Con đường đến trường và những bài học thú vị về rèn tính tự lập cho trẻ

Lưu Ly,
Chia sẻ

Một trong những bài học đầu đời về tính tự lập của trẻ em Nhật Bản chính là tự bắt xe đến trường khi mới bước chân vào trường tiểu học.

Sẽ chẳng có gì là lạ khi chúng ta bắt gặp những hình dáng em bé nhỏ nhắn với chiếc cặp sách trên vai tung tăng đến trường. Một hình ảnh quá đỗi quen thuộc ở bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ đâu trên thế giới. Tuy nhiên, con đường đến trường của các em về nghĩa đen và nghĩa bóng lại hoàn toàn khác nhau, qua đó thể hiện nét khác biệt trong cách giáo dục trẻ nhỏ của các ông bố bà mẹ ở mỗi quốc gia trên thế giới.

1. Trẻ em Nhật tự đến trường từ năm 6 tuổi

Nếu có dịp đi tàu điện ở Nhật Bản, bạn sẽ không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy hình ảnh các em nhỏ tầm 6-7 tuổi, mặc trang phục học sinh bao gồm giày da, đi tất dài, mặc váy kẻ sọc, đội mũ rộng vành, có quai kéo xuống cằm và đeo cặp sách trên lưng, vô tư đi một mình trên các phương tiện giao thông công cộng. Chúng tự tin ngồi một mình trên một toa xe lửa hoặc đi theo nhóm nhỏ hoặc đang loay hoay tìm chỗ ngồi cho mình.

tre-em-di-hoc
Nhiều người nước ngoài đến Nhật Bản tỏ ra ngạc nhiên khi nhìn thấy trẻ em Nhật Bản đi bộ từ nhà đến trường hoặc đi tàu điện, xe buýt một mình.

Có thể bạn sẽ phải ngó nghiêng xem bố mẹ của những đứa trẻ này đâu hoặc thắc mắc rằng: “Tại sao chúng lại có thể một mình đi lại ngoài đường mà không sợ sệt bất cứ điều gì?”. Nhưng hãy xem con đường đến trường của một bé gái Nhật Bản 6 tuổi sau đây, bạn sẽ hiểu.

Trong ngôi nhà ở ngoại ô Tokyo, Nhật Bản, cô bé Mari Ando bắt đầu một ngày mới như những ngày bình thường khác bằng việc thức dậy và sắp xếp đồ đạc đến trường. 

1

2
Hình ảnh những cô cậu nhóc cắp sách đến trường vô cùng đáng yêu ở Nhật Bản.

3

tre-em-den-truong
Ngoài tàu điện, học sinh Nhật Bản còn đi học trên những chiếc xe buýt ngộ nghĩnh.

Cô bé tự tắm rửa, tự đánh răng, buộc tóc, mặc quần áo, sắp xếp cặp sách, ăn sáng, rửa chén bát, chuẩn bị sách vở rồi chào bố mẹ và ra ga bắt tàu đến trường học, mà không cần bố mẹ đưa đón.

Nhà của Mari Ando cách trường học khá xa. Em phải đi tàu đến ga Shinjuku, sau đó chuyển tàu một lần ở ga này để đến trường. Rồi tan học em lại tự đi về. Đó là cách đến trường không chỉ của riêng Mai Ando mà còn là của rất nhiều em nhỏ ở đất nước mặt trời mọc.

tre-em-di-hoc
Không khó để bắt gặp hình ảnh những em nhỏ đeo balo, đi tàu điện đến trường ở Nhật Bản.

Các em nhỏ Nhật Bản được bố mẹ dạy cho cách đến trường một mình bằng tàu, xe bus hoặc các phương tiện công cộng khi còn rất nhỏ, từ cách xem giờ xe chạy, cách hỏi đường, đến cách nhờ sự trợ giúp của người lớn nếu cần.

Có thể đối với các bậc cha mẹ ở các quốc gia khác, việc để con tự đến trường như vậy là điều không tưởng nhưng đối với cha mẹ Nhật, đó là cách để họ rèn cho con mình tính tự lập và biết cách giải quyết vấn đề khi bị lạc.

Người Nhật có một câu tục ngữ khá phổ biến: “Kawaii ko ni wa tabi o saseyo” (tạm dịch “Gửi con yêu dấu vào cuộc hành trình”). Tức là ngay từ đầu, bố mẹ Nhật đã xác định rằng việc “gửi con vào cuộc hành trình”, để con “tự thân vận động”, không có bố mẹ ở bên chính là đang mang lại những điều tốt đẹp cho con sau này.

Video: Hành trình đến trường của cô bé Noe Ando, 7 tuổi.

