Bí quyết nuôi dạy con:

Tấm tắc với tài dạy con cực hay của một bà mẹ trẻ

Hồn Nhiên,
Chia sẻ

(aFamily.vn) - Đến nhà Tiểu Vi (27 tuổi, Quận 3, TP HCM), ai cũng phải tấm tắc, kiêng nể tài chăm con của chị. Chẳng phải là mẹ Hổ hay Báo, chị nuôi dạy con bằng tình yêu thương và những lời dỗ dành ầu ơ…

Đi trước đón đầu khủng hoảng của con

- Chào Tiểu Vi, bạn giới thiệu về hai nàng công chúa nhà mình đi!

Cô cả nhà mình tên là Lan Vi hơn 3 tuổi, cô em tên là Minh Hải hơn 1 tuổi, chính xác là 14 tháng. Mới bé xíu xiu nhưng Lan Vi rất ngoan, biết yêu thương, chăm em bé. Bây giờ bố mẹ hoàn toàn yên tâm khi giao em cho cô chị trông một lát. Lan Vi rất tự lập, bé biết tự xúc cơm, dọn bát đũa, gấp chăn màn,… Có thể nhiều bé ở tầm này bị “khủng hoảng tuổi lên 3” nhưng xem ra Vi nhà mình thì không "dính". (Cười)

Tấm tắc với tài dạy con cực hay của một bà mẹ trẻ 1

- Tiểu Vi "đón đầu" khủng hoảng cho con như thế nào vậy?

Trước khi có bầu, mình thường lên mạng mò mẫm thông tin để đọc, tìm hiểu rồi cóp nhặt cả những sự kiện diễn ra xung quanh (kinh nghiệm của hàng xóm, bạn bè...) để sau còn áp dụng trong cách chăm sóc, nuôi dạy con. 

Khủng hoảng tuổi lên 3 là một ví dụ. Mình được biết, từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, bố mẹ cho ăn gì, mặc gì, chơi trò chơi nào... đều răm rắp nghe theo, bỗng đột ngột khó tính, bướng bỉnh, ném đồ đạc, ăn vạ, khóc lóc…

Thay vì ngồi đợi “nó” đến gõ cửa, mình lên phương án đón đầu luôn. Sự chia sẻ, yêu thương, gần gũi con là điều mình chú trọng. Khủng hoảng tuổi lên 3 là một sự kiện để bé chứng minh mình độc lập, vì thế vợ chồng mình luôn tạo điều kiện cho con tự làm những việc mà bé có khả năng như tự dọn đồ chơi, mặc quần áo, tự cất giày của mình lên giá, tự rửa tay, tự đánh răng...

Tấm tắc với tài dạy con cực hay của một bà mẹ trẻ 2

- Và rồi bước vào tuổi lên 3, Lan Vi có những thay đổi như thế nào?

Bé hầu như không còn nhút nhát với người lạ như trước nữa, mình có thể nhận thấy rõ ở con sự háo hức muốn dự các buổi tiệc, buổi đi chơi đến nhà ông bà, bạn bè, khu vui chơi.

Vì được bố mẹ động viên nên Lan Vi có thể tự mình làm được ngày càng nhiều việc hơn. Điển hình con rất thích vẽ tranh, xếp giấy màu. Khả năng vẽ và tô màu của con cũng ngày càng tiến bộ, nhìn những ngón tay tròn xoe con nắn nót vẽ vời, vợ chồng mình hạnh phúc lắm.

Sang tuổi này, bé đã hiểu rõ về từ ngữ, câu cú dùng đã tương đối “chuẩn”. Mình còn đang tạo điều kiện để khuyến khích con phát triển trí tuệ bằng toán học kumon.

Tấm tắc với tài dạy con cực hay của một bà mẹ trẻ 3

- 3 tuổi Lan Vi đã học toán rồi, liệu có sớm quá không?

Quan điểm của mình rất rõ ràng, mình khuyến khích con học chứ không thúc ép con. Bởi thúc ép sẽ rất dễ dẫn đến tác dụng ngược. Mình luôn khuyến khích con yêu sách vở bằng việc đọc sách cho con nghe mỗi ngày.

