Xin mẹ, hãy thấu hiểu con!

Phong Linh,
Chia sẻ

Trẻ con bây giờ lớn rất nhanh chứ không ngô nghê như bố mẹ ngày xưa. Để làm bạn với con tưởng chừng như rất khó, nhưng thực ra cũng đơn giản thôi.

Uyên (học sinh lớp 5) đi học vừa về tới cổng đã gọi to: “Mẹ ơi, mẹ ơi, con có chuyện này kể cho mẹ này”. Nhìn thấy mẹ Hà tất tưởi từ trong bếp chạy ra, Uyên đã luyến thoắng kể: “Hôm nay ở lớp con được cô giáo khen mẹ ạ. Cô giáo nói con viết đẹp, làm toán nhanh nên từ giờ cô giáo cho con làm lớp phó học tập, để giúp đỡ các bạn trong lớp học đấy. Con giỏi không mẹ”. Chị Hà dù đang vội vàng chuẩn bị cho bữa cơm chiều, nhưng cũng không quên nựng cô con gái yêu của mình: “Con gái mẹ giỏi quá. Mẹ yêu lắm. Con mau cất sách vở đi rồi xuống đây với mẹ. Tối nay mẹ sẽ làm nhiều món ngon cho con và bố ăn nhé”.
 
Những câu chuyện nhỏ như vậy ngày nào cũng diễn ra trong gia đình chị Hà. Bé Uyên đi học, dù ở trường có chuyện gì cũng tíu ta tíu tít kể cho mẹ nghe. Không phải chỉ chuyện được khen, được điểm mười, mà cả những lần bị điểm kém, những lúc bị thầy cô trách phạt, hay làm bài tập sai… Uyên cũng về kể cho mẹ. Bạn bè trong lớp có lần đến nhà thấy Uyên cứ xoắn lấy mẹ mới lấy làm lạ hỏi: “Uyên lớn rồi mà cứ lẽo đẽo theo mẹ như con nít ý”. Uyên liền quay ra cười hớn hở bảo: “Mẹ là bạn thân nhất của tớ mà. Mẹ bảo vậy đấy. Ở nhà các cậu không thế à?”. Lúc nào kể về mẹ Uyên cũng khoe: “Mẹ tớ không bao giờ mắng tớ đâu. Có lần bị điểm kém, tớ nên không nói với mẹ. Nhưng  lúc mẹ kiểm tra vở để dạy tớ học mẹ chỉ hỏi sao hôm nay con làm bài kém vậy? Con có chuyện gì à? Rồi tớ nói cho mẹ tớ nghe lý do. Tớ xin lỗi mẹ tớ, thế là mẹ tớ hết giận”.
 

Chị Hà có những bí quyết dạy con rất quý giá và hữu ích như sau: Ngay từ khi con còn bé, chị đã chủ động nói chuyện với con khiến con có cảm giác gần gũi. Sau này đến lúc con bắt đầu đi học, chị thường xuyên hỏi chuyện học hành, chuyện bạn bè, thầy cô của con. Chị luôn có gắng tạo cảm giác thân thiết và gần gũi với con. Đặc biệt là với những lỗi lầm của con, dù lúc đó đang tức giận vô cùng nhưng không bao giờ chị trách, mắng hay tìm cách ngắt lời con. Chính vì vậy mà càng lớn con càng tin tưởng chị.

Có lần, để ý thấy bé Uyên đi học về cứ thơ thẩn, chạy luôn vào phòng chứ không quấn quýt mẹ như mọi hôm, đoán là có gì đó “bất thường”, chị Hà vào ngồi cạnh con và xoa đầu con, thì thầm: “Con gái mẹ có chuyện buồn thì cũng phải nói để mẹ còn giúp con hết buồn chứ. Mẹ giỏi về chuyện đó lắm mà”. Lúc đấy con mới kể là có bạn ở lớp tặng cho con một cái bút và nói yêu con”.

Mặc dù lúc đó, chị Hà cảm thấy lo lắng vô cùng vì tụi trẻ con bây giờ lớn rất nhanh chứ không ngô nghê như bố mẹ ngày xưa nhưng chị không vội mắng con như những người khác. Tối hôm đó, chị phải nói chuyện với chồng, để cùng nghĩ cách tâm sự và gỡ rối cho con gái. Sau khi được mẹ gỡ rối, con gái chị ôm cổ mẹ cười rạng rỡ: “Mẹ giỏi quá, con hết buồn rồi. Bạn Nam (tên cậu bé tỏ tình với Uyên) sẽ là bạn tốt nhất của con mẹ nhỉ. Hôm sau con dẫn bạn ấy về nhà chơi”. Sau chuyện đó, Uyên dù có chuyện gì cũng luôn kể cho mẹ nghe đầu tiên.

Để làm bạn với con tưởng chừng như rất khó, nhưng thực ra cũng đơn giản thôi. Quan trọng nhất vẫn là ở tình yêu thương và sự thấu hiểu. Nếu yêu thương con cái đúng cách, bố mẹ sẽ biết nên cư xử với con cái ra sao. Bây giờ cuộc sống của con cái chúng ta phức tạp hơn thế hệ chúng ta ngày xưa rất nhiều. Thế nên nếu ngày xưa bố mẹ có đánh, có chửi chúng ta thì chúng ta cũng chỉ  giận lúc đấy rồi ra đồng chăn trâu là hết giận. Nhưng bây giờ nếu đánh chửi con cái, chúng lại lên facebook, yahoo than vãn rồi bạn bè xấu được dịp rủ rê… Đủ những thứ rắc rối khác. Mỗi thời mỗi khác. Vì vậy, bố mẹ muốn làm bạn của con thì trước hết đừng chửi, đánh con. Hãy để chúng được phát biểu ý kiến của mình. Hãy khiến chúng tin tưởng chúng ta trước đã.

Chia sẻ