Bà mẹ Nhật Noriko, 34 tuổi, cảm thấy rằng việc đứa con 7 tuổi của mình hàng ngày tự đi tàu đến trường là điều hết sức bình thường. Lý giải cho việc đó, chị Noriko chia sẻ quan điểm của mình cũng như nhiều bà mẹ Nhật khác rằng cha mẹ sẽ không thể đi theo con suốt cuộc đời. Do vậy, các cô bé, cậu bé cần phải học cách tự tìm đường đi, tự giải quyết tình huống khi có sự cố xảy ra.

2. Còn ở Mỹ, bố mẹ có thể bị phạt nếu để con đi một mình ngoài đường

Trong khi đó, ở phía bên kia đại dương, trẻ em Mỹ lại có con đường đến trường hoàn toàn khác. Ở Mỹ, việc để trẻ nhỏ ra đường mà không có sự giám sát của người lớn có thể dẫn tới phiền phức lớn. Tờ USA Today từng đưa tin đôi vợ chồng Danielle và Alexander sống tại bang Maryland, Mỹ đã bị phạt và cảnh cáo vì cảnh sát phát hiện ra họ đã để con đi bộ quãng đường dài khoảng 1,6 km từ công viên về nhà. 

tre-em-di-hoc
Học sinh ở một số quốc gia đi học bằng xe buýt của trường.

Dù cặp vợ chồng đã hết sức giải thích rằng họ âm thầm đi theo các con và rằng họ làm như vậy để dạy cho chúng tính tự lập nhưng cảnh sát đã không chấp nhận lý do đó.

Tất nhiên, ở mỗi quốc gia, cha mẹ thường có những cách nuôi dạy và giáo dục con hoàn toàn khác nhau. Chẳng thế mà cô Reika Yo, một bà mẹ Nhật Bản đang sống ở New York phải thốt lên rằng: “Tôi đã rất ngạc nhiên về cách giám sát trẻ con ở đây. Ở Nhật Bản, trẻ con đi học một mình. Khi con tôi vào lớp 1, chúng đi bộ, rồi đi tàu, bắt xe buýt tới trường, thậm chí là ở Tokyo. Tôi rất ngạc nhiên khi ở New York, bạn tôi dắt con trai 12 tuổi đi học hằng ngày. Con trai tôi 5 tuổi và đang học lớp 1, mất 10 phút để đi bộ tới trường. Nếu tôi để thằng bé tự đi, tôi sẽ phải ngồi tù”.

3. Bố mẹ Australia không cho con tự đến trường vì nguy hiểm rình rập

Hay như ở Australia, trẻ em không được chạy ra đường. Bố mẹ đưa con đến trường bằng ô tô, chỉ các em nhà gần mới đi bộ đến trường, nhưng trẻ dưới 12 tuổi phải có người lớn đi kèm. Tại những đoạn đường gần trường học xe ô tô phải đi chậm, vào giờ đến trường và tan học luôn có mặt bảo vệ cầm cờ và thổi còi ra hiệu cho xe dừng lại để học sinh qua đường.

Cô bé Sophia Loren ở Sydney, Australia, dù đã 12 tuổi, trường học cách nhà chỉ khoảng 2 cây số và trường cũng ở trong cùng một thành phố nhưng cô bé luôn được bố mẹ “hộ tống” đến tận trường và đón về khi tan học. Sophia nói rằng cô bé chưa bao giờ tự đi đến trường. Trong tư tưởng của bố mẹ của Sophia, thế giới bên ngoài chứa đựng quá nhiều hiểm nguy khiến họ không thể an tâm để cô con gái bé nhỏ của mình tự đi đến trường.

tre-em-di-hoc
Nhiều phụ huynh không an tâm để con trẻ tự đến trường.

4. Con đường đến trường "dữ dội" của cậu bé 8 tuổi người Canada

Chắc hẳn nhiều ông bố bà mẹ sẽ không khỏi ngạc nhiên khi xem video về con đường đến trường vô cùng “dữ dội” của cậu bé 8 tuổi Jackson Goldstone, xuất hiện vào năm 2012, từng thu hút được rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng với hơn 22 triệu lượt xem.

Jackson sinh ra và lớn lên tại Squamish, Canada, trong một gia đình đã có niềm đam mê với xe đạp địa hình từ lâu, vì thế cũng không bất ngờ khi Jackson có thể làm là điều khiển xe điêu luyện khi còn ít tuổi đến thế.

Video: Hành trình đến trường không giống ai của Jackson Goldstone năm 8 tuổi.

Đoạn clip ghi lại hành trình đến trường "không giống ai" của cậu bé với phương tiện đặc biệt, đó là chiếc xe đạp. Khoác balo, đội mũ bảo hiểm và chào mẹ, cậu bé bắt đầu quãng đường đến trường bằng cách "chơi đùa" cùng người bạn thân thuộc tí hon. Cậu bé lướt nhẹ ra khỏi nhà và vi vu trên con đường nhỏ nhanh như một mũi tên. Thậm chí, Jackson còn thực hiện các kỹ thuật khó nhằn như quay đầu xe 360 độ, bốc đầu, vượt chướng ngại vật. Xem clip cùng những pha “bay lượn” thót tim với chiếc xe đạp nhỏ chắc không ai nghĩ rằng cậu bé mới chỉ có 8 tuổi và đó là cách cậu bé đến trường mỗi ngày.

