Giải thích những "chuyện khó" với bé

,
Chia sẻ

Bốn tuổi, Bin hỏi: “Con sinh ra ở đâu hả bố?”. Câu hỏi kế tiếp vào một năm sau là: “Rồi ai bỏ con vào trong bụng mẹ?”.

Không được phép tảng lờ

Những câu hỏi như thế thì chắc nhà nào cũng có. Đa số câu hỏi sẽ được đáp lại bằng thái độ của “nhà cầm quyền chuyên chế”: "Không hỏi những chuyện ấy, trẻ con biết gì". Một số cha mẹ tìm cách lảng đi, một số nữa thì phịa ra chuyện:“Có một bà tiên bay lơ lửng và xách những cái giỏ, trong mỗi giỏ có một em bé. Nhà nào thích em bé thì bà tiên để trước cửa một giỏ…”. Tương tự là “có một con cò mang con đến cho cha mẹ”.

Cha mẹ không nên tảng lờ những câu hỏi khó của con

Còn ông bố trong trường hợp ở đầu bài đành thú thật: “Bây giờ bố không trả lời được câu hỏi của con vì nó khó quá. Để bố suy nghĩ câu này năm năm nữa rồi bố sẽ trả lời”. Bin không thỏa mãn lắm nhưng cũng đồng ý: “Vâng ạ, nhưng năm năm thì chắc lâu. Nếu con quên thì bố nhắc con hỏi lại nhé”. Một bà mẹ khác thì mách: “Ở trong bụng không có đủ chỗ cho con chơi nên bác sĩ cho con ra ngoài”.

Ở trên mạng có câu chuyện cười về sự tinh quái của trẻ con, một đứa trẻ có cái tên nổi tiếng: Vôva. Trong tiết học về số học, cô giáo hỏi: “Em nào biết con số nào gợi cảm nhất?”. Vôva trả lời ngay tắp lự: "Thưa cô, 21593". Cô giáo ngạc nhiên: "Tại sao lại thế?". Vôva giải thích: "Vì nếu có hai người cùng làm một việc thì thường không quá năm tuần họ sẽ hiểu chín tháng sau sẽ có người thứ ba!".

Hẳn rằng câu chuyện trên là bịa. Nhưng rõ ràng là trẻ nhỏ thông minh hơn người lớn tưởng. Và mọi thắc mắc của trẻ dưới 10 tuổi đều chủ yếu tập trung vào hai chuyện: “Tại sao?”, và “Như thế nào?”. Đấy cũng là hai câu mang tính cơ bản của cả trí tuệ loài người, các nhà khoa học bảo thế.

Bởi vì trẻ con không ngừng tìm hiểu về thế giới, về chính mình vì vậy không nên có câu trả lời nào được “phủ quyết” bằng sự tảng lờ. Hầu hết người lớn đều không đủ khả năng trả lời một cách phù hợp với vốn hiểu biết hồn nhiên của trẻ. Nhưng tảng lờ mãi thì giống như người lớn đã đóng lại trước mắt trẻ một cánh cửa. Đóng thì trẻ tự tìm cách mở, hoặc đi tìm một cánh cửa khác.

Chia sẻ thông tin giới tính ra sao?

Hãy lựa chọn cách trả lời thông minh để giải đáp những thắc mắc của bé

Thật đáng ngạc nhiên, thử gõ cụm từ “con đã sinh ra thế nào” bằng tiếng Việt, tra Google, có hơn 600.000 kết quả hiện ra trong ít giây. Nhưng tuyệt đại đa số các kết quả tìm kiếm do bấm ngẫu nhiên đều dẫn tới… Vôva! Google là sản phẩm của người lớn và nó cho thấy một phần quan trọng về xu hướng lý giải thông tin của họ.

Kết quả trên cho thấy người lớn thật ra cũng không thể “khôn” giống như các em bé mong muốn. Họ thường tìm cách né tránh vấn đề nhạy cảm bằng cách lảng qua chuyện khác, có thể là bằng cách cười xòa. Bởi tâm lý phổ biến là thà không nói còn hơn là “vẽ đường cho hươu chạy”. Vấn đề giới tính mặc nhiên được treo tấm bảng “đường cấm, đừng vào”. Mà trẻ con càng bị cấm thì càng tò mò hoặc ấm ức.

Mang câu hỏi “con sinh ra thế nào” của bé 5 tuổi hỏi một bác sĩ tâm lý trẻ em có kinh nghiệm, bà cũng nói chung chung rằng “cần tìm cách trả lời phù hợp với hiểu biết của trẻ”, nhưng trả lời cụ thể ra sao thì bác sĩ không nói. Có phụ huynh đã mày mò tìm phim hoạt hình về giới tính xem nhưng cũng… bỏ chạy, vì phim hoạt hình còn “ghê” hơn phim người lớn. Cho con coi có mà chết chắc!

Người viết câu chuyện này cũng thú thật rằng đã hơn một lần bối rối về những câu hỏi liên quan đến giới tính của con mình. Tuy vậy, không thể từ chối việc trả lời, mà trả lời thế nào thì tự “đương sự” cũng thấy chưa phải là ngon lành lắm. Chỉ thấy rằng cách tốt nhất là đối diện với những câu hỏi ấy một cách bình thường, không nên ngượng nghịu và cũng không nên tẩy chay.

Trẻ lớn hơn 10 tuổi có lẽ việc trả lời dễ dàng hơn, về mặt ngôn từ. Nhưng lúc ấy lại tiệm cận đến một tính chất tò mò kiểu khác, gắn với hành vi cá nhân của tuổi sắp đến lúc dậy thì. Không né tránh cũng không tạo nên sự nhạy cảm đến mức nguy hiểm, đâu là cách ổn nhất?

Và kinh nghiệm từ “túi khôn” của bạn thì sao?
 
Theo Tuổi trẻ
Chia sẻ