nhà trường, con bị cô lập thì tại bạn bè?"
"Thành thật mà nói thì youtube, tiktok và các kênh trên internet vừa là tài nguyên vô tận, vừa là bãi rác khổng lồ...", chị Hà chia sẻ.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không thuộc về tòa soạn
Nhà báo Thu Hà từng là giáo viên tiểu học và là mẹ của 2 bé gái đáng yêu Xu và Sim. Với kinh nghiệm làm mẹ và từng là giáo viên, mẹ Xu Sim thường chia sẻ những quan điểm về nuôi dạy trẻ và nhận được bão like của cộng đồng mạng.
Mới đây, nhân vụ việc của Yotuber Thơ Nguyễn, chị Hà cũng chia sẻ suy nghĩ của mình và nhận được nhiều lời khen vì sự đa chiều, thiết thực. Chúng tôi xin được phép chia sẻ lại bài viết của chị như sau:
"Tới tuần này, khi Thơ Nguyễn nói tới Kumanthong, nhiều ba mẹ giật mình hoảng hốt thì con số đã 8,6 triệu Subscribers rồi. Suốt 4, 5 năm nay, đã hàng trăm triệu lượt các bé xem những thứ nhảm nhí và mãi tới video này, chúng ta mới ào ào lên án!
Thành thật mà nói thì youtube, tiktok và các kênh trên internet vừa là tài nguyên vô tận, vừa là bãi rác khổng lồ. Chúng vừa là người thầy thông thái, vừa là kẻ xúi giục tầm bậy; vừa là người tài trợ vô tư miễn phí, vừa là kẻ cắp điều quý nhất của bạn - thời gian!
Và lần nào cũng vậy, mỗi khi truyền thông dậy sóng và cơ quan chức năng ra lệnh cấm, thì rất nhiều trẻ em đã xem xong!
Chẳng nhẽ cứ con không trong sáng thì tại youtube, con học kém thì tại nhà trường, con bị cô lập thì tại bạn bè, con trầm cảm bảo tại thi? Văn hóa "đổ Thừa" chỉ nhàn cho ba mẹ, nhưng khổ cho con mình!
Chúng ta không đơn thuần là nạn nhân. Họ xấu là việc của họ, chúng ta có quyền lựa chọn mà. Ví dụ, Youtube có tính năng hạn chế nội dung không lành mạnh. Bạn đăng nhập vào youtube trên tivi bằng địa chỉ email, chọn cài đặt -> chọn chế độ hạn chế -> bật. Rồi Tính năng khóa trẻ em, ba mẹ có thể cài đặt mật khẩu để con không thể tự ý sử dụng.
Nhà báo Thu Hà
Chẳng nhẽ cứ con không trong sáng thì tại youtube, con học kém thì tại nhà trường, con bị cô lập thì tại bạn bè, con trầm cảm bảo tại thi? Văn hóa "đổ Thừa" chỉ nhàn cho ba mẹ, nhưng khổ cho con mình!
Ngày xưa, khi bắt đầu là mẹ đơn thân, biết là sẽ bận, không thể ngồi xem tivi chung với con, nên nhà mình không mua tivi suốt gần 10 năm. Đi làm ở đâu hay hay, mình toàn đưa con đi chung. Nhưng đó chỉ là 1 phần của những giải pháp trên ngọn thôi.
Mỗi lần mình viết về nguy cơ, như bánh quy cần sa, thuốc lá điện tử, bạo lực bắt nạt học đường... thì các ba mẹ chia sẻ tưng bừng rồi hoảng hốt: "Chị ơi, vậy canh con làm sao? Cấm làm sao?". Dạ, cấm không hết được đâu!
Không có ngôi trường nào là "vô trùng" tuyệt đối. Không có nước nào là hoàn toàn không có tội phạm. Không có phần mềm nào để lọc ra 100% chỉ toàn tốt đẹp. Cấm Thơ này thì vẫn sẽ còn Thơ khác. Chúng ta phải chấp nhận sống chung thôi.
Công bằng mà nói, những cái xấu thì luôn lan tràn nhanh và dễ dàng. Lớn hơn 1 chút thì phim sex. Thậm chí ngay cả khi không phim sex, rất nhiều học sinh thức chat chít với nhau tới tận 2-3 giờ sáng, rồi hôm sau ngủ gật trong lớp. Rồi thì bạn xấu, rồi thì áp lực bạn bè....
Vậy thì, quan trọng nhất để bảo vệ con là nội lực của chính con. Làm sao để ngay từ nhỏ xíu, con mình có gu thẩm mỹ tử tế, đã tràn đầy những điều tốt đẹp, thì dù có va vào cái xấu, cũng tự bật trở về.
Là cha mẹ kịp “cài đặt” bên trong con 1 bộ lọc tốt, 1 cái la bàn tốt, để dù không có tường lửa, không có ba mẹ canh, con vẫn biết tự lọc đúng, lựa chọn đúng.
Biết là ai cũng bận, nhưng bố mẹ hãy phân chia thời gian để được bên con thật nhiều. Thân thiết, ấm áp và kết nối, dạy dỗ ngay khi con còn nhỏ, khi con dậy thì, mọi lúc có thể.
Ba mẹ vẫn là người ở bên con mình nhiều nhất, và có ảnh hưởng mạnh nhất tới con mình. Ông bà nội ngoại, bảo mẫu, giúp việc, các giáo viên trường quốc tế... cũng không ai bằng ba mẹ đâu".