Xin mẹ đừng trút giận lên đầu con

Thụy Anh ,
Chia sẻ

“Không biết mẹ tức giận những việc gì, vì đâu nhưng cứ hễ về nhà nhìn thấy mặt cháu là lại la mắng, mẹ còn dùng roi đánh cháu nữa. Cháu sợ lắm”.

Nguyên Anh (9 tuổi), học sinh lớp 4 trường tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy vừa khóc vừa kể cho dì của mình nghe.

Bố mẹ bé Nguyên Anh đều là công chức nhà nước nên công việc không chịu áp lực nhiều lắm. Tuy vậy, mẹ của bé lại là người rất dễ bị kích động và thường xuyên la mắng con cái. Nguyên Anh kể rằng có lần mẹ tức tối chuyện gì đó, trong bữa ăn bố và mẹ nói chuyện với nhau, sau đó mẹ bắt đầu to tiếng nói bố không biết chuyện gì thì đừng có mà lên mặt dạy đời. Đang lúc lên cơn tức, bố Nguyên Anh bỏ ra ngoài còn mẹ với Nguyên Anh ở nhà. Mẹ tức giận bố nên đem đổ hết thức ăn đi, chẳng cần biết con trai mình đã ăn tý nào chưa. Sau đó Nguyên Anh chưa lên học bài ngay mà còn ngồi ở phòng khách xem tivi đợi bố. Em kể, chắc tại mẹ  ngứa mắt quá nên đã giằng lấy điều khiển từ tay em rồi quát mắng, như thể có chỗ để mà xả tức. Mặc cho em khóc thút thít xin, mẹ vẫn mắng chửi loạn xạ và còn bắt em phải quỳ gối xin lỗi: “Cái nhà này bây giờ không còn ai con tao ra cái gì nữa phải không? Mày với bố mày tìm đường mà đi hết đi. Tao cấm mày từ này không được gọi tao là mẹ nữa. Cũng không có học hành gì nữa”. Nguyên Anh khóc khi kể lại những điều này.

Khi được hỏi về vấn đề này, chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Hòa Anh, trung tâm tư vấn tâm lý Hà Nội có chia sẻ rằng, có rất nhiều bậc phụ huynh do không tự kìm chế được cảm xúc mà trút mọi sự giận dữ từ bên ngoài lên đầu con cái mình. Không chỉ là những lời chì chiết, chửi bới mà còn cả những trận đòn roi, dọa dẫm vì những lý do rất “trời ơi”. Điều này cũng xuất phát từ tâm lý của các bậc phụ huynh khi họ cho rằng, con cái đang còn nhỏ thì mắng chửi vài câu chúng có biết gì đâu mà giận dỗi. Nhưng họ không hề biết rằng, càng đối với những đứa trẻ thì chúng càng dễ bị tổn thương vì những chì chiết của cha mẹ.

Trường hợp của cháu Trâm (15 tuổi), học sinh lớp 9 trường trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (Nguyễn Khuyến, Đống Đa, Hà Nội) cũng là một ví dụ.

Trâm đã tâm sự với bạn bè trên facebook của em rằng “Hễ lần nào bố mẹ cãi nhau là mẹ lại chửi mắng mình. Hình như việc hành hạ mình khiến mẹ cảm thấy thoải mái hơn. Nhẹ thì mẹ chửi rủa, những chuyện mà hàng ngày mẹ chẳng bao giờ so đo tính toán, chẳng bao giờ mắng mình, thì lúc tức giận mẹ đem ra chửi cho sướng. Rồi hôm nay, mẹ từ đâu hùng hổ đi về, nhìn thấy mình đang nói chuyện điện thoại với bạn, mẹ giật ngay cái điện thoại quăng xuống sàn, và tát mình hai cái. Tối mẹ lại gọi mình xuống ăn cơm như chưa hề có chuyện gì? Tại sao??? Mình thấy tuyệt vọng quá. Mình không muốn sống trong cái nhà này nữa. Nó còn hơn cả địa ngục”.

Trâm còn tâm sự rằng ngay từ nhỏ em đã phải chịu sự trút giận thường xuyên của mẹ. Nhưng lúc đó bố mẹ đang khó khăn nên mẹ cáu gắt còn có thể hiểu được. Bây giờ mẹ nhàn nhã và không phải lo nghĩ nhiều nhưng mẹ vẫn không thay đổi. Càng lớn Trâm càng cảm thấy tuyệt vọng. Cô bé không cởi mở và chia sẻ được với bạn bè cùng lớp. Nhưng cha mẹ em không nhận thấy điều này.

Chuyên gia tư vấn Hòa Anh cho biết, Trường hợp của Trâm giống rất nhiều những bạn trẻ mà trước đây đã từng được người thân đưa đến trung tâm xin tư vấn. Hầu hết các em đều đang bị rơi vào trạng thái tổn thương tâm lý do bị chính mẹ mình “hành hạ” không chỉ tinh thần mà còn cả thể xác. Các bà mẹ đều bất ngờ khi nghe các con mình tâm sự với bác sĩ tâm lý.

“Họ đều không ngờ rằng những mắng mỏ, trách móc của mình lại gây ra những tổn thương lớn cho con cái đến như vậy. Bởi trước mặt cha mẹ, các em vẫn tỏ ra bình thường. Nhưng thực ra, chúng luôn ở trong trạng thái lo lắng, sợ hãi khi mẹ đang tức giận. Các bà mẹ cần phải hiểu một điều rằng, đừng vì những chuyện bên ngoài mà trút giận lên con cái mình. Hãy kìm chế sự tức giận hay phẫn uất của mình. Bởi con cái chúng ta cần một môi trường công bằng và yêu thương để có thể trưởng thành”, chuyên gia Hòa Anh khẳng định.

Chia sẻ