8 cách phát triển trí não bé sơ sinh

,
Chia sẻ

Đừng nghĩ rằng bé sơ sinh chỉ biết bú ti thôi nhé. Những hoạt động giao tiếp đơn giản hằng ngày của bố mẹ sẽ giúp bé phát triển trí não và rèn luyện khả năng ngay khi chào đời.

1.Cho bé bú mẹ ngay sau khi sinh, duy trì thời gian bú mẹ càng lâu càng tốt. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng những bé được bú mẹ thường có chỉ số IQ cao hơn những bé ăn sữa ngoài.

2. Nhìn bé với ánh mắt trìu mến. Ngay từ khi sinh ra, bố mẹ hãy giao tiếp với con bằng ánh mắt trìu mến, thể hiện sự yêu thương vô hạn đối với bé. Mỗi khi bé thức, bố mẹ hãy nhìn thẳng vào mắt bé, giúp bé nhận biết khuôn mặt bố mẹ, luyện tập khả năng ghi nhớ của mình.

3. Dành nhiều thời gian chăm sóc bé. Bố mẹ nên thường xuyên âu yếm, vuốt ve, thơm bé để bé cảm nhận tình cảm của bố mẹ dành cho bé.

Không nên suy nghĩ bé sơ sinh chưa nhận biết được gì. Đừng đợi đến khi bé được khoảng 3 tháng tuổi mới bắt đầu kể chuyện hay nói chuyện với bé . Bố mẹ nói chuyện với bé càng sớm, càng nhiều, bé càng nhanh biết hóng chuyện và biết nói.
 
Bố mẹ luôn yêu thương, chăm sóc giúp bé phát triển trí não tốt hơn
 
4. Luôn tạo cho bé cảm giác vui vẻ. Bố mẹ hãy hát cho bé nghe lúc bé thức hoặc hát ru bé ngủ, không cần quan tâm mình hát hay hay dở. Một số nghiên cứu đã chỉ rằng nghe những giai điệu âm nhạc giúp bé phát triển khả năng học toán.

Cười đùa, cù toàn thân bé, làm bé cười và cười to thành tiếng, giúp bé phát triển khả năng hài hước.

5. Chơi cùng bé. Khi bé lẫy, bố mẹ cũng có thể nằm sấp người xuống để mặt đối mặt với bé, nói chuyện với bé.

Khi bé biết trườn bò, bố mẹ có thể nằm trên giường để bé bò qua hay trườn lên người, hoặc để bé bám vịn vào đứng lên. Điều này giúp bé rèn luyện khả năng vận động.

Bố mẹ cũng có thể đặt chiếc đệm sofa, gối, hộp hay đồ chơi, chỉ cho bé cách để trườn qua, luồn xuống hay bò quanh. Điều này sẽ giúp bé học được khả năng phối phợp và kỹ năng giải quyết vấn đề.

6. Luôn “thuyết minh” về mọi hành động của bố mẹ. “Bố thay bỉm cho con này”, “Mẹ tắm cho con nhé”, “Mẹ rửa mặt cho con sạch sẽ”,… Điều này giúp bé rèn luyện khả năng xây dựng vốn từ ngữ phong phú và đa dạng.

7. Chơi "ú- òa": Bố mẹ trốn đi (hoặc che mặt đi) và xuất hiện (mở tay che mặt ra) cùng với tiếng "ú-òa" sẽ làm bé thích thú và rèn cho bé nhận biết về một vật có thể biến mất rồi trở lại sau đó.

8. Bắt chước bé: Khi bé lớn hơn một chút, thỉnh thoảng, bố mẹ hãy làm theo những hành động của bé như: chun mũi, mút môi, cười đùa tạo âm thanh ngộ nghĩnh... Cách này giúp bé rèn luyện khả năng sáng tạo.
 
Bảo Châu
 
(Tổng hợp)
Chia sẻ