Theo mình thấy, Kumon như kiểu vừa học, vừa chơi, phát triển trí tuệ cho con khá tốt. Phương pháp này dựa trên khả năng của con để xây dựng một hệ thống bài học hợp lý, vừa sức.

Mình thấy khá hài lòng với chương trình học này vì trong một thời gian ngắn, Vi nhà mình đã biết cách tự giải quyết vấn đề, con tự tin và thích học hơn. Và thời điểm nên uốn nắn, xây dựng ý thức kỷ luật của bé bây giờ là hiệu quả nhất.

- Kỷ luật bằng lời nói hay roi vọt?

Chủ trương của mình là mềm mỏng, mình không bao giờ đánh con và theo mình đó không phải là một cách làm hay bởi cách kỷ luật dùng bạo lực có thể làm cho một đứa trẻ sợ chính cha mẹ của mình, làm giảm tác dụng của những tương tác tích cực giữa cha mẹ đối với con và có thể bé sẽ cục tính.

Mình luôn dạy con qua những câu chuyện ngụ ngôn nhẹ nhàng, tâm sự, thủ thỉ với con. Trộm vía con rất ngoan, nghe lời, biết giúp đỡ, quan tâm tới cha mẹ, yêu thương em bé. Kim chỉ nam trong việc dạy con của mình đó là luôn khen ngợi và nhắc lại những hành vi tốt của con. 

Tấm tắc với tài dạy con cực hay của một bà mẹ trẻ 4

Mỗi ngày, chị đều chào em bằng một cái thơm chụt chụt

- Thường thì những đứa trẻ khi có em đều tỏ ra ấm ức, ghen tỵ và ghét em bé vì cho rằng em đã "giành" bố mẹ của mình, mình không được bố mẹ yêu nữa... Tiểu Vi làm gì khiến bé Lan Vi mới hơn 3 tuổi đã yêu em hết mực thế này?

Mỗi sáng trước và sau khi đi học, bé đều chạy đến thơm em một cái, khi ở nhà bé thường ở bên chơi với em. Em giành đồ chơi, bé cũng nhường ngay, bị em cắn, cấu, bé chỉ khóc chứ không đánh lại. Nói chung Lan Vi sống rất tình cảm.

Trước khi có bé thứ 2, Lan Vi rất được bố mẹ yêu chiều, chăm bẵm. Nhưng khi có bầu, mình phải làm “công tác tư tưởng” cho con rất nhiều về việc chuẩn bị đón thành viên mới: rủ bé đi sắm đồ cho em, chọn đồ cho em, dạy bé nói chuyện với em trong bụng, cho bé cùng mình nghĩ tên cho em bé.  

Khi em chào đời, vợ chồng mình luôn chia sẻ với Vi về cách chăm em, bảo vệ em. Đặc biệt, dù có bận rộn trong việc chăm sóc bé nhỏ hơn đến đâu nhưng vợ chồng mình cũng dành thời gian quan tâm đến bé lớn. Bởi một vài nụ hôn và cái ôm nồng ấm dành cho con sẽ giúp bé cảm thấy vui vẻ.

Tấm tắc với tài dạy con cực hay của một bà mẹ trẻ 5


- Trong việc dạy hai con, Tiểu Vi chú trọng nhất điều gì?

Có lẽ mình cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con, với mình đó là những phản xạ tự nhiên, từ tình yêu thương chăm bẵm con của một người mẹ mà thôi. Mình tin những lời lẽ khuyên nhủ nhẹ nhàng, ngọt ngào sẽ theo con đi suốt cuộc đời. Con sẽ sống có tình cảm, biết thương yêu, biết nhường nhịn, lễ phép và thật thà, đó là những điều cơ bản.

- Cảm ơn Tiểu Vi về những chia sẻ thú vị này.



Với Hoàng Huyền, việc chăm sóc và nuôi dạy con tốt là phải làm bạn "thành công" với con.
Tấm tắc với tài dạy con cực hay của một bà mẹ trẻ 6
Chia sẻ