Mẹ TP.HCM chia sẻ bí quyết dạy con không đòn roi, hình phạt: Trước hết phụ huynh cần "chữa lành bản thân", học là người mẹ biết nghe lời!

Hướng Dương HT,
Chia sẻ

Theo chị Trương Dư Ngọc Trâm, muốn khắc phục tính ương bướng, la hét nóng giận để con vâng lời hơn, trước hết cha mẹ cần sửa đổi mình trước.

Hầu hết các bác sĩ Nhi khoa và các chuyên gia tâm lý đều không tán thành việc dùng đòn roi để dạy trẻ. Bởi trẻ bị ăn đòn có thể bị ảnh hưởng tâm lý với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Đồng tình với quan điểm này, mới đây 1 bà mẹ ở TP.HCm có tên là Trương Ngọc Dư Tâm (29 tuổi) đã chia sẻ bí quyết dạy con không đòn roi của mình. Theo mẹ trẻ, mỗi phương pháp dạy con chị đều chú trọng vào nội tâm của bé, tận dụng giai đoạn vàng của con để hình thành sẵn nội tâm mạnh mẽ, định hình phần nền cho nhận thức của bé.

"Hầu hết các cách dạy con mình tham khảo từ sách, cố gắng chọn những tài liệu có nhiều góc nhìn khác nhau, chọn ra những thứ hợp với con nhất và áp dụng. Khi xác định được những vấn đề con đang gặp phải, mình sẽ tìm cách để con nhìn nhận và chấp nhận sửa đổi nó một cách tự nhiên nhất, không gây ức chế tâm lý. Khi con khắc phục được 2 mẹ con sẽ cùng nhau nhìn lại và tự khen nhau. Không gì vui hơn có thể gắn bó với con, là bạn đồng hành chứ không phải người giáo huấn.

Con mình không ngoan đâu, có một khoảng thời gian con rất lì và bướng, hay đánh người và la hét nóng giận. Những đợt giãn cách xã hội là khoảng thời gian quý giá đối với gia đình mình. Mình có thời gian bình tâm lại tìm hiểu về chính mình, hiểu mình cũng là lúc mình hiểu con" - chị Trâm chia sẻ.

Mẹ TP.HCM chia sẻ bí quyết dạy con không đòn roi, hình phạt: Trước hết phụ huynh cần "chữa lành bản thân", học là người mẹ biết nghe lời! - Ảnh 1.

Theo chị Trâm, con không thể ngoan ngay mà cần uốn nắn dần dần.

Dạy con không đòn roi của mẹ trẻ TP.HCM được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, theo chị Trâm đó là phải chữa lành cho chính bố mẹ của đứa trẻ trước. Tâm lý cha mẹ phải ổn mới có thể giúp được con. Giai đoạn 2, phụ huynh cần tạo kết nối và giúp con định hướng nhận thức, làm chủ cảm xúc.

Phương pháp dạy con không đòn roi, hình phạt của mẹ TP.HCM

Giai đoạn 1: Chữa lành bản thân

Theo chị Trâm, khi con gặp vấn đề trong nhận thức và cảm xúc phần lớn là do ba mẹ cũng đang gặp trục trặc:

"Thời gian đó mình bị căng thẳng, suy nhược cả cơ thể lẫn tinh thần nên mình học cách lắng nghe bản thân trước. Quá trình đó không dễ dàng, mình thường cảm thấy nóng giận với con không kiềm chế được. Mình học được một số cách như hít thở, đếm 1-10... Nhưng theo trải nghiệm của bản thân, nó giúp kiềm nén cơn giận lúc đó, nén lại và đến một lúc nào đó sẽ "BÙM" với công suất gấp đôi.

Cuối cùng, mình chọn cách khui nó ra và "xem bên trong có gì nào". Mỗi cơn giận qua đi mình thường ngồi yên lặng nói chuyện với bản thân, hỏi bản thân nguyên nhân tại sao lại nóng giận mà không kiềm chế được. Kết quả là: MỆT MỎI và NGHỊCH Ý.

Từ đó mình quyết định giải quyết dần, khi nào mệt mỏi cảm thấy bản thân sắp nổi nóng mình sẽ gọi chồng lên và nói "em thấy mệt, sắp không bình tĩnh rồi, anh chăm con đi" sau đó mình ra chỗ yên tĩnh ngồi một mình thư giãn.

Nguyên nhân thứ 2: Nghịch ý sẽ khó hơn. Mình nghiệm ra mọi chuyện không hẳn do con hư, mà do mình yêu cầu con quá nhiều và chưa thể hiểu con. Mình học cách làm NGƯỜI MẸ BIẾT NGHE LỜI. Mình đứng về phía con, chiều con kể cả những điều HƠI VÔ LÝ.

