"Mê hồn trận" xét tuyển đại học, thí sinh, phụ huynh "không biết đường nào lần"

TRẦN HUỲNH,
Chia sẻ

Trong bối cảnh Bộ GD-ĐT quy định hoàn toàn mới trong xét tuyển đại học năm nay, rất nhiều trường đại học tung đủ chiêu trò để lôi kéo người học. Do có quá nhiều cách thức xét tuyển khiến thí sinh lúng túng.

Hiện có thí sinh đã nhận thông báo trúng tuyển gần 10 trường. Chính điều này khiến các trường không thể xác định được thí sinh sẽ chọn học ngành nào, trường nào, phương thức nào để nhập học.

"Mê hồn trận" xét tuyển đại học, thí sinh, phụ huynh 'không biết đường nào lần' - Ảnh 1.

ThS Nguyễn Hải Trường An, giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), đang tư vấn cho phụ huynh và học sinh tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ 2022 diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM. - Ảnh: DUYÊN PHAN

Yêu cầu gửi xác nhận theo học qua bưu điện

Năm 2022, Bộ GD-ĐT sẽ lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển và thí sinh chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất, không có chuyện trúng tuyển chính thức 2, 3 phương thức, trường khác nhau.

Bộ cũng đặc biệt lưu ý các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung. Tuy nhiên Trường ĐH Ngoại thương yêu cầu thí sinh "xác nhận theo học" trước 17h30 ngày 19-7. Trường này gửi thông báo đến các thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển phương thức 1 - xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia (hoặc cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia), phải làm thủ tục xác nhận nhập học trực tuyến.

Theo thông báo này, thí sinh phải thực hiện 6 bước "để được xác định là trúng tuyển và công nhận là tân sinh viên khóa 61". Điều đáng nói, trường yêu cầu các thí sinh này phải nộp "bản xác nhận theo học" qua đường bưu điện về trường trước 17h ngày 19-7. Chính việc này khiến nhiều thí sinh và phụ huynh hoang mang: "Trường yêu cầu thí sinh phải xác nhận nhập học, vậy nếu không kịp nộp bản xác nhận như thông báo thì có bị hủy kết quả?".

Bà Vũ Thị Hiền, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho hay việc trường yêu cầu thí sinh thực hiện thêm bước này để xác định rõ ràng hơn nguyện vọng nhập học, không yêu cầu thí sinh nhập học hay xác nhận nhập học.

"Nhà trường thông báo cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển thực hiện xác nhận theo học. Trong các bước thí sinh phải thực hiện, có bước 5 mới là xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Trường chỉ hỏi thí sinh có nguyện vọng dùng tiếp kết quả xét tuyển này hay không, nhưng không ràng buộc bất kỳ giấy tờ hay tài chính của các bạn.

Nếu ở giai đoạn này bạn nào từ chối theo học tại trường tức là kết quả xét tuyển sẽ bị hủy. Do lựa chọn từ chối ngay ở giai đoạn này nên không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Thí sinh nộp xác nhận theo học qua bưu điện theo yêu cầu của trường sau này vẫn được quyền sắp xếp lại nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT", bà Hiền khẳng định.

Bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng 1

Trong khi đó rất nhiều thí sinh cho biết đã trúng tuyển có điều kiện vào các trường ĐH theo phương thức xét tuyển sớm (học bạ, đánh giá năng lực) và trường lại yêu cầu thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 lên hệ thống của Bộ GD-ĐT, nếu không sẽ hủy kết quả xét tuyển. Trong khi thí sinh lại muốn đăng ký thêm nguyện vọng khác, nên các bạn đang lo lắng.

Bà Nguyễn Hải Trường An, giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: "Những ngày qua các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM nhận rất nhiều câu hỏi của thí sinh về việc có bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng 1 phương thức xét tuyển sớm hay không. Điều này đang khiến rất nhiều thí sinh hoang mang trong việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho rằng về nguyên tắc không trường nào có quyền bắt thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 với phương thức xét tuyển sớm.