Từ hình ảnh đến trường trên chiếc xe đạp tí hon của Jackson, có lẽ nhiều bố mẹ sẽ thay đổi suy nghĩ của mình về việc có nên để con tự đến trường. Nếu phụ huynh cứ mang trong đầu tư tưởng "nhỡ con bị làm sao thì bố mẹ sẽ phải ân hận cả đời", và lúc nào cũng kè kè bên con khiến con dễ có tâm lý ỷ lại có bố mẹ ở bên, "khi có chuyện gì xảy ra, con chỉ cần nép vào phía sau bố mẹ, rồi mọi chuyện sẽ ổn". Cha mẹ của Jackson sẵn có sở thích với xe địa hình và truyền lại có cậu nhóc, nhưng đó không chỉ đơn giản là niềm đam mê mà còn là bản lĩnh, tính tự lập và những kỹ năng đầu đời mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần có.

5. Trẻ con có cơ hội khám phá thế giới trên con đường đến trường

Theo kết quả của cuộc khảo sát từng trường Đại học Westminster, Anh, hiện nay có khoảng 21% học sinh tiểu học ở nước này tự đến trường và tự đi về nhà sau mỗi buổi học, trong khi con số này ở Đức là 76%.

Đối với những em nhỏ có nhà ở gần trường thì việc tự đi bộ đi học là điều tất nhiên. Nhưng theo trang The Indepent, nhiều ông bố bà mẹ ở Anh cho rằng họ cần phải đưa con cái đi học chu đáo để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra. Có thể họ nghĩ như vậy là đúng nhưng lại vô tình khiến con cái trở nên thụ động hơn trong việc đến trường đồng thời thiếu đi kỹ năng xử lý tình huống khi không có cha mẹ ở bên cạnh.

Lý giải cho việc để con tự đi bộ đến trường là một lựa chọn sáng suốt, chuyên gia về tâm lý trẻ em, ông Cath Prisk, cho rằng, việc đi bộ đến trường được coi là cách tập thể dục, rèn luyện sức khỏe hiệu quả trong bối cảnh xã hội ngày nay số lượng trẻ em béo phì, lười vận động ngày càng tăng. Bên cạnh đó, khi một nhóm học sinh cùng nhau tới trường hoặc trở về nhà, các em sẽ có cơ hội trò chuyện với nhau và hít thở không khí trong lành thay vì ngồi trong chiếc ô tô kín mít, ngột ngạt cùng bố mẹ.

Hơn thế nữa, các em được rèn luyện tính tự lập, khả năng ứng phó khi gặp khó khăn trên đường đi học. Theo ông ông Cath Prisk, bố mẹ không để con rời ra khỏi tầm nhìn của mình cũng đồng nghĩa với việc họ vô tình tước đi quyền được khám phá thế giới, khả năng tự lập của con trẻ.

Con đường đến trường là con đường ngày nào bé cũng đi qua, rồi những sự vật xung quanh sẽ in sâu vào đầu con trẻ như những hình ảnh thân quen. Khi có bất kỳ sự thay đổi nào hoặc hiện tượng khác xảy ra, bé sẽ nhận ra và dần dần học được kỹ năng quan sát mọi vật. 

Cũng như ở Úc, ở Việt Nam việc để con tự đến trường không phải là cách mà nhiều ông bố bà mẹ dám làm. Vì các loại phương tiện công cộng còn hạn chế và số trường có xe buýt đưa đón học sinh không nhiều nên bố mẹ thường tự đưa con tới trường. Nếu không có thời gian đưa con đi học, bố mẹ sẽ nhờ người thân, thậm chí là thuê người đưa đón con. 

Cùng ngắm những hình ảnh vô cùng đáng yêu của các em học sinh khi cắp sách đến trường:

tre-em-den-truong
Các em học sinh ở Ấn Độ tung tăng đến trường.
tre-em-den-truong
Người lớn hướng dẫn trẻ em sang đường ở Nhật Bản.

tre-em-den-truong
Các em học sinh quàng tay lên vai nhau vui vẻ đến trường.

tre-em-den-truong
Một hình ảnh vô cùng đáng yêu có thể dễ dàng bắt gặp trên đường phố Nhật Bản. Những em bé mầm non được các thầy cô giáo nuôi dạy trẻ sử dụng xe đẩy đưa đến trường hoặc đi tham quan.

tre-em-den-truong
Không thể rời mắt với những hình ảnh đáng yêu này.

tre-em-den-truong
Những đứa trẻ tròn xoe mắt hào hứng khám phá thế giới xung quanh trên chiếc xe đẩy ngộ nghĩnh.

(Nguồn: Tổng hợp)
Chia sẻ