Học cách giao tiếp với con

,
Chia sẻ

“Càng lớn càng không biết nghe lời, không học thì sau này lớn lên làm được gì”, “Có mỗi cái bát cũng bê không xong, vụng về quá”,… là những câu cha mẹ chớ nói với con.

Tin tưởng

Trẻ rất muốn được mọi người tin tưởng và tín nhiệm, đặc biệt là từ phía cha mẹ, vì thế khi nói chuyện với bé cưng, cha mẹ nên bày tỏ sự tin tưởng của mình ở con.

Nếu trẻ muốn học đánh cầu lông, bạn có thể nói với trẻ một cách tin tưởng rằng: “Mẹ tin rằng chỉ cần con muốn học và học chăm chỉ, con nhất định sẽ biết chơi cầu lông và chơi rất giỏi”. Điều này vô tình sẽ tiếp thêm sự tư tin cho trẻ, và khiến trẻ hiểu rằng chỉ có kiên trì mới có thể dẫn đến thành công. Nếu bạn nói một cách chế giễu: “Tính nhanh chán, bốc đồng như con mà cũng muốn học chơi cầu lông à?”, bạn đã vô tình làm tổn thương đến lòng tự trọng, khiến trẻ không tự tin vào khả năng của mình.

Tôn trọng

Từ 2-3 tuổi, ý thức về bản thân của trẻ đã bắt đầu hình thành, và càng lớn lòng tự trọng càng rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Trẻ có những suy nghĩ của riêng mình, điều này có nghĩa là trẻ biết những năng lực của bản thân.

Khi trẻ nói lên suy nghĩ và yêu cầu của mình, bạn không nên cho rằng bé không biết nghe lời mà quát mắng con. Nếu bạn yêu cầu bé học tiếng anh nhưng bé lại muốn chơi đùa cùng bạn bè thêm một lát, thì cha mẹ cũng không nên giận dữ nói: “Càng lớn càng không biết nghe lời, không học thì sau này lớn lên làm được gì”, cách làm này chỉ khiến cho trẻ càng ghét học hơn. Thay vào đó, bạn có thể nói một cách tôn trọng: “Thế con chơi thêm một lúc đi, nhưng chơi xong con phải học tiếng anh đấy nhé”, như thế trẻ sẽ vui vẻ tiếp thu lời của bạn.
 

Thương lượng

Mỗi đứa trẻ đều có lòng tự trọng. Khi muốn trẻ làm một việc gì đó, bạn nên dùng “ngữ khí thương lượng” để khiến bé hiểu quan hệ giữa bạn và con là bình đẳng và tôn trọng.

Ví dụ: nếu bạn muốn trẻ thu xếp lại gọn gàng đống đồ chơi đang vứt lung tung trên sàn nhà, bạn có thể nói: “Con này, đồ chơi vứt lung tung là một thói quen rất xấu đấy, con cùng xếp đồ chơi gọn gàng lại với mẹ được không?”. Chớ nên nói một cách ra lệnh: “Con vứt đồ chơi lung tung ra sàn thế à, thu dọn vào nhanh!”. Khi nghe cha mẹ trách móc như vậy sẽ tự nhiên bé sẽ cảm thấy không cam lòng, ngay cả khi bé thực hiện theo lời của bạn thì tâm lý trẻ cũng không vui.

Tán thưởng

Mỗi đứa trẻ đều có những ưu điểm và đều muốn thể hiện. Tán dương có thể làm cho trẻ có cơ hội phát huy sở trường của mình hơn.

Nếu bé vẽ một bức tranh, có thể nó không quá đẹp, nhưng lòng nhiệt tình và chăm chỉ vẽ tranh của bé mới là đáng quý nhất. Vì thế khi bé đưa bức tranh cho cha mẹ xem, bạn không nên nói hờ hững một câu rằng: “Vẽ cũng bình thường, cần luyện tập nhiều hơn con ạ”, như thế là đã vô tình làm trẻ mất đi sự nhiệt tình và tự tin. Thay vào đó, bạn có thể nói một cách tán thưởng để khẳng định tác phẩm của bé: “Không ngờ con của mẹ lại vẽ đẹp như vậy, tiếp tục chăm chỉ nhé, nhất định con sẽ vẽ càng đẹp hơn đấy”. Sự cố gắng của bé được người lớn tán thưởng, bé sẽ cảm thấy rất vui và có hứng thú hơn trong việc vẽ tranh.

Khích lệ

Nếu muốn trẻ làm một việc gì đó mà không mắc một sai lầm nào thì đây là một điều không thể. Khi trẻ làm sai việc gì đó, bạn không nên nhất nhất phê bình, trách móc bé, mà nên giúp bé nhận ra bài học từ lỗi lầm của mình để từ đó rút kinh nghiệm, làm tốt lần sau.

Nếu lần đầu tiên bé giúp mẹ bê thức ăn ra bàn mà lỡ tay làm rơi bát, bạn không nên trách mắng: “Có mỗi cái bát cũng bê không xong, vụng về quá”, điều này sẽ đánh vào lòng tự tin của trẻ khi thử làm những cái mới. Thay vào đó, bạn có thể nói một cách khích lệ, cổ vũ bé: “Con không cẩn thận làm vỡ bát rồi, nhưng không sao, lần sau con nên dùng tay thử xem bát có nóng không rồi hãy bê nhé”, như thế bạn vừa có thể dạy trẻ cách làm vừa khiến trẻ tự tin hơn.

 Ngọc Anh
Tổng hợp từ Parent
Chia sẻ