Nếu có thể đầu tiên mọi người hãy đọc quyển sách "Người mẹ tốt hơn người thầy tốt tập 1" kế tiếp hãy đọc "Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương tập 1". Hai quyển sách viết dựa trên 2 góc nhìn khác nhau khá thú vị. Khoảng thời gian này cũng là lúc mình nghiền ngẫm về bản thân, về con và về 2 quyển sách này.

Mỗi ngày, mình vẫn tìm hiểu bản thân như khám phá phân tích tâm lý của một người xa lạ. Mình phát hiện bản thân sẽ dễ dàng nghe theo lời của người hay đứng về phía mình. Ví dụ chồng mình thường không can thiệp chuyện vợ mua đồ, luôn tin tưởng nên mình mua gì anh cũng cho, luôn đứng về phía mình. Có vài lúc anh thấy món đồ không cần thiết sẽ hỏi "món đó cần không em?" hay "anh thấy chưa cần đâu". Cảm giác của mình khi nghe xong những lời đó vẫn vui vẻ và thường chấp nhận không hề khó chịu. Với những người hay phản đối, bác bỏ thì mình sẽ ở thế phòng thủ, không chấp nhận gì hết. Ngẫm ra việc đó, mình đã áp dụng đối với con".

Mẹ TP.HCM chia sẻ bí quyết dạy con không đòn roi, hình phạt: Trước hết phụ huynh cần "chữa lành bản thân", học là người mẹ biết nghe lời! - Ảnh 2.

Bài đăng của người mẹ khi con trai làm gãy mất thỏi son yêu thích.

Giai đoạn 2: Tạo kết nối và giúp con định hướng nhận thức, làm chủ cảm xúc

Chị Trâm cho biết, khi đã tìm hiểu tâm lý của chính bản thân, chị quyết định nới lỏng ra, chấp nhận mọi việc con làm. Theo mẹ trẻ, đây là giai đoạn con đang khám phá, đang học, hư hao tài sản là đầu tư, chỉ khi thật sự cần nghiêm túc ngăn cản, chị mới nói "không".

"Ví dụ như con đòi rửa chén (bát) và đã làm vỡ 1 vài cái chén. Mẹ dọn dẹp mệt hơn và phải canh xem cái nào con rửa còn rửa lại. Một người muốn làm việc nhanh gọn cho xong như mẹ thì trước kia sẽ khó chịu, nhưng giờ con có thể làm tới khi nào con chán.

Video hồi trước, khi còn ở nhà cũ. Nhìn con rửa chuyên nghiệp vậy mọi người biết quá trình đó đã vỡ bao nhiêu chén rồi không? Nhưng tới giờ con vẫn nhớ mãi thời gian ở nhà cũ, luôn nói thích nhà cũ vì đó là khoảng thời gian cả nhà dành trọn cho nhau.

Con có thể lôi hết đồ trong nhà ra bày không còn một chỗ trống, con có thể lấy máy mẹ ép của mẹ để tháo lắp, gãy vỡ cũng không sao. Mẹ luôn chọn mua những đồ vừa tầm giá gia đình mình để thay, sửa hay mua mới cũng không quá đau lòng. Và thành quả là gãy chốt gài thật, mẹ không nổi nóng mà chỉ nhắc con phải cẩn thận hơn.

Quy định duy nhất cho con là chơi xong phải dọn, không dọn mai mốt mẹ khóa lại không cho chơi" - chị Trâm chia sẻ.

Để con rửa bát thành thạo chuyên nghiệp, chị Trâm phải hi sinh rất nhiều bát đũa

Thêm một tình huống khác về việc chị Trâm dạy con: "Con lấy cây son thứ nhất vẽ lên tường hư, mẹ buồn và giận, không kiềm chế được mẹ nói với ba, ba la con. Mẹ không nói chuyện với con vài phút sau ngẫm lại không cần phải thế. Mẹ đến ôm con và nói:

- Cây son này mẹ thích lắm, con vẽ lên tường mẹ buồn lắm con đừng vậy nữa nha. Tin (con trai chị Trâm) nín khóc và xin lỗi mẹ.

Ba và Tin mua cây son mới về tặng mẹ. Tầm nửa tháng hay 1 tháng gì đó, Tin mượn son chơi. Tin nói con không vẽ lên tường đâu, con cẩn thận. Mẹ nghi lắm, mẹ muốn nói không cho rồi mà giành lại con sẽ không vui. Vì vậy mẹ bấm bụng đưa Tin chơi, Tin cẩn thận thật, không vẽ lên tường nhưng đậy nắp son mà không vặn thỏi son lại, cây son bị gãy. Mẹ giận quá đi ra sau, ba không kiềm chế được đánh vào mông Tin, phạt Tin úp mặt.

Mẹ ngẫm lại rằng: Con đang khám phá nên chạy lên ngăn ba, kêu Tin lại ôm con và nói:

- Mẹ đã nói rồi, Tin đưa mẹ đi con không biết sẽ làm hư đó mà con không nghe mẹ, son hư mẹ buồn lắm.