"Quy chế không cho phép các trường làm việc này. Việc đăng ký nguyện vọng là quyền của thí sinh, do các em lựa chọn. Thí sinh cứ làm đúng quy trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung theo đúng quy định của bộ. Nếu mong muốn nhập học tại trường, ngành nào thì khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống phải đặt ở mức ưu tiên cao nhất", ông Hùng nói.

Không phải lo lắng

"Mê hồn trận" xét tuyển đại học, thí sinh, phụ huynh 'không biết đường nào lần' - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho hay: "Hệ thống lọc ảo hỗ trợ chắc chắn giúp thí sinh đỗ vào nguyện vọng ưu tiên nhất có thể, mà không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau.

Thí sinh không phải xác nhận nhập học trước đối với các phương thức khác, việc xác nhận nhập học trước có thể làm mất đi cơ hội được nhập học vào các trường và ngành mà thí sinh mong muốn, hoặc thí sinh phải nộp một khoản phí giữ chỗ".

20 phương thức xét tuyển

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2022 các trường đại học đang sử dụng khoảng 20 phương thức xét tuyển. Thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển ở nhiều phương thức khác nhau ở cùng một trường hoặc nhiều trường. Với quy định này nên thí sinh đều tranh thủ kiếm một "vé" vào đại học bằng việc đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng và phương thức xét tuyển ở các trường khác nhau.

Vì sao có trường vẫn còn xét học bạ?

"Mê hồn trận" xét tuyển đại học, thí sinh, phụ huynh 'không biết đường nào lần' - Ảnh 3.

“Đăng ký xét tuyển như thế nào sau khi biết điểm thi tốt nghiệp?” là câu hỏi nóng tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ 2022 diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh: THẾ SẢY

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, trước 17h ngày 21-7 các trường phải hoàn thành công tác xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh, đồng thời cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống.

Đến thời điểm này thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, các phương thức xét kết hợp với sử dụng điểm thi THPT và đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống. Kết thúc đợt 1 (sau ngày 17-9), nếu còn chỉ tiêu thì các trường mới được xét tiếp.

Trong khi hiện nay, khá nhiều trường vẫn tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ. Ngày 20-7, ĐH Đà Nẵng thông báo tuyển sinh đại học chính quy theo phương thức xét học bạ THPT năm 2022 (dành cho các ngành có môn năng khiếu), đợt xét từ ngày 22-7 đến 20-8.

Thí sinh Nguyễn Thục (Quảng Nam) thắc mắc: "Bộ GD-ĐT quy định việc xét tuyển học bạ đã kết thúc nhưng nay ĐH Đà Nẵng thông báo nhận đăng ký xét tuyển vậy có đúng không?". Nhiều thí sinh cũng cho hay từ đầu tháng 7-2022 Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ THPT đợt 2.

Giải thích về việc này, ông Trần Đình Khôi Quốc - trưởng ban đào tạo ĐH Đà Nẵng - cho biết phương thức xét học bạ THPT dành cho các ngành có môn năng khiếu của ĐH Đà Nẵng không phải là phương thức tuyển sinh sớm mà xét theo lịch chung của Bộ.

"Thí sinh đăng ký bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD-ĐT và theo các quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành. Vì sau khi thi THPT thí sinh mới thi năng khiếu nên đợt xét này cùng với đợt xét của bộ. Sau khi thí sinh đăng ký, các trường sẽ lấy dữ liệu về xét", ông Quốc cho hay.

Bà La Vũ Thùy Linh - phụ trách phòng đại học Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cũng cho hay với xét học bạ trường chia thành hai đợt xét: đợt 1 dành cho thí sinh các trường THPT có ký kết hợp tác với trường (xét 5 học kỳ) và đợt 2 dành cho tất cả các trường THPT cả nước (xét 6 học kỳ, nhận hồ sơ đến 15-7).

"Với xét học bạ đợt 2, thí sinh phải đăng ký trên hệ thống chung của bộ. Đây là phương thức xét tuyển riêng của trường, sau ngày 15-9 mới công bố kết quả", bà Linh nói.

Chia sẻ