10 cách để "nói dối" con trẻ, và 10 cách để nói thật

,
Chia sẻ

Đừng nói dối con trừ phi rất cần thiết, nhưng cũng đừng thẳng đơ vô cảm như một "nhà mô phạm".

 
Sau đây là 10 ví dụ để "nói dối" và nói thật với trẻ:  

1. Dối: “Ông già Noel vừa gọi mẹ. Ông ấy nói cứ ứng xử như con lâu nay thì đừng mong gì quà”.

Thật: “Chúng ta cần nói chuyện với nhau về cách ứng xử của con”.

2. Dối: “Quái vật chúng ưa ăn gấu bông bụi bặm. Bố nghĩ sẽ có nhiều quái vật ghé thăm phòng của con”.

Thật: “Con cần cất đồ của mình vào đúng nơi đúng chỗ”.

3. Dối: “Bố mẹ đâu có đánh nhau, chỉ sắp xếp lại xoong nồi bát đĩa trong nhà bếp”.

Thật: “Bố mẹ không phải lúc nào cũng nhất trí với nhau, bố mẹ xin lỗi vì để xảy ra như vậy”.

4. Dối: “À, bố mẹ chỉ đùa giỡn với nhau trên giường ấy mà, nhưng quên mặc áo quần”.

Thật: “Bố mẹ đang yêu đương”.

5. Dối: “Đọc sách sẽ giúp con trở thành tỷ phú”.

Thật: “Đọc sách sẽ giúp con hiểu biết thế giới một cách sâu sắc hơn”.

6. Dối: “Đừng lo con ạ, chỗ mình không thể có động đất đâu”.

Thật: “Ờ, cũng có thể, nhưng mẹ nghĩ là rất khó xảy ra”.

7. Dối: “Dĩ nhiên là bố biết mọi chuyện”.

Thật: “Bố không chắc nữa. Mình cùng tra cứu nhé”.

8. Dối: “Cái chú đó phải sống bụi đời là do không chịu ăn rau sống đó”.

Thật: “Ăn rau sống rất quan trọng vì cơ thể mình cần các chất có trong rau”.

9. Dối: “Bố không sợ gì cả”.

Thật: “Bố cũng có lúc sợ chứ, nhưng nếu chuyện như vậy xảy ra thì mình nên làm như vầy, như vầy”.

10. Dối: “Đây là món trái cây đặc biệt của mẹ, nhưng nó là thuốc độc đối với trẻ con”.

Thật: “Đây là nước uống có cồn cho người lớn, nó có thể làm hại cơ thể còn bé bỏng của con”.

Bạn có thấy rằng cả hai cách trên đây đều không ổn? Chỉ là những ví dụ, hãy tìm cách cho trẻ tiếp cận sự thật gần nhất nhưng cũng đừng tạo nên những cơn chấn động trong tâm hồn trẻ.
 

Các ông bố quá sĩ diện

Một nghiên cứu mới nhất từ chính phủ Úc cho biết các ông bố ở nước này rất ngại cầu cứu khi gặp vấn đề về con cái. Trong 10 cuộc gọi tới đường dây nóng cho các bậc cha mẹ, chỉ có 1 cuộc gọi là từ phía các ông bố.

Nếu như nhiều bà mẹ sẵn sàng gọi để nói cho vơi nỗi niềm thì các ông bố chỉ gọi khi mọi chuyện đã tan tành và chẳng có cơ may cứu vãn.

Hầu như bố mẹ nào cũng gặp trường hợp con khóc dai dẳng tới mức muốn lay lắc nó cho hả giận. Đó là lúc cần đặt con mình xuống chiếu, bước ra khỏi phòng, hít một hơi dài và nhấc điện thoại. Đó là lúc cần phải đóng van này và mở van khác để xả stress.

Warwick Marsh, người sáng lập tổ chức Những người cha (Dads4Kids), khen ngợi các ông bố biết dẹp tự ái sang một bên để gọi tới đường dây nóng. Họ đã biết đặt lợi ích của con mình lên trên hết.

“Các ông bố có khuynh hướng không nghe ai khuyên bảo hết, họ không muốn để lộ điểm yếu. Nó cũng giống như đàn ông thường ngại hỏi đường khi bị đi lạc. Nhưng luôn luôn tốt hơn khi có một ý kiến khác”.

Theo Tuổi trẻ

Chia sẻ