Hoãn sinh vì sợ con... khắc tuổi bố mẹ

Theo Vnexpress,
Chia sẻ

Dù đã bước sang tuổi 35 nhưng chị Như vẫn quyết định lùi sinh con. Lý do là theo lời thầy bói nếu sang năm chị mà sinh thì con khắc với tuổi của bố và mẹ, làm ăn sẽ khó.

"Vẫn biết là càng có tuổi thì sinh con càng khó khăn hơn, nhưng nhiều người vẫn quan niệm đứa chốt hạ mới là đứa quan trọng, ảnh hưởng đến cả gia đình. Cũng vì thế trước khi tính chuyện có bầu, tôi mới phải cất công đi xem bói, mong con sinh ra sẽ mang lại điều tốt lành cho gia đình", chị Như nói.

Chị Như sinh năm 1978, mệnh hỏa, trong khi chồng chị sinh năm 1968 là mệnh thổ. Theo lời của bà thầy bói thì sang năm là 2013 là mệnh thủy, dòng nước lớn, khắc với cả thổ và hỏa. Vì thế, tốt nhất là chị nên sinh con vào năm 2014, 2015 là mệnh kim, hợp vì thổ sinh kim.

Ngũ Hành là yếu tố đầu tiên được nhiều người xem xét đến khi chọn năm sinh con. Nhiều người căn cứ vào quy luật tương sinh tương khắc của Ngũ hành để chọn, chẳng hạn bố mệnh kim, mẹ mệnh hỏa thì có thể chọn sinh con vào năm mệnh thổ vì mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ lại sinh kim.

Ngoài ra, một số người lại căn cứ vào bộ Tứ hành xung để chọn sinh con như trường hợp gia đình chị Phương (Đông Anh, Hà Nội). Cậu con trai đầu nhà chị sinh năm 2010, là tuổi Dần, trong khi đó bố chồng chị lại tuổi Thân, chị tuổi Hợi (sinh năm 1983).

Hoãn sinh vì sợ con... khắc tuổi bố mẹ

“Thế nên dù rất thích có em bé nhưng mình vẫn đang lăn tăn. Đi xem bói thì thầy phán, một là sinh con năm nay để được rồng con hoặc là sang năm 2014 (năm con ngựa). Tuyệt đối không được sinh con vào năm 2013 vì là năm Tỵ nếu không cả nhà sẽ hợp thành bộ tứ hành xung: Dần-Thân-Tỵ-Hợi”, chị Phương buồn bã nói.

Tình trạng chọn năm sinh con cho hợp bố mẹ diễn ra khá phổ biến và là nỗi khổ của không ít người. Thậm chí có gia đình còn hoãn sinh con vì sợ bé ra đời khắc với... ông nội. Chỉ cần search dòng chữ "sinh con hợp tuổi bố mẹ", Google cũng cho hơn 8 triệu kết quả. Tuy nhiên, thực tế không phải hoàn toàn như vậy.

Theo giáo sư - tiến sĩ khoa học Hoàng Tuấn, Giám Đốc Trung Tâm Unesco (tác giả cuốn sách Tử vi môn khoa học - vận số đời người) thì nếu căn cứ về tứ hành xung trên 12 con giáp để kết luận hợp, xung là hoàn toàn sai lầm. Việc đặt ra địa chi 12 con giáp là người xưa lấy các con vật gần gũi với mình và dựa trên tập quán sinh hoạt của nó để đặt.

Chẳng hạn, chuột thường phá vào ban đêm thì đặt giờ tý, gà gáy sáng đặt giờ ngọ…, rồi từ đó đặt cho các năm -12 năm trong tử vi thuộc 12 địa chi. Từ đó, người ta cũng quan niệm các con vật khắc nhau hay ăn thịt nhau thì quy sang con người sinh năm đó cũng không hợp nhau. Điều này, hoàn toàn sai và thiếu cơ sở khoa học, giáo sư Tuấn cho biết.

Theo ông, muốn tính toán xung - khắc đầy đủ theo tử vi thì ngoài việc dựa trên ngày tháng năm sinh của những người cần biết để xem địa chi, thiên can, ngũ hành thì còn phải căn cứ vào “mệnh và thân - từ khi sinh ra lớn lên của mỗi người”, khả năng bẩm sinh cùng với sự rèn luyện…. Tuy nhiên, tất cả các môn khoa học dự báo nói chung và tử vi nói riêng thì xác suất đúng cũng chỉ đạt 50-70%.

Hơn nữa, về hai quá trình “sinh-khắc” cũng rất động như trong thực tế cuộc sống chứ không một chiều. Trong sinh có khắc, trong khắc có sinh, không thể phán xét một chiều, giáo sư Tuấn lý giải.

Lấy ví dụ, trên nguyên tắc là thủy khắc hỏa, nhưng thủy nhỏ không thể khắc được hỏa lớn, có khi còn bị hỏa làm cho khô kiệt. Cũng có khi thủy-hoả tương giao, tạo nên cái thủy hữu dụng, như lửa trong bếp có thể đun sôi nước nấu cơm. Cũng như sơn dầu hỏa (lửa trên đỉnh núi) thì nước dưới khe (giản hạ thủy) khó lên đó mà khắc nhưng nước trên trời (thiên thượng thủy) - tức nước mưa lại có thể dập tắt ngay sơn dầu hỏa.

Ngoài ra, thủy tuy sinh ra mộc nhưng nếu thủy quá lớn có thể làm chết mộc, làm mất mùa màng.

Hoãn sinh vì sợ con... khắc tuổi bố mẹ

"Tạo hóa không bao giờ một chiều, mà trong 'sinh lại có khắc', 'trong khắc có sinh', đề điều hòa nhau. Giống như kim khắc mộc, nhưng kim yếu thì không thể khắc được mộc mạnh như chiếc liềm, chiếc hái không thể chặt được gỗ cứng, có khi còn bị sứt mẻ hay biến dạng. Nhưng đối với các loại mộc yếu như các loại lau, sậy thì chúng cắt được dễ dàng", giáo sư Tuấn cho biết.

Điều đó chứng minh, không thể căn cứ vào xung-khắc để phán xét, cấm đoán. Mối quan hệ tương sinh, tương khắc là sự ràng buộc lẫn nhau, chuyển hóa lẫn nhau để tồn tại và phát triển hài hòa, không phải là sự loại bỏ lẫn nhau. Vì vậy, theo giáo sư Tuấn thì người dân chớ nên vì mê tín, nghe theo sự phán đoán thiếu chính xác, chưa đầy đủ.

Trong khi đó, theo các bác sĩ thì với sản phụ sinh con quá muộn, nguy cơ đầu tiên là khó “đậu” thai, sảy thai và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Đặc biệt, trẻ sơ sinh nhóm này có nguy cơ mắc dị tật cao hơn những trẻ khác.

Trên 90% phụ nữ dưới 30 sinh con bình thường nhưng từ 35 đến 39, khả năng thụ thai chỉ còn 70%, tuổi 40 đến 44 khoảng 35%. Còn phụ nữ từ 45 tuổi trở lên chỉ có 10% đạt kết quả.

Ngoài ra, theo các nghiên cứu trên thế giới thì phụ nữ càng nhiều tuổi càng dễ bị sẩy thai. Tỷ lệ sảy thai ở độ tuổi 35-37 là 20% và sẽ cao hơn nữa ở những lứa tuổi lớn hơn. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, độ tuổi thích hợp để có thai lần đầu là 20 đến ngoài 22, lần thứ hai là 25 đến 27 tuổi.
Chia sẻ