Chăm con theo thời gian biểu - Cách của mẹ giỏi giang

Theo WTT,
Chia sẻ

Chăm sóc một đứa trẻ mà cũng cần thời gian biểu? Nghe có vẻ rối rắm và liệu có cần thiết không nhỉ?

Nhưng mẹ có biết rằng, nếu tạo được một thời gian biểu ổn định cho bé (và cả cho mình), cuộc sống bộn bề của một bà mẹ trẻ sẽ đỡ vất vả hơn, và con bạn sẽ được nuôi nấng khoa học hơn rất nhiều. Sao lại không thử nhỉ?

Vì sao cần lập thời gian biểu cho bé?

Nhu cầu của bé về cơ bản không có gì phức tạp cả – chỉ gồm ăn, ngủ, chơi và yêu thương. Thế nhưng để biết khi nào bé cần và cần bao nhiêu lại thực sự là một thách thức. Đó là chưa kể đến việc phải cân bằng nhu cầu đó với bản thân bố mẹ và các thành viên khác trong gia đình.

Nhiều gia đình thấy rằng sắp đặt mọi việc theo một trình tự thời gian quen thuộc mỗi ngày sẽ khiến cuộc sống dễ chịu hơn rất nhiều. Thay vì luôn phải đối phó với tình huống, giờ đây bạn đã có thể dự đoán được một ngày của mình và bé con sẽ như thế nào. Với bé cũng vậy, dù chưa nhận thức được rõ ràng nhưng bé cũng đã biết điều gì sắp xảy ra – chẳng hạn, sau khi ngủ dậy bé sẽ được một bình sữa đầy, sau đó là được chơi hay được bế ra đường hóng mát.

Các thiên thần nhỏ của chúng ta thực sự thích được biết trước những việc sắp xảy ra với mình; điều đó khiến bé thấy yên tâm và hạnh phúc hơn, nó cũng góp phần xây dựng một thế giới quan lành mạnh và tích cực cho bé để phát triển nhân cách và nếp ăn ở sau này của bé.

Thêm một ích lợi nữa từ việc lập thời gian biểu cho bé, đó là bạn sẽ đỡ vất vả hơn khi giao bé cho người trông trẻ hay cho bé đi nhà trẻ, vì bạn có thể “bàn giao” lại lịch trình hàng ngày của bé cho cô bảo mẫu và cô cháu sẽ sớm hòa hợp với nhau thôi.
 

Khi nào có thể bắt đầu tạo thời gian biểu cho bé?

Các chuyên gia không thống nhất được với nhau về thời điểm cũng như cách thức thiết lập thời gian biểu cho bé, nhưng nhiều bác sĩ nhi khoa cho rằng việc này có thể bắt đầu vào khoảng giữa 2-4 tháng tuổi khi mà thói quen ăn – ngủ của bé đã trở nên nhất quán và dễ dự đoán hơn. Bạn có thể nhân cơ hội này để hướng bé tới một lịch trình sinh hoạt phù hợp. Nhiều bé còn sớm tỏ ra “quy củ” hơn – thậm chí có bé đã ổn định được nhịp sinh hoạt điều độ chỉ 4-5 ngày sau sinh – lúc này bạn chỉ cần nhẹ nhàng khuyến khích con đi theo nhịp đã hình thành mà thôi.

Ban đầu, thời gian ăn uống, ngủ và những lần thức dậy của con sẽ giúp bạn nắm được nhịp sinh học tự nhiên của con và từ đó thiết kế một lịch trình phù hợp nhất với bé. Khá nhiều bố mẹ ghi nhận rất chi tiết thời gian bé ăn, ngủ, đi ị và đi tè ngay sau khi sinh và đón con về nhà, điều này là rất tốt. Tiếp theo, dựa vào những dữ liệu này, bạn có thể lập thời gian biểu cho bé trên một tấm lịch ngày, hoặc trên máy tính, hoặc dùng chương trình báo thức của điện thoại di động (khá tiện lợi phải không nào?).

Một số chuyên gia lại cho rằng bố mẹ đã có thể tạo lịch cho con sớm hơn, ngay từ 1 tuần tuổi. Nhưng xét cho cùng, dù bắt đầu sớm hay muộn và bằng cách nào thì quan trọng nhất vẫn là cảm giác của bé. Chính bản năng làm mẹ của bạn sẽ mách bảo cho bạn biết lúc nào bé cần được chăm sóc. Điều này là rất quan trọng ở giai đoạn sơ sinh, lúc này bé cần được bú đủ sữa để tránh tình trạng châm tăng cân cũng như mất nước. Bạn không bao giờ nên giới hạn cữ bú và ngủ của bé khi bé có vẻ cần, dù là chưa đến giờ theo thời gian biểu. Hãy nhớ điều này, không có một thời gian biểu nào có thể thay thế được nhu cầu thực sự của bé!

Tạo thời gian biểu cho bé như thế nào?

Để giúp bố mẹ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và tạo thói quen sinh hoạt theo giờ giấc hàng ngày cho bé, có 3 nhóm phương pháp sau được xem là cơ sở: do phụ huynh áp đặt, dựa theo nhu cầu của bé, và kết hợp cả 2 phương pháp.

Thời gian biểu do phụ huynh áp đặt là nghiêm ngặt nhất. Bố mẹ có thể ấn định chính xác khi nào bé ăn (đôi khi là cả ăn bao nhiêu), khi nào bé ngủ và trong bao lâu, khi nào bé chơi hoặc ra ngoài hưởng khí trời. v.v… Thời gian biểu kiểu này có thể do bố mẹ lập dựa trên nhịp sinh hoạt tự nhiên của bé hoặc do bác sĩ của bé đề nghị, nhưng một khi được áp dụng, nó rất chi tiết và chính xác – thậm chí đến từng phút – từ ngày này sang ngày khác.

Thời khóa biểu dựa trên nhu cầu của bé là ít nhất quán nhất. Theo dẫn dắt của bé nghĩa là bạn sẽ quan sát các tín hiệu của bé để quyết định xem bé cần gì tiếp theo hơn là áp đặt một khung thời gian nhất định cho việc cho bé ăn, nghỉ, hoặc chơi. Điều nay không có nghĩa là mỗi ngày của bạn hoàn toàn không thể đoán được trước. Sau vài tuần đầu tiên, hầu hết các bé đã định hình được cữ ăn, chơi, ngủ quen thuộc của mình. Nhưng thời gian biểu theo nhu cầu của bé có thể khác nhau mỗi ngày dựa vào các tín hiệu mà bé cung cấp cho bạn.

Thời khóa biểu kết hợp mang những đặc điểm của cả 2 loại phương pháp trên. Với kiểu này, bạn sẽ có một bảng thời gian ăn, ngủ, chơi và mọi sinh hoạt khác để tuân theo mỗi ngày. Nhưng bạn có thể linh động hơn so với thời gian biểu theo kiểu áp đặt. Một cữ ngủ trưa của bé có thể lùi lại một chút nếu bé không tỏ ra mệt, hoặc bé có thể ăn muộn một chút nếu mẹ bận việc gì đó hơi lố thời gian so với dự định.

Tùy theo hoàn cảnh thực tế của mình, bố mẹ có thể lựa chọn cách thức phù hợp nhất cho con và cả bản thân mình. Ngoài ra, tham khảo các gia đình có con nhỏ khác cũng giúp bạn đỡ rối trí cũng như vững tâm theo đuổi hơn vì đã có “bạn cùng hội cùng thuyền”.

Chia sẻ