Sau đó mẹ lấy cây son ra và nói với Tin:

- Con biết tại sao con làm hư nó không, vì nó phải vặn xuống như vậy nè mới đóng nắp được, con thấy không? Mai mốt đừng làm vậy nữa nhé.

Tin hết khóc và nhắc lại những gì mẹ dạy, kèm theo câu "Con xin lỗi mẹ, mai mốt con không vậy nữa", từ đó về sau Tin cầm son lên luôn nhắc lại những gì mình dạy, mình biết con hiểu và thấm".

Mẹ TP.HCM chia sẻ bí quyết dạy con không đòn roi, hình phạt: Trước hết phụ huynh cần "chữa lành bản thân", học là người mẹ biết nghe lời! - Ảnh 4.

Bé bày bừa chị Trâm không còn la mắng.

Để nhẫn nhịn cho cơn giận qua đi rồi mới dạy con, không phải ai cũng làm được. Chị Trâm cũng thế. Có những lúc chị muốn bỏ cuộc. Chị từng sợ con sẽ "được đà lấn tới", không xem ai ra gì. Nhưng cuối cùng chị chọn tin con mình có những bản tính tốt đẹp.

"Mỗi lần con la hét mất bình tĩnh, mình thấy thương con vô cùng. Người hay mất bình tĩnh, bất bình với mọi thứ là người có nội tâm yếu đuối, họ mệt và khổ hơn người đối diện vì phải chịu cảm xúc đó thường trực. Mình hiểu và thương con chứ không trách nữa.

Mỗi lần con nóng giận la hét mình thường ngồi nhìn yên lặng. Nếu con căng thẳng hơn mình sẽ nói với con "Tin dữ quá mẹ sợ, mẹ ra sau khi nào Tin bình tĩnh thì mình nói chuyện, mẹ chỉ nói chuyện được với con khi con bình tĩnh thôi" và sẽ đứng dậy đi ra chỗ khác.

Thường khi con sẽ khóc thét to hơn, mình vẫn sẽ đi, lâu lâu ra hỏi con bình tĩnh chưa. Nếu con đánh mẹ mình sẽ nghiêm lại và nói con không được đánh mẹ, rồi lại bỏ đi. Khi con bắt đầu dịu hơn và chịu nói chuyện mình sẽ ôm con vỗ vỗ: Tin bình tĩnh, bình tĩnh, mẹ yêu Tin mà, thương nhiều lắm. Con đang thấy sao kể mẹ nghe…

Mẹ con bắt đầu tâm sự, con bình tĩnh hẳn mình sẽ giải thích và hướng dẫn con cần làm gì khi lần sau gặp chuyện tương tự" - chị Trâm kể.

Mẹ TP.HCM chia sẻ bí quyết dạy con không đòn roi, hình phạt: Trước hết phụ huynh cần "chữa lành bản thân", học là người mẹ biết nghe lời! - Ảnh 5.

Sau giai đoạn này, chị thấy mình và con đều nhẹ nhàng với nhau hơn. Mẹ nhờ gì, con cũng sẽ giúp. Không những thế con còn làm với một tâm trạng vui vẻ, thoải mái.

Mẹ trẻ kể thêm: "Mình nhận thấy sự kết nối rất rõ giữa 2 mẹ con nên mọi việc định hướng con trở nên dễ dàng hơn. Mình luôn nói con muốn gì thì mình thương lượng, thuyết phục, không khóc lóc la hét, càng khóc đòi mẹ càng không cho. Giờ vẫn có lắm lúc con xấu tính nhưng mình cảm nhận được con có khả năng tiếp thu, con đã gỡ được tấm khiêng phòng vệ phản kháng với lời dạy của người lớn.

Mình sẽ đồng hành cùng con cả đời nên sự kết nối giữa ba mẹ và con rất quan trọng. Tới thời điểm này mình cảm nhận không phải con lì mà là tâm lí phòng vệ vì bị phản bác quá nhiều sinh ra.

Khi con làm sai mình thường không dùng hình phạt mà sẽ tìm cách để con thấy được kết quả của việc làm đó. Ví dụ xem TV nhiều thì đau mắt. Mình sẽ vạch mắt và chụp cho con xem đôi mắt có màu đỏ. Con không tự đi lấy đồ mặc thì ba mẹ sẽ hỏi con không thích mặc đồ hả, vậy ba mẹ mang hết cất vào kho cho rộng nhà, đồ chơi cũng vậy không dọn thì cất kho. Lưu ý không được nói mang đồ của con cho người khác, con sẽ sinh tính ích kỉ. Con cần đánh đổi một điều tương đương và phải hợp lý tránh ức chế tâm lý.

Điều may mắn nhất mình đạt được chính là nội tâm con mạnh mẽ. Kết nối với mẹ từ sớm nên con xem mẹ là tượng đài, chỉ cần mẹ nói đúng con sẽ nghe theo hơn là ảnh hưởng từ người ngoài".

Thành quả chị Trâm dạy con.

Chia sẻ