Con nhịn ăn để đòi mua đồ chơi đẹp

HN,
Chia sẻ

Bảo Minh nổi tiếng cả khu phố là thông minh nhưng bướng bỉnh và “đua đòi”. Cứ thấy bạn có đồ chơi gì mới, đẹp là Bảo Minh đòi bố mẹ mua ngay lập tức, nếu không bé sẽ bỏ ăn, ngậm miệng cả ngày.

Mẹ Nam phải đi làm sáng chủ nhật, mẹ gửi Nam sang nhà bạn Xeko hàng xóm vì ở nhà không có ai trông. Trưa hôm ấy, khi mẹ sang đón về, Nam nằng nặc đòi cầm đồ chơi của bạn về nhà, mặc cho mẹ dỗ dành Nam giãy nảy lên khóc ăn vạ. Chỉ tới khi mẹ nói sẽ mua cho Nam một cái ô tô điều khiển từ xa như thế thì Nam mới chịu nín và về nhà.

Suốt từ lúc đó, không một phút giây nào mẹ được yên thân với Nam, bởi Nam nằng nặc đòi đi mua ô tô điều khiển cho bằng được. Mẹ Nam cáu quá, lấy roi quất cho Nam vài cái vào mông, cu cậu gào toáng lên khóc, miệng vẫn không ngừng: “Mua ô tô điều khiển từ xa cơ, mua ô tô điều khiển từ xa cơ…”.

Đi chơi siêu thị trở thành thói quen hàng tuần của gia đình nhà Linh. Mỗi lần đến siêu thị là Linh liền chạy tung tăng, nhặt hết thảy những gì mà Linh thích. Có những thứ ở nhà có rồi mà cô bé vẫn lấy, mẹ nhắc bỏ ra nhưng Linh không chịu, cứ khư khư ôm vào lòng. Mẹ có dùng biện pháp mạnh là thế nào Linh cũng vùng vằng, vứt thứ này, ném thứ kia. Dần dần, cho Linh cùng đi siêu thị là một nỗi ám ảnh của bố mẹ Linh.

Bảo Minh nổi tiếng cả khu phố là thông minh nhưng bướng bỉnh và “đua đòi”. Cứ thấy bạn có đồ chơi gì mới, đẹp là Bảo Minh đòi bố mẹ mua ngay lập tức, nếu không bé sẽ bỏ ăn, ngậm miệng cả ngày. Trước đây, Bảo Minh không bướng như vậy. Trẻ con vốn ham chơi, Bảo Minh cũng vậy. Cứ mỗi lần muốn Bảo Minh nghe lời là bố mẹ lại nịnh sẽ mua đồ chơi này, đồ chơi nọ cho Bảo Minh và Bảo Minh nghe lời răm rắp. Nhưng rồi chẳng lần nào bố mẹ mua cho Bảo Minh mà toàn lấy lý do “bố hết tiền rồi, mẹ hết tiền rồi”… Về sau, lớn hơn một chút, mỗi lần được bố mẹ hứa tặng gì hoặc cho gì là bé đòi bằng được, nếu không sẽ nhất quyết không ăn, không nói.

Đó chỉ là một vài trường hợp các bé bướng bỉnh và có tính đòi hỏi bố mẹ thái quá. Không phải tự nhiên mà trẻ có tính này, tất cả là do bố mẹ đã tạo cho bé tính đó hoặc bố mẹ đã không “rèn” bé ngay từ nhỏ.

Để đối phó với sự đòi hỏi này của con, bố mẹ phải có thái độ thế nào cho đúng?

Dứt khoát nói không

Thương con không phải là con đòi gì bố mẹ cũng đáp ứng. Nếu đáp ứng tất cả đòi hỏi của con sẽ hình thành cho con một suy nghĩ là “muốn gì được nấy” và ngày càng tỏ ra thái quá và tự mãn. Bố mẹ nên biết cách nói “Không” một cách dứt khoát với con để con biết đâu là giới hạn cho phép và điều gì là không được. Điều này cần sự thống nhất của mọi thành viên trong gia đình để tránh trường hợp mẹ không đáp ứng, trẻ liền quay sang mè nheo với bố hoặc ông bà.

Không nói dối con

Nhiều ông bố bà mẹ thường nói với con rằng “Bố/mẹ hết tiền rồi” để chấm dứt sự đòi hỏi của con. Nhưng ngay sau đó, bé lại thấy bố mẹ mua những thứ khác, vậy là bé đã “phát giác” bố mẹ nói dối và không “tín nhiệm” bố mẹ từ đó. Trong trường hợp này thay vì nói dối trẻ con, bố mẹ có thể tâm sự thẳng thắn rằng số tiền này cần phải để mua sữa, gạo, đồ ăn cho gia đình. Số tiền dành mua đồ chơi, quà cho con trong tháng đã hết. Dần dần càng lớn, nhận được đúng sai thì con sẽ hiểu và không còn vòi vĩnh nữa.

Đưa ra lựa chọn cho con

Một giải pháp khác là cho con chọn lựa nếu con vẫn vòi vĩnh không ngừng. Bố mẹ có thể đưa ra hai hoặc ba giải pháp khác nhau, ví dụ “nếu mua món đồ chơi này thì con sẽ không được mua áo mới”, như vậy bé sẽ lựa chọn đâu là điều bé thích và không liên tục vòi vĩnh nữa. Tuy nhiên phương pháp này chỉ áp dụng trong một số hoàn cảnh nhất định.

Chia sẻ