“Hành trình” của bé trong bụng mẹ

Theo Eva,
Chia sẻ

Mời các mẹ cùng chiêm ngưỡng những hình ảnh vô cùng đặc biệt về sự phát triển của con yêu từ trong bào thai đến khi chào đời.

Bạn đã từng làm mẹ, từng mang thai nhưng liệu bạn đã bao giờ được tận mắt chứng kiến quá trình phát triển của con khi ở trong bụng mình chưa? Những hình ảnh dưới đây hẳn sẽ khiến bạn cảm thấy vừa lạ lẫm, vừa thân thuộc, bởi đây chính là quá trình “thiên thần” của bạn ra đời đấy.

Bào thai hình thành
 

Hình ảnh này chính là ở giai đoạn đầu tiên khi bào thai hình thành, đây chính là lúc bạn phát hiện ra những thay đổi trong cơ thể mình. Thời điểm này, bạn tò mò muốn biết, lúc này bé yêu đã lớn đến chừng nào, hình dáng ra sao khi lớn dần lên trong cơ thể bạn và đến khi nào bạn cảm nhận được những lần bé đạp, đúng không?

Thụ thai
 

Nếu một tinh trùng gặp và thâm nhập vào trứng thì quá trình thụ tinh sẽ được hình thành. Đây cũng chính là quá trình thụ thai. Tại thời điểm này, gen di truyền trong đó có cả giới tính được hình thành. Trong khoảng 3 ngày kể từ ngày thụ thai, các trứng đã thụ tinh được phân chia nhanh chóng vào rất nhiều tế bào, đi qua các ống dẫn trứng vào trong tử cung, tại đây, chúng sẽ bám chặt vào thành tử cung. Nhau thai, bộ phận nuôi dưỡng em bé cũng sẽ được hình thành từ đây.

Thai nhi 4 tuần tuổi
 

Tại thời điểm này, sự phát triển của các cấu trúc cấu thành nên khuôn mặt, cổ bắt đầu hiện lên rõ ràng. Tim và các mạch máu cũng vẫn tiếp tục phát triển. Phổi, dạ dày và gan bắt đầu hình thành và phát triển. Lúc này, bạn đã có thể tiến hành thử thai tại nhà.

Thai nhi 8 tuần tuổi
 

Kích cỡ của em bé lúc này chỉ bằng một quả nho – chỉ khoảng gần 3cm. Mí mắt và đôi tai đang được hình thành và thậm chí đầu mũi đã có thể nhìn thấy được. Cánh tay và chân cũng được hình thành. Các ngón tay và ngón chân mọc dài hơn và rõ rệt hơn.

Thai nhi 12 tuần tuổi
 

Bào thai lúc này dài khoảng gần 8cm và bắt đầu có những chuyển động. Bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy phần trên cùng của tử cung phía trên xương chậu. Bác sĩ có thể nghe được nhịp tim của em bé bằng một công cụ đặc biệt. Các cơ quan giới tính bắt đầu hình thành rõ ràng.

Thai nhi 16 tuần tuổi
 

Lúc này bào thai đã dài đến gần 12cm và nặng khoảng 80g. Phía trên cùng của tử cung nằm cách bụng của bạn khoảng gần 10cm. Em bé đã có thể chớp mắt và tim, mạch máu được hoàn thiện. Các ngón tay và ngón chân cũng đã có dấu vân.

Thai nhi 20 tuần tuổi

Bé yêu đã nặng khoảng 250g và dài 16cm. Bé có thể mút ngón tay cái, ngáp, căng người và có biểu cảm khuôn mặt. Nếu giai đoạn này bạn vẫn chưa cảm nhận được sự di chuyển của bé thì cũng sẽ rất nhanh thôi, bạn sẽ thấy bé đạp đấy.

Thời gian siêu âm
 

Việc siêu âm thường được thực hiện cho tất cả các phụ nữ mang thai ở tuần thứ 20-22 của thai kỳ. Nhờ đó, các bác sĩ sẽ xác định được tình trạng khỏe mạnh và bình thường của nhau thai và đồng thời cũng kiểm tra xem bé có phát triển bình thường trong tử cung hay không. Nhịp tim và các chuyển động của cơ thể, cánh tay và chân cũng được nhìn thấy khi siêu âm. Giới tính của bé cũng có thể được xác định ở giai đoạn này.

Thai nhi 24 tuần tuổi

Thai nhi lúc này nặng khoảng 0,6kg. Bé phản ứng với âm thanh bằng cách di chuyển hoặc nhịp tim đập nhanh hơn. Bạn có thể cảm nhận được các cú đạp mạnh của bé. Tai của bé được phát triển đầy đủ trong giai đoạn này, bé có thể cảm nhận được và phản ứng bằng cách lộn ngược trong bụng mẹ.

Thai nhi 28 tuần tuổi
 

Thai nhi nặng khoảng 1,1 kg. Bé thường xuyên thay đổi vị trí trong thời kỳ này. Nếu chẳng may trong giai đoạn này mẹ phải sinh non, thì cơ hội được sống của bé vẫn khá lớn. Thời kỳ này, bạn nên yêu cầu bác sĩ khám về các biểu hiện của việc sinh non và cách phòng tránh. Bạn cũng có thể bắt đầu tham gia các lớp sinh đẻ, yoga, tập thể dục… để chuẩn bị cho việc sinh con cũng như chuẩn bị các kiến thức đầy đủ để nuôi trẻ sơ sinh.

Thai nhi 32 tuần tuổi
 

Theo đà phát triển cân nặng, lúc này bé đã được 1,8kg. Da của bé xuất hiện một vài nếp nhăn khi chất béo bắt đầu hình thành dưới da. Giai đoạn này, bạn cũng chuẩn bị bước vào giai đoạn rỉ sữa non, một loại chất lỏng màu vàng xuất hiện trước khi có sữa mẹ.

Thai nhi 36 tuần tuổi
 

Các bé giai đoạn này khác nhau về kích thước, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính, số bé đang ở trong bụng mẹ, và phụ thuộc vào cả cơ thể của người mẹ nữa. Do đó, tỷ lệ tăng trưởng tổng thể của bé cũng quan trọng không kém gì kích thước thực tế bé phát triển. Trung bình, bé sẽ nặng khoảng 2,4kg và cao 38cm. Bộ não phát triển rất nhanh chóng, gần như là phát triển đầy đủ.

Bé ra đời
 

 
Bé ra đời khi người mẹ bước vào khoảng tuần thứ 40 của thai kỳ. Việc mang thai có thể kéo dài từ tuần thứ 38 đến tuần 42, nhưng thông thường việc “lâm bồn” thường rơi vào tuần thứ 40. Vì lý do an toàn, hầu hết các bé quá 42 tuần mà vẫn chưa sinh sẽ được bác sĩ can thiệp để tránh việc sinh quá muộn, gây ảnh hưởng về sau.
Chia